Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố báo cáo về tình hình buôn người năm 2022 vào ngày 19/7. Sẽ chẳng có gì đáng bàn nhiều nếu như không có chuyện bản báo cáo này đánh giá rằng: “Việt Nam không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu để xóa bỏ nạn buôn người và không có những nỗ lực đáng kể để làm như vậy...”. Đây là một báo cáo chưa được kiểm chứng, không xác thực, không phản ánh đầy đủ và chính xác về tình hình cũng như những nỗ lực của Việt Nam trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người.

Những nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống mua bán người ảnh 1

Ngày 21/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh báo cáo của Mỹ có các thông tin "không xác thực, không phản ánh đầy đủ và chính xác về tình hình cũng như nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam". Ảnh: thanhnien.vn

Ở Việt Nam, công tác phòng, chống mua bán người được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2022 cũng như những năm trước, mặc dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhưng Việt Nam đã thể hiện rõ quyết tâm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng của Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp quyết liệt nhằm xóa bỏ tệ nạn này.

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh trên nhiều kênh thông tin, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân. Có lẽ không nhiều quốc gia trên thế giới tổ chức mạnh mẽ các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” (30/7) như Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bám sát thông điệp của Liên hợp quốc và tình hình thực tế của cơ sở, các bộ, ngành, địa phương ở Việt Nam có nhiều hoạt động thiết thực, lan tỏa tích cực, mạnh mẽ trong toàn xã hội. Các thông điệp phòng, chống mua bán người còn được lồng ghép và truyền tải vào các chương trình giáo dục công dân, giáo dục ngoại khóa cho học sinh, sinh viên ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học…

Ảnh minh họa: Tư liệu

Đi đôi với đẩy mạnh tuyên truyền, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Từ năm 2020, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được ban hành, kèm theo đó là các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Nhiều văn bản chính sách, pháp luật về phòng ngừa mua bán người, lao động cưỡng bức, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cũng được ban hành. Các cơ quan chức năng của Việt Nam thường xuyên quan tâm rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người, tạo hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ cho công tác phòng, chống mua bán người và trợ giúp pháp lý cho các nạn nhân bị mua bán.

Trên bình diện quốc tế, Việt Nam là thành viên Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người; tham gia Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục triển khai có hiệu quả các hiệp định hợp tác với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới về phòng, chống mua bán người; tiếp tục nỗ lực triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) nhằm củng cố môi trường di cư minh bạch, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế…

Công tác điều tra, truy tố và xét xử tội phạm mua bán ngườiđược các lực lượng, cơ quan chức năng đẩy mạnh. Hàng năm, lực lượng Công an chủ trì phối hợp với Bộ đội Biên phòng và các lực lượng liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tập trung phòng ngừa, đấu tranh, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người. Sự phối hợp giữa lực lượng Công an, Biên phòng của Việt Nam với lực lượng chức năng các nước có chung đường biên giới được tổ chức chặt chẽ, nhất là trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa, trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao đối tượng phạm tội, giải cứu nạn nhân.

Nạn nhân một vụ buôn bán người được cơ quan Công an tỉnh Nghệ An giúp đỡ về với gia đình. Ảnh: CSCC

Lực lượng chức năng của Việt Nam và các nước, nhất là các nước láng giềng thường xuyên phối hợp tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, khắc phục những khó khăn do đại dịch Covid-19, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã phát hiện, điều tra, khám phá 33 vụ, với 75 đối tượng phạm tội mua bán người và các tội phạm có liên quan đến mua bán người; đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 17 vụ; 66 nạn nhân từ các vụ mua bán đã được tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ...

Tại các diễn đàn quốc tế, Việt Nam tích cực tham gia trao đổi kinh nghiệm về chủ trương, biện pháp đấu tranh và thành tựu của mình trong phòng chống mua bán người. Nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ về phòng, chống mua bán người, Việt Nam chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng. Hàng trăm cán bộ của Việt Nam đã được bố trí tham gia các cuộc hội thảo, các lớp tập huấn chuyên đề, chuyên sâu về pháp luật và nghiệp vụ công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người và bảo vệ nạn nhân bị mua bán...

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đề nghị xây dựng, triển khai quy trình chuẩn về hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành, liên cấp về tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và cung cấp kết nối dịch vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và người nghi là nạn nhân bị mua bán; củng cố, phát triển, cải thiện chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, bảo đảm tính sẵn có, dễ tiếp cận. Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ hỗ trợ nạn nhân và thí điểm các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, Việt Nam lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình phòng, chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác…

Hoạt động truyền thông phòng, chống mua bán người. Ảnh tư liệu: Bá Hậu

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp công tác với Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ trong phòng, chống mua bán người; hướng dẫn các cơ quan tư pháp ở địa phương áp dụng thống nhất pháp luật về phòng, chống mua bán người, chỉ đạo đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người và tội phạm có liên quan, bảo đảm kịp thời và nghiêm minh; thực hiện thống kê và cung cấp các thông tin theo tiêu chí thống kê để phục vụ quản lý dữ liệu thống kê về công tác phòng, chống mua bán người.

Các tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống mua bán người nói chung, trong triển khai thực hiện “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” nói riêng được biểu dương, khen thưởng kịp thời. Những cán bộ, nhân viên có sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mua bán người đều kiểm điểm, xử lý nghiêm minh, rút kinh nghiệm sâu sắc.

BĐBP Lai Châu bắt giữ các đối tượng mua bán người qua biên giới. Ảnh: Hoàng Anh/bienphong.com.vn

Từ thực tiễn ấy hoàn toàn đủ cơ sở để khẳng định rằng Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống buôn người với sự tập trung cao độ của tất cả bộ, ngành, cơ quan chức năng và các cấp chính quyền địa phương. Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ những đánh giá vô căn cứ, mang tính võ đoán của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Trên tinh thần xây dựng, Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ cũng như các bên liên quan về những vấn đề hợp tác cụ thể nhằm cùng nhau thúc đẩy, triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người ở mỗi quốc gia và toàn thế giới./.