Đầu tháng 11/2015, danh sách các nghệ sĩ được phong tặng NSND, NSƯT sẽ chính thức được công bố. Tuy nhiên, sau những lùm xùm trước đó, việc xét tặng vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn. PV báo Người Tiêu dùng đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Huy Cẩn – Vụ trưởng Vụ thi đua, khen thưởng – Bộ VHTT&DL, để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
 
- Xin chào ông. Những ngày vừa qua, khi danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu  NSND, NSƯT được hé lộ, trong dư luận đã có khá nhiều luồng ý kiến trái chiều. Đặc biệt, ở lần xét tặng thứ 8 này, ngoài việc nhiều tên tuổi lớn bị loại ra khỏi danh sách, vấn đề khai man hồ sơ cũng khiến gây ra nhiều xôn xao.
Vậy, liệu có hay không  việc “chạy” hồ sơ để được phong danh hiệu?
 
Về vấn đề này, tôi xin trả lời ngắn gọn như sau. Thứ nhất, việc xét tặng danh hiệu phải qua 4 hội đồng: Hội đồng cơ sở có từ 5 - 7 thành viên; hội đồng cấp tỉnh, thành, bộ có khoảng 15 - 20 thành viên và hội đồng cuối cùng gồm hội đồng cấp nhà nước và hội đồng chuyên ngành có từ 20 - 25 thành viên. Chính vì vậy, một hồ sơ đề nghị xét tặng sẽ phải trải qua hơn 40 thành viên của Hội đồng xét tuyển đến từ mọi miền. Chính vì sự khắt khe đó, khó có chuyện chạy hồ sơ cho từng người để được phong danh hiệu.
 
Thứ 2, có khá nhiều người cho rằng, nếu hội đồng không “chạy” được thì “chạy” ở tổ thư ký – những người trình hồ sơ ra hội đồng. Thực tế, tổ thư ký không thể làm sai lệch hồ sơ vì các thành viên của hội đồng có thể yêu cầu thư ký trình hồ sơ gốc của bất cứ trường hợp nào để tra cứu. Thời gian qua, tổ thư ký chưa hề bị bắt lỗi, chưa có sai sót nào gây bất lợi cho nghệ sĩ.
 
 
images1395904_8b_hvcijpg_1838.jpgÔng Phùng Huy Cẩn – Vụ trưởng Vụ thi đua, khen thưởng – Bộ VHTT&DL
- Vậy, ông có thể cho biết rõ hơn về công tác triển khai quy trình xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT thời gian vừa qua?
 
Thời gian qua, Vụ Thi đua khen thưởng đã triển khai nghiêm túc, chặt chẽ đúng quy trình công tác xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Đến thời điểm hiện tại, Hội đồng cấp nhà nước đã trình Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận danh hiệu cho 617 Nghệ nhân ưu tú, 102 NSND, 385 NSƯT. Đồng thời, Bộ VHTT&DL đã xây dựng xong kế hoạch cho Lễ phong tặng vào đầu tháng 11/2015.
 
- Được biết, trong quá trình xét duyệt, Hội đồng cấp nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã nhận được khá nhiều đơn thư tố cáo các nghệ sĩ khai không đúng, khai man thành tích. Vậy, Bộ đã đưa ra chế tài xử phạt những trường hợp này hay chưa?
 
Hiện nay, Nhà nước có 3 hình thức phong tặng đó là Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nhà giáo nhân dân (NGND) và Thầy thuốc nhân dân (TTND). Vấn đề khai man hồ sơ, đơn kiện cáo là điều không thể tránh khỏi, không chỉ tồn tại riêng việc xét duyệt NSND, NSƯT mà xét duyệt NGND hay TTND cũng có lùm xùm nhưng đặc thù ngành nghề của họ kín kẽ hơn.
 
Ở dưới mỗi tờ khai đều ghi rõ cam kết khai trung thực, những các nghệ sĩ vẫn mắc phải. Qua đợt xét duyệt này, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và đã yêu cầu bằng văn bản chỉ đạo Hội đồng các cấp cơ sở, tỉnh thành phải làm việc nghiêm túc hơn nữa. Tuy nhiên, cứ lên tới cấp Nhà nước mới hay xảy ra kiện tục là bởi những người muốn tố cáo chỉ chờ cho hồ sơ của người cần tố cáo lên cấp cao hơn thì họ mới làm đơn.
 
Về luật thì có chế tài để xử lý những trường hợp nghệ sĩ khai man hồ sơ nhưng việc phạt các nghệ sĩ bao nhiêu cũng không bằng danh dự của họ bị tổn thương. Nếu nghệ sĩ khai sai thì họ không được danh hiệu mà họ mong muốn. Còn việc sẽ xử phạt nghệ sĩ như thế nào lại phải căn cứ vào luật. Theo tôi, bản án cao nhất khiến nghệ sĩ đau đầu nhất chính là "bản án lương tâm".
 
Cho tới thời điểm này, chúng tôi vẫn đang giữ lại hồ sơ của nghệ sĩ Lê Nguyễn Kiều Anh - giảng viên khoa Nhạc cụ dân tộc trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, sau hàng loạt đơn kiến nghị để cơ quan có trách nhiệm làm sáng tỏ. Việc này mất rất nhiều thời gian nhưng kể cả những đợt xét duyệt sau, những người làm sau chúng tôi chắc chắn cũng không tránh khỏi rắc rối này vì đặc thù công việc.
 
- Ngoài nghệ sĩ Lê Nguyễn Kiều Anh, trường hợp hồ sơ của nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền bị “đánh trượt” khi lên đến Hội đồng cấp nhà nước vì liên quan đến vấn đề đời tư. Như vậy có quá thiệt thòi cho một người nghệ sĩ cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật không thưa ông?
 
Việc bình xét hồ sơ của Hội đồng cấp nhà nước là công bằng, minh bạch và đúng theo quy định. Hồ sơ của nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền vấp phải các đơn thư phản ánh, khiếu kiện. Bộ đã trao đổi với cơ quan chức năng và thấy những điều phản ánh về nghệ sĩ là đúng. Để bảo đảm tiêu chí xét tuyển, Hội đồng quyết định giữ lại hồ sơ của nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền, không đưa vào bỏ phiếu, đồng nghĩa hồ sơ không được xét.
 
Ảnh minh họa

- Ông có thể nói rõ hơn về tiêu chí xét tuyển cũng như những quy định xung quanh vấn đề này, thưa ông?
 
Theo nghị định 89 về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "NSND" quy định bốn tiêu chí, trong đó tiêu chí thứ hai yêu cầu nghệ sĩ phải có "phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ". Người nghệ sĩ ngoài việc có tài năng phải cần có thêm phẩm chất. Nghệ thuật chỉ là một trong bốn tiêu chí mà nghị định 89 về xét tặng danh hiệu NSND quy định. Việc trượt danh hiệu vì chưa đáp ứng được những tiêu chí khác cũng thiệt thòi cho nghệ sĩ nhưng điều đó buộc họ phải cố gắng, phấn đấu nhiều hơn. Nếu các năm sau họ có nguyện vọng, làm tờ khai, họ vẫn được xem xét lại bình thường.
 
- Vậy theo ông, Luật Thi đua, khen thưởng có nên thay đổi để hạn chế việc kiện tục tố cáo nhau làm giảm hình ảnh của người nghệ sĩ?
 
Lần xét tặng danh hiệu này là lần đầu tiên các Bộ VHTT&DL được Thủ tướng giao cho xây dựng và thực hiện theo Nghị định thay vì trước đó làm theo Thông tư của Bộ. Khi ở mức cao hơn, sự điều tiết tốt hơn. Nhưng tôi nghĩ chắc cũng khó tránh khỏi những trường hợp ngoài ý muốn. Bởi nó đa dạng mà sự mong muốn của mọi người là rất nhiều. Mà khả năng đáp ứng cũng không thể đáp ứng hết được. Tuy nhiên, ở đợt này, việc kiện tụng, ồn ào có đỡ hơn.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Theo Người tiêu dùng