(Baonghean) - Rạng sáng ngày mai (13/6), sự kiện mong đợi nhất của hàng triệu tín đồ môn túc cầu trên toàn thế giới sẽ chính thức diễn ra, đó là khai mạc VCK World Cup 2014 tại Brazil. Trong vòng hơn một tháng, triệu triệu con tim cùng thổn thức với trái bóng tròn và khán giả Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, với V.League và các giải trong hệ thống của VFF, nỗi lo đang thường trực khi World Cup 2014 có thể gây ra những hệ lụy khó lường.

Rất nhiều những bất cập được các chuyên gia dẫn ra như việc trong thời gian diễn ra World Cup 2014, V.League vẫn tổ chức bình thường. Phần đa cho rằng, đó thực sự là một sắp xếp thiếu tính khoa học, bởi trong thời gian này, mọi quan tâm đều hướng về Brazil. Không chỉ cầu thủ mà chính các HLV cũng thừa nhận, họ muốn thảnh thơi để xem các trận thư hùng ở Brazil. 

images993520_khan_dai1.jpgCác khán đài ở V.League có nguy cơ vắng bóng khán giả trong thời gian diễn ra World Cup 2014.
Trên thế giới và ngay chính như ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, các giải đấu cũng tạm nghỉ để hướng về World Cup. Cách làm khác người của VFF đã đẩy các đội vào tình huống khó. Vừa theo dõi World Cup, vừa phải tập trung đá V.League sẽ kéo theo nhiều vấn đề. Cầu thủ xem các trận bóng, ảnh hưởng đến tập luyện và thi đấu. Bên cạnh đó, trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều vấn đề thì với việc World Cup diễn ra, khán giả càng có lý do để quay lưng với V - League. HLV Lê Thuỵ Hải của B.Bình Duơng là người phản đối quyết liệt phương án tổ chức V.League song hành với World Cup. Ông cho rằng, không ở đâu như Việt Nam và đưa ra ví dụ, nếu một khán đài chỉ vài chục khán giả thì lấy đâu động lực để cầu thủ chơi bóng?
 
Một số chuyên gia khác cho biết, những nhà tổ chức V.League đã không thực sự chuyên nghiệp. Họ chỉ ra rằng, World Cup diễn ra chỉ trong vòng hơn một tháng và nếu tính toán hợp lý, đơn vị tổ chức là VPF hoàn toàn có thể điều chỉnh lịch thi đấu để không bị trùng. 
 
Thế nhưng, điều đáng lo ngại hơn khi World Cup diễn ra đó chính là đời sống cá nhân của các cầu thủ có thể sẽ bị xáo trộn do sự lôi kéo của những phần tử xấu. Trong quá khứ, nhiều cầu thủ đã từng “mất tích” sau các kỳ World Cup hoặc Euro. Câu chuyện của Đắc Khánh chắc chắn chưa ai quên. Đang là trụ cột ở SLNA, Khánh ném cả tỷ bạc vào cá độ tại World Cup 2010 và sau đó bị các con nợ theo riết. Kết thúc giải đấu nói trên cũng là lúc, Đắc Khánh vác ba lô lặng lẽ rời xứ Nghệ để trốn nợ. Giải nghệ khi mới 23 tuổi, Đắc Khánh là trường hợp gây tiếc nuối nhất với khán giả cả nước.
 
Ngoài cá độ, cầu thủ trong thời gian World Cup diễn ra cũng thích thể hiện cái tôi để đánh bóng tên tuổi của mình. Người thì kinh doanh, người thì hợp tác làm quảng cáo, người thì tranh thủ làm những việc riêng của gia đình… Nhìn chung, rất khó để yêu cầu một cầu thủ tập trung tối đa trong thời gian World Cup diễn ra. Vì thế các trận đấu V.League ở trong thời gian này ngoài việc ít được để ý thì chất lượng chuyên môn gần như chắc chắn cũng sẽ giảm sút. 
 
Các đội bóng, điển hình là SLNA đã ra “thiết quân luật” trong thời gian diễn ra World Cup 2014. Tuy nhiên, tất cả chỉ là hình thức, mang nhiều hơn ý nghĩa răn đe với các cầu thủ trẻ. Còn hiệu quả đến đâu thì còn phải chờ, bởi như đã nói, cá độ và những tệ nạn xã hội ngày càng nhiều và lôi kéo cầu thủ bằng nhiều hình thức nên rất khó kiểm soát. 
 
Trong khi hàng triệu người đang háo hức với World Cup 2014 thì các nhà tổ chức bóng đá ở Việt Nam lại đang đau đầu bởi những hệ luỵ xấu có thể xảy ra từ sự kiện nói trên. Ngoài môi trường và hoàn cảnh thì cách làm bất cập của VFF cũng là nguyên nhân khiến cho V.League bị lãng quên ở thời điểm này.
 
Vĩnh Liêm