Nơi ở của các nguyên thủ quốc gia trên thế giới khá đa dạng và độc đáo, vừa mang phong cách kiến trúc riêng biệt, vừa thể hiện tầm quan trọng của truyền thống, lịch sử.
Điện Élysée (Pháp): Đây là một trong những chỗ ở sang trọng nhất của nguyên thủ, điển hình cho kiến trúc cổ điển. Với nội thất mạ vàng, rèm cửa nhung và các tác phẩm nghệ thuật, không ngạc nhiên khi một số cựu tổng thống Pháp từ chối cung điện để chọn nơi ở khiêm tốn hơn. Được xây dựng năm 1722 và dùng làm nơi ở cho tổng thống từ năm 1840, điện Élysée nằm tại trung tâm Paris, gần đại lộ Champs-Élysées. Du khách nên tới khám phá Phòng Vàng - nơi tổng thống Pháp thực hiện công việc hàng ngày.
Nhà Xanh (Hàn Quốc): Nằm trong số ít những địa điểm riêng tư mở cửa cho công chúng, nơi ở của người đứng đầu Hàn Quốc nổi bật với 150.000 viên gạch làm bằng đá granite xanh trên mái. Du khách có thể khám phá khu phức hợp rộng hơn 250.000 m2 tại Seoul, đặc biệt là những khu vườn trang trí đẹp mắt.
Nhà Trắng (Mỹ): Tọa lạc tại số nhà 1600 đại lộ Pennsylvania ở Thủ đô Washington, Nhà Trắng đã hơn 200 tuổi. Dãy cột được sơn trắng bên ngoài thể hiện sự ảnh hưởng mạnh mẽ của kiến trúc Hy Lạp, nhưng phong cách bên trong phụ thuộc vào tổng thống đương nhiệm. Khi lên nắm quyền, tổng thống Mỹ sẽ tới Nhà Trắng cùng gia đình và thiết kế lại nội thất theo ý tưởng riêng..
Cung điện Trắng (Thổ Nhĩ Kỳ): Đây là một trong những biểu tượng mới nhất của sự giàu có và quyền lực. Đặt tại thủ đô Ankara, cung điện Trắng là tượng đài cho tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ. Chi phí xây dựng lên tới 615 triệu USD và hoàn thành vào năm 2014. Cung điện mở rộng thêm 4 tầng hầm và có hơn 1.000 phòng.
Nhà Hồng - Casa Rosada (Argentina): Casa Rosada nằm tại trung tâm thủ đô Buenos Aires. Cung điện của tổng thống ở phía đông quảng trường Plaza de Mayo, tạo ra cảm giác thân thiện với du khách và người dân địa phương. Màu hồng của công trình được tạo ra nhờ sơn trắng trộn với máu bò để chống ẩm.
Số 10 phố Downing (Anh): Đây là nơi ở chính thức của thủ tướng Anh từ năm 1735, nằm ở trung tâm khu vực Westminster của thủ đô London, bên trong khá khác biệt so với mặt tiền. Đằng sau cánh cửa đen nổi tiếng, ngôi nhà rộng lớn với các tầng theo phong cách cổ điển và chiếm tới 2 nhà lân cận. Bộ trưởng tài chính Anh sống ở nhà số 11 bên cạnh. Thủ tướng cũng có một hành lang chạy từ nhà số 10, qua số 11 và dừng ở nhà số 12.
Palacio da Alvorada (Brazil): Khác với sự lâu đời của phố Downing hay vẻ sang trọng của điện Elysee, tòa nhà Palacio da Alvorada ở thủ đô Brasilia là kiệt tác mang hơi thở hiện đại. Được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Oscar Niemeyer, nơi ở chính thức của tổng thống Brazil xây dựng vào năm 1957 và rất phong cách. Ngoài phòng họp, thư viện và phòng tiệc, tòa nhà còn có rạp chiếu phim, sân bay trực thăng, phòng chơi game và nhà nguyện.
Hoàng cung Tokyo (Nhật Bản): Đây là nơi ở của hoàng gia Nhật Bản từ năm 1888, tọa lạc tại khu vực cung điện Edo cũ. Hoàng cung bị phá hủy trong Thế chiến thứ 2 và được xây dựng lại theo đúng phong cách truyền thống. Bao quanh hoàng cung là những khu vườn tươi tốt và hàng rào lớn. Nhà ở hiện tại của Nhật hoàng Akihito cùng gia đình có nhiều đồ nội thất và thiết kế theo phong cách phương Tây bên trong, nhưng nhìn chung bên ngoài vẫn giữ được nét truyền thống từ thời Minh Trị.
Cung điện Vaduz (Liechtenstein): Liechtenstein là một quốc gia nhỏ bé trên bản đồ, nhưng biết cách đáp ứng nhà lãnh đạo của mình. Nằm trên sườn đồi nhìn ra khung cảnh núi non gập ghềnh, lâu đài Vaduz là nơi ở của Hoàng tử Hans-Adam II. Du khách không được vào bên trong lâu đài xây dựng từ thế kỷ 12 này bởi hoàng gia vẫn đang sử dụng làm nơi ở riêng, nhưng vẫn có thể chụp ảnh từ xa.
Nhà số 24 Sussex Drive (Canada): Nơi ở chính thức của thủ tướng Canada có nét mộc mạc và cổ điển theo phong cách kiến trúc của người Norman. Dù thời thơ ấu sống tại 24 Sussex Drive, thủ tướng đương nhiệm Justin Trudeau đã từ chối cơ hội trở lại đây, thay vào đó ông sống tại tòa nhà Rideau Cottage gần đó.
Theo Zing