(Baonghean) - Là người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng yêu cầu các nhà báo phải xác định rõ đối tượng phục vụ và nhiệm vụ của báo chí là để phục vụ nhân dân; trong việc phê phán cái xấu, cái sai, cái lạc hậu cũng phải góp phần mang tới công chúng niềm tin ở sự thật, sự nghiêm minh của pháp luật… Nhưng qua nhìn lại hoạt động tác nghiệp báo chí trong thời gian qua, có một số phóng viên, cộng tác viên đã vi phạm đạo đức nghề báo, làm xói mòn niềm tin của xã hội.
Phóng viên, cộng tác viên tống tiền...
Vụ việc 3 đối tượng là phóng viên, cộng tác viên Báo Bảo vệ pháp luật thực hiện hành vi tống tiền doanh nghiệp và tổ chức mà Tòa án nhân dân huyện Yên Thành đưa ra xét xử ngày 7/11/2016 thực sự đã gây “sốc” trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của nhà báo, phóng viên.
3 đối tượng này gồm Nguyễn Gia Thỏa (SN 1989, trú tại xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội), Phan Văn Quân (SN 1974, trú tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành), Bùi Văn Toàn (SN 1980, trú phố Nguyễn Chinh, P. Tân Mai, Q. Hoàng Mai, TP. Hà Nội).
Trong đó, Thỏa và Quân là cộng tác viên; Toàn là phóng viên của Báo Bảo vệ pháp luật. Các đối tượng trên đã thực hiện hành vi tống tiền đối với Hợp tác xã Thành Chung ở xã Thọ Hợp (Quỳ Hợp), doanh nghiệp Thành Sơn và UBND xã Bảo Thành (cùng ở huyện Yên Thành), là những tổ chức, đơn vị có một số “vấn đề” trong khai thác khoáng sản và quản lý; và hành vi đó của các đối tượng đã bị Công an huyện Yên Thành bắt quả tang tối ngày 1/4/2016, khi đang nhận số tiền 20 triệu đồng của Giám đốc Hợp tác xã Thành Chung là ông Nguyễn Cao Chung.
Vụ việc trên đã được cơ quan điều tra làm rõ: cuối tháng 3/2016, Thỏa và Quân cùng nắm bắt thông tin về khai thác khoáng sản trái phép ở xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp. Sau đó, Thỏa thực hiện viết bài “Quỳ Hợp, Nghệ An: bất chấp luật, doanh nghiệp vẫn vô tư xẻ thịt tài nguyên”. Ngày 1/4/2016, Thỏa hai lần nhận được điện thoại của ông Nguyễn Cao Chung (SN 1967, trú xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp) đặt vấn đề xin dừng bài viết.
Tuy nhiên Thỏa không đồng ý và gửi bài cho Bùi Văn Toàn, và nhờ đối tượng này xem giúp bài viết. Khoảng 20h cùng ngày, Quân đến gặp Thỏa và cho biết ông Chung xin dừng bài viết. Thỏa trả lời “nếu ông ấy cầu thị như thế thì sao không trực tiếp nói chuyện với em”; sau đó đồng ý gặp ông Chung ở huyện Yên Thành. Đồng thời gọi điện cho Bùi Văn Toàn “đừng gửi bài viết nữa, doanh nghiệp họ đang xin”. Đến khoảng 23h45’ ngày 1/4/2016, cuộc gặp gỡ giữa ông Chung, Thỏa, Quân đã diễn ra. Thỏa ra điều kiện nếu dừng bài, ông Chung phải đưa cho y số tiền 50 triệu đồng để “lo liệu” với sếp. Khi Thỏa nhận số tiền ứng trước 20 triệu đồng của ông Chung đưa thì bị Công an huyện Yên Thành bắt quả tang.
Từ vụ việc này, cơ quan điều tra đã làm rõ thêm hành vi tống tiền của các đối tượng với doanh nghiệp Thành Sơn và UBND xã Bảo Thành.
Với các hành vi phạm tội, ngày 1/9/2016, VKSND huyện Yên Thành truy tố bị cáo Nguyễn Gia Thỏa, Phan Văn Quân, Bùi Văn Toàn về tội cưỡng đoạt tài sản theo các Khoản 1 và 2 Điều 135 của Bộ luật Hình sự. Bị Tòa án nhân dân huyện Yên Thành đưa ra xét xử, các đối tượng Nguyễn Gia Thỏa, Phan Văn Quân, Bùi Văn Toàn đã phải công nhận về hành vi lợi dụng mình là phóng viên, cộng tác viên của Báo Bảo vệ pháp luật, đã đến tác nghiệp, viết bài phản ánh sai phạm của các tổ chức, đơn vị, sau đó “trao đổi” nếu muốn dừng đăng bài thì phải đưa bao nhiêu tiền.
Bản án do chủ tọa đọc tại phiên tòa đã nêu rõ: Những hành vi của các bị cáo thể hiện sự liều lĩnh, coi thường pháp luật. Hành vi thực hiện việc phạm tội của các bị cáo không những xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của các tổ chức, doanh nghiệp được Nhà nước, pháp luật bảo vệ, mà còn làm mất trật tự trị an xã hội, gây bất bình cho quần chúng nhân dân. Chính vì vậy cần xử lý nghiêm đối với các bị cáo mới có tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.
Dọa cơ sở, xin hợp đồng
Đầu năm 2014, ở huyện Hưng Nguyên dấy lên sự việc có một thanh niên, người miền Bắc, xưng là nhà báo của một tờ báo cấp hội Trung ương, đề nghị làm việc với lãnh đạo nhà trường. Khi làm việc, "nhà báo" này thường lớn giọng hạch sách, săm soi về lĩnh vực thu chi tài chính, công tác xã hội hóa và xuống nhà ăn chụp ảnh lia lịa... Thời điểm này, Báo Nghệ An cũng nhận được thông tin của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Đạo (Hưng Nguyên) cho biết về sự việc tương tự. Trước khi liên lạc với Báo Nghệ An, cô giáo Hiệu trưởng này hỏi thăm một số trường lân cận thì được biết họ cũng từng bị “nhà báo” này "viếng thăm" và sau đó đề nghị "hợp đồng" viết bài tuyên truyền.
Cùng cơ quan chức năng trực tiếp xác minh vị “nhà báo” này, thì đó là phóng viên của tờ Thời báo Mê Kông. Vậy nhưng toàn bộ giấy tờ tùy thân của “nhà báo” này mang theo (gồm giấy giới thiệu không hợp lệ của cơ quan chủ quản và tấm thẻ Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam) chưa đủ tư cách để hành nghề. Sau đó, đại diện cơ quan chức năng đã liên lạc, nhắc nhở lãnh đạo của Thời báo Mê Kông cần nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật Báo chí; có biện pháp quản lý phóng viên trong quá trình tác nghiệp...
Cũng thông tin đến Báo Nghệ An, mới đây lãnh đạo Trường THCS Hưng Bình (P. Hưng Bình, TP. Vinh) cho hay, nhà trường vừa được hai người xưng là phóng viên của hai tờ tạp chí Tri ân và Tri thức phát triển “ghé thăm”. Hai “phóng viên điều tra” này khi làm việc với lãnh đạo nhà trường có những lời lẽ không đúng mực; nội dung làm việc không như tôn chỉ, mục đích của tờ tạp chí họ công tác mà chỉ úp mở bắt lỗi công tác xã hội hóa của nhà trường… Điều đáng nói là những giấy tờ của 2 người này không đảm bảo quy chuẩn để hành nghề báo.
Với H.Q.T có thẻ “phóng viên” số thẻ 19/PV/TTPT do Phó Tổng Biên tập tờ Tri thức phát triển (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật thủ đô) cấp ngày 1/8/2016, có thời hạn tròn 1 năm, đến ngày 1/8/2017. Còn với P.V.H, được Tạp chí điện tử Tri ân (của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam) cấp cho giấy giới thiệu số 05/GGT ngày 21/9/2016; có thời hạn hơn 3 tháng, đến ngày 30/12/2016.
Trên giấy giới thiệu, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Tri ân giới thiệu P.V.H là “phóng viên điều tra”, được cử đến “Quý cơ quan, đơn vị tìm hiểu thông tin, tư liệu phục vụ công tác báo chí”. Được giải thích rõ về các quy định Luật Báo chí, khi các “phóng viên” liên lạc qua điện thoại, lãnh đạo Trường THCS Hưng Bình đã tỏ rõ quan điểm; và các “phóng viên” này đã chột dạ…
Trong các tháng 10,11/2016, trên các trang mạng xã hội rộ lên sự việc tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An bị rất nhiều phóng viên “đột xuất” quan tâm; trong đó có cả clip ghi lại hình ảnh vài phóng viên, cộng tác viên Báo Pháp luật Việt Nam có tuổi đời rất trẻ nhưng có những hành vi không chuẩn mực của nhà báo, phóng viên trong thực hiện tác nghiệp. Qua tìm hiểu, được biết từ năm 2014 trở về trước, Bệnh viện Phục hồi chức năng có một số lỗi phạm trong hồ sơ sổ sách thanh quyết toán tiền BHYT.
Sự việc này đã được BHXH Việt Nam làm rõ; các cơ quan có liên quan của tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra, xử lý dứt điểm đối với từng lỗi phạm. Vậy nhưng có một phóng viên tình cờ đến làm việc tại bệnh viện và đã “vớ” được hồ sơ; sau đó người này đã “nhân bản”, “chia sẻ” cho “đồng đội”.
Từ đây, Bệnh viện Phục hồi chức năng liên tục có “nhà báo” ghé thăm với mục đích cá nhân; trong số họ, đã có người tung ra những bài “điều tra theo đơn thư”, quy kết đơn vị này những lỗi phạm lớn và ra yêu sách này nọ…
Thật khó có thể điểm hết những vụ việc “xấu xí” của những “nhà báo”, “phóng viên”, cộng tác viên đã thực hiện để lại dư âm xấu trên địa bàn Nghệ An. Nhiều lãnh đạo huyện, thị đã có những phản ánh hoạt động tác nghiệp báo chí hết sức phản cảm, thể hiện sự non kém nghề nghiệp, xuống cấp về đạo đức lối sống của một số “nhà báo”, “phóng viên”, cộng tác viên.
Ví như ở huyện Tương Dương có việc thông tin một chiều về điều chuyển giáo viên; ở huyện Con Cuông, phóng viên lên công tác tự ý thuê nhà nghỉ dài ngày đến khi ra về đã gọi điện thoại cho lãnh đạo huyện yêu cầu trả giúp; ở các huyện Anh Sơn, Thanh Chương thì có việc phóng viên, cộng tác viên không quang minh chính đại, làm việc kiểu “rình mò”, chờ lúc gần hết giờ làm việc chụp ảnh công sở xã khóa cửa, sau đó dọa sẽ viết bài nếu không làm hợp đồng tuyên truyền…
Điều 25, Luật Báo chí, quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà báo có ghi: + Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo (do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp - pv). + Nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật... + Nhà báo có các nghĩa vụ sau đây: Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; Bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm; Không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật; Phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật; Tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. |
(Còn nữa)
NHÓM P.V