Sử dụng cả hai chân để đạp ga, phanh hay không dùng số bán tự động khi đổ dốc là những sai lầm dẫn tới nguy hiểm khi lái xe số tự động.
 
Xe số tự động có ưu điểm là cách vận hành đơn giản hơn nhiều so với xe số sàn, do lược bỏ chân côn. Tài xế chỉ cần quan tâm chân ga, chân phanh, "lên xe và đạp ga" là chạy, không cần lo xe chết máy, sang số phù hợp.
 
Nhưng cũng bởi ưu điểm này, nhiều tài xế lái xe số tự động tỏ ra chủ quan hoặc "lười", không sử dụng hết tính năng thiết kế. Dưới đây là những sai lầm nguy hiểm khi lái xe số tự động mà các tài xế cần tránh.  
 
1. Sử dụng hai chân 
 
Nếu như trên xe số sàn, tài xế cần dùng cả hai chân thì trên xe số tự động chỉ dùng một chân phải điều khiển cả phanh và ga. Nhiều người lại tỏ ra thừa chân trái và cũng để tiện hơn nên sử dụng cả hai chân, chân phải đạp ga, chân trái đạp phanh. Thực tế đây là một sai lầm cần loại bỏ nếu không sẽ gây ra nhiều nguy hiểm. 
images1432816_3.jpg
Thiết kế chân ga, phanh thẳng vị trí chân phải đưa ra, đúng tư thế ngồi chắn chắn nhất. Nếu cố với chân trái sang chân phanh, tài xế có thể bị vặn người, gây hư cột sống cũng như tư thế lái không vững chắc, nhanh mệt mỏi. 
 
Quan trọng hơn, sử dụng hai chân khi gặp tình huống bất ngờ, tài xế cuống quýt đạp cả hai chân, khi đó vì ga lớn nên tác dụng của phanh sẽ giảm rất nhiều, xe không thể dừng như mong muốn, dẫn tới trường hợp "xe điên".
 
Trong thực tế, có những tài xế dùng cả hai chân để điều khiển xe số tự động, nhưng đó là những tay đua trong trường đua hoặc có kỹ năng đặc biệt. Ở đó, cần tối ưu khả năng tăng tốc cũng như giảm tốc, tăng tốc trở lại nhịp nhàng. Nhưng chỉ những người được đào tạo bài bản để đua xe mới thực hiện việc này thuần thục, và chỉ trong đường đua chứ không phải ngoài đường công cộng.
 
2. Không chuyển sang chân phanh khi thôi ga
Cũng thuộc hành vi sử dụng chân phải, nhiều tài xế do lười nên chân vẫn để chờ ở bàn đạp ga mà không chuyển sang chân phanh. Nguyên tắc an toàn là "không ga thì phanh", do đó nếu không đạp ga, chuyển ngay mũi chân sang để chờ phanh. Nếu cứ để chờ ở chân ga, khi gặp tình huống nguy hiểm, phản xạ khiến tài xế đạp dúi về trước, xe không dừng như suy nghĩ mà chồm lên do tăng tốc bất ngờ. Đây cũng là một nguyên nhân lớn dẫn tới những trường hợp xe điên hiện nay. 
 
Thói quen không tốt này cũng nguy hiểm ngay cả khi lái xe số sàn, Tuy nhiên nếu xe số sàn có thêm chân côn làm cứu cánh, giúp ngắt truyền động thì xe số sàn không có bộ phận này, nguy hiểm tăng thêm nhiều lần.
 
3. Không dùng số thể thao
 
Số thể thao, số tay, số bán tự động là những cách gọi thường thấy cho kiểu sang số bằng tay trên xe số tự động. Theo đó, khi cần số ở chế độ này, xe không tự lên số theo tốc độ, mà tài xế tự chuyển số theo ý chí, tùy mục đích.
Chế độ này thường xuất hiện ngay trên cần số với ký hiệu +, - hoặc M1, 2, L1, L2... Ở xe thể thao hoặc xe sang, thậm chí nhiều xe phổ thông hiện nay cũng trang bị tiện nghi hơn khi tích hợp lẫy chuyển số bằng tay trên vô-lăng. Nếu không nói đến sở thích kiểm soát sang số của tài xế, số tay thường được dùng trong những trường hợp vượt xe khác hoặc xuống dốc.
 
Khi leo dốc, xe tự sang số đảm bảo đủ sức kéo và tốc độ. Nhưng khi xuống dốc do xe lao nhanh theo quán tính, hộp số sẽ lên số cao, do đó không còn khả năng hãm theo kiểu phanh động cơ. Lúc này để đảm bảo xe đổ đèo với tốc độ an toàn, tài xế chủ động về số tay 1, 2... sao cho phù hợp với độ nghiêng và chiều dài con dốc đến mức an toàn.
 
Nếu không sử dụng số tay, tài xế bắt buộc lạm dụng phanh để hãm tốc. Nhưng hãm tốc bằng phanh không thể đều và mượt như hãm bằng động cơ. Bên cạnh đó, đặt phanh làm việc trong tình trạng khắc nghiệt liên tục thời gian dài có thể khiến cháy phanh, mất tác dụng hệ thống thủy lực.
 
Tuy nhiên, không phải mọi con dốc đều phải chuyển sang chế độ này. Tài xế cần cân nhắc độ dốc, chiều dài dốc và tình trạng hoạt động của xe để quyết định có sử dụng hay không.
 
 
Theo VnExpress