Tờ The Diplomat của Nhật Bản nhận định chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay USS Carl Vinson mặc dù là kết quả của các quá trình được thực hiện trong thời gian dài trước đó, nhưng vẫn thể hiện tầm quan trọng đối với quan hệ Việt – Mỹ, cũng như chính sách quốc phòng của Mỹ và Việt Nam, cũng như các quốc gia nói chung trong khu vực.

Những nhận định của truyền thông thế giới về tàu sân bay USS Car Vinson thăm Việt Nam ảnh 1
Tàu sân bay USS Carl Vinson.

Báo Sputnik của Ngangày 5/3 dẫn nhận định của ông Vladimir Terekhov chuyên gia về châu Á-Thái Bình Dương về quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ngày nay.

Với tổng cộng 5.000 thủy thủy đoàn trên tàu sân bay USS Carl Vinson, ông Terekhov nói: "Rõ ràng phái đoàn bề thế này là hiện diện quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ sau mốc kết thúc cuộc chiến Việt Nam. Việt Nam hiện đang giữ lập trường khá thiện chí trong quan hệ với Hoa Kỳ.

Theo quan điểm của ông Terekhov , hiện nay đang diễn ra quá trình xây đắp quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi các tàu Mỹ ghé thăm hải cảng Việt Nam. "Việc xây đắp quan hệ tốt đẹp của Việt Nam và Hoa Kỳ đã có ngay từ đầu thập niên vừa qua và đang dần phát triển".

Tờ Expresscủa Anh đề cập chi tiết lịch trình hoạt động của các thủy thủ Mỹ trong chuyến thăm, gồm tới thăm một trại trẻ mồ côi và trung tâm chăm sóc nạn nhân chất độc da cam. Đây là loại chất độc mà quân đội Mỹ từng sử dụng phổ biến trong chiến tranh ở Việt Nam, khiến nhiều thế hệ người dân ở đây hứng chịu các hậu quả nặng nề về sức khỏe như ung thư, khuyết tật bẩm sinh cùng nhiều vấn đề về thần kinh và tâm lý khác.

Các hoạt động trao đổi văn hóa khác như ẩm thực và thể thao cũng sẽ diễn ra giữa các quân nhân trên tàu sân bay Mỹ với cán bộ, chiến sĩ Việt Nam.

quân nhân, thủy thủ trên tàu sân bay Mỹ ở Đà Nẵng.

Tờ Telegraph của Anh cho hay chuyến thăm đến Việt Nam của tàu Carl Vinson nằm trong khuôn khổ đợt diễn tập ứng phó thảm họa đa quốc gia tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, đồng thời là nỗ lực khẳng định sự hiện diện và cam kết của Mỹ trong khu vực.

New York Times, một trong những tờ báo lớn nhất và lâu đời nhất của Mỹ, cho rằng chuyến thăm này của tàu Carl Vinson đánh dấu một mốc mới trong mối quan hệ đang ngày càng được cải thiện giữa Việt Nam và Mỹ trong bối cảnh tình hình địa chính trị khu vực đang có những thay đổi lớn.

"Đây là một bước tiến lớn mang tính lịch sử, bởi không một tàu sân bay Mỹ nào có mặt ở đây suốt 40 năm qua", NYTimes dẫn lời Chuẩn đô đốc John V. Fuller, chỉ huy cụm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson, người có bố từng tham chiến ở Việt Nam. "Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục điều đã luôn làm từ trước tới nay, đó là thúc đẩy an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực", ông Fuller nhấn mạnh.

Tờ WSJ đánh giá chuyến thăm của tàu Carl Vinson đánh dấu "mức cao nhất trong quan hệ Việt – Mỹ" suốt nhiều thập kỷ qua, đồng thời coi đây là "thắng lợi" của Mỹ trong nỗ lực duy trì hiện diện và ảnh hưởng về kinh tế, quân sự tại Đông Nam Á.

Các thủy thủ đầu tiên rời tàu sân bay lên tàu của Việt Nam để vào đất liền.

Hãng tin UPI, Mỹ coi chuyến thăm này là cơ hội quý giá để tăng cường hợp tác chiến lược với Việt Nam giải quyết những vấn đề chung mà hai nước và cả khu vực đang đối mặt, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh và tự do hàng hải.

Hãng tin Reuters cho rằng tàu Carl Vinson đến Đà Nẵng trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục phát tín hiệu rằng Mỹ mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ an ninh với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.

Trong chuyến thăm tới Hà Nội tháng 11/2017, ông Trump đã đề cập đến khả năng bán tên lửa và các tổ hợp vũ khí hiện đại cho Việt Nam. Một tháng sau, Chiến lược An ninh Quốc gia do chính quyền Trump công bố coi Việt Nam là "đối tác hợp tác hàng hải". Đến tháng 1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến Việt Nam, đặt nền tảng cho chuyến thăm Đà Nẵng của tàu Carl Vinson.

Reuters nhận định điều này mở ra rất nhiều cơ hội cho hợp tác quân sự Việt – Mỹ, trong bối cảnh Hà Nội cần nhiều nguồn lực để bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển, an toàn hàng hải.

Channel News Asia của Singapore có bài viết dẫn lời một người phát ngôn của Hải quân Mỹ nói rằng, “Trọng tâm chuyến thăm đầu tiên của một tàu sân bay Mỹ trong 4 thập kỷ qua tới Việt Nam không phải là hợp tác quân sự mà là trao đổi chuyên môn giữa các chuyên gia Việt Nam với các thủy thủ của Mỹ”.

Tàu sân bay Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Người phát ngôn Hải quân Mỹ Tim Hawkins nhấn mạnh chuyến thăm này là một “mốc quan trọng” và cũng là cơ hội để cả 2 nước học hỏi lẫn nhau. Tất nhiên, giới quan sát cũng không thể bỏ qua một sự kiện đáng chú ý như thế này.

Hình ảnh tàu USS Carl Vinson neo đậu ngoài khơi Đà Nẵng, Việt Nam. Ảnh: Reuters

BBC ngày 5/3 chạy dòng tít: “Hàng không mẫu hạm Mỹ Carl Vinson trong chuyến thăm Việt Nam lịch sử”. Trong đó, bài báo nêu rõ, nhóm tàu sân bay Mỹ đang thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam và đây là lần đầu tiên một chiếc tàu cỡ này ghé thăm kể từ khi chiến tranh ở Việt Nam kết thúc.

Tàu sân bay USS Carl Vinson neo đậu ở thành phố cảng Đà Nẵng của Việt Nam, nơi quân đội Mỹ lần đầu tiên đổ bộ trong cuộc chiến ở Việt Nam và địa điểm được lựa chọn rõ ràng mang tính biểu tượng cao. Chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ nhằm minh chứng cho mối quan hệ Việt-Mỹ ngày càng được cải thiện.

Hãng tin AP trích lời của các chuyên gia và nhà nghiên cứu cho rằng chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson tới Việt Nam cho thấy mức độ tin cậy cao giữa 2 nước, mối quan hệ quốc phòng vững chắc cũng như sự tham gia liên tục của Hải quân Mỹ với các vấn đề trong khu vực. Hãng tin cho rằng đây có thể được cho là thông điệp từ Mỹ rằng Washington đã, đang và sẽ duy trì sự hiện diện tại đây.

Trang tin Channel News Asia trích bài phỏng vấn chỉ huy phó tàu USS Carl Vinson, Tim Hawkins, chia sẻ rằng chuyến thăm của tàu Mỹ là cơ hội để các bên học hỏi lẫn nhau trong một cuộc “gặp mặt của các chuyên gia”. Theo ông Hawkins, khoảng 300 chuyên gia Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như cơ khí, cứu hỏa, ẩm thực, cứu hộ cứu nạn, đối phó thiên tai, y tế và nghiên cứu có kế hoạch lên tàu tham quan, gặp gỡ các thủy thủ và chia sẻ kinh nghiệm huấn luyện, đào tạo và thực hành lẫn nhau. Ông Tim Hawkins cho biết chuyến thăm không chỉ tập trung vào khía cạnh quân sự, mà nó còn là dịp để 2 nước “trao đổi văn hóa”.