Người truyền động lực học tập cho các bạn trẻ Khơ mú
Nhiều năm qua, Moong Văn Bún, chàng sinh viên năm 3 Trường Đại học Vinh là tấm gương vượt khó học giỏi được đồng bào dân tộc Khơ Mú ở bản Xốp Phe, xã Mường Típ (Kỳ Sơn) nể phục. Cách trung tâm xã biên giới Mường Típ 5km đường đất, bản Xốp Phe có 74 hộ bà con người Khơ Mú sinh sống với nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Theo chia sẻ của Bí thư Chi bộ bản Nguyễn Phò Tim, dù những hủ tục đã dần được xóa bỏ, nhưng con đường đến với cái chữ, hay xa hơn là giảng đường đại học đối với các chàng trai, cô gái ở Xốp Phe vẫn còn nhiều xa lạ. Nói đúng hơn, vì điều kiện sống thiếu thốn mà hầu hết thanh niên của bản phải sớm gắn bó với cuộc sống mưu sinh nơi nương rẫy, xa rời sự học.
Chàng trai sinh năm 1998 Moong Văn Bún cũng sớm đối mặt với nhiều khó khăn như thế, nhưng ngay từ khi ê a những con chữ đầu tiên tại Trường Tiểu học Mường Típ, Bún đã chứng tỏ sự thông minh, niềm đam mê với việc học. Ngày qua ngày, con đường học tập của Bún được nối dài thêm khi Bún tiếp tục nỗ lực vượt khó để hoàn thành cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông tại các trường nội trú trên địa bàn huyện và tỉnh.
Dù phải sống tự lập xa gia đình từ nhỏ, nhưng Bún luôn tự nhủ phải cố gắng học tập để không phụ lòng mong mỏi của gia đình và xã hội. Kết thúc mỗi năm học, Bún đều khẳng định mình với những thành tích đáng nể là học sinh giỏi toàn diện. Ước mơ của Bún tiếp tục được hiện thực hóa khi năm 2017 em đã trở thành tân sinh viên của Viện Học viện Khoa học, Xã hội và Nhân văn - Trường Đại học Vinh với điểm số đầy thuyết phục.
Trong 3 năm học dưới mái trường Đại học Vinh, Bún liên tục đạt các danh hiệu là sinh viên giỏi và sinh viên xuất sắc của trường. Ngoài giờ học, Bún còn tham gia rất nhiệt tình, năng nổ trong công tác đoàn và phong trào sinh viên. Trước những nỗ lực đó, tháng 7/2019, Bún vinh dự là một trong số ít sinh viên của Trường Đại học Vinh được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đồng thời, Moong Văn Bún là 1 trong 7 đại biểu của nhà trường tham dự Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Nghệ An, nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Từ những thành quả bước đầu trong chinh phục ước mơ, Bún trở thành người truyền động lực cho các em nhỏ và những bạn đồng trang lứa trong cộng đồng người Khơ Mú ở xã Mường Típ nói riêng, Kỳ Sơn nói chung. Mới đây, ngày 2/8, Moong Văn Bún được Tỉnh đoàn tuyên dương là một trong những điển hình thanh niên dân tộc thiểu số tiêu biểu.
Lập nghiệp trên quê hương
Không chỉ nỗ lực trên con đường học tập, nhiều tấm gương sáng của thanh niên miền núi Nghệ An còn được biết đến với vai trò là người “cất cánh” cho phong trào lập thân, lập nghiệp. Trong những thanh niên dân tộc thiểu số điển hình được Tỉnh đoàn tuyên dương năm 2020, có 4 cá nhân tiêu biểu trong xây dựng các mô hình kinh tế. Trong đó, Hà Văn Quang (sinh năm 1996) là một trong những nhân tố mới của bà con người Thái tại xã biên giới Hạnh Dịch, huyện Quế Phong.
Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo tại bản Pỏm Om, xã Hạnh Dịch, Hà Văn Quang là con trai út trong gia đình có 7 người con. Năm 2018, Om hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về với khát khao lập nghiệp trên mảnh đất quê hương mình bằng mô hình phát triển kinh tế trang trại tổng hợp.
Thời điểm đó, gia đình Quang có 5 ha trang trại ở vùng đồi thuộc xã Hạnh Dịch, nhưng do bố mẹ đã già yếu nên nhiều năm, trang trại không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Rút kinh nghiệm từ những cây con mà bố mẹ đang nuôi trồng thất bại, Quang đã thử nghiệm trồng hơn 20 cây vải thiều, 1.000 gốc mây và nuôi gà thả vườn, đào ao thả cá kết hợp với dựng chuồng sàn nuôi hơn 1.000 con ngan trên mặt ao.
Phương pháp mới này sẽ kết hợp tận dụng được những phụ phẩm của nuôi ngan để phát triển nuôi cá, đảm bảo giải quyết được vấn đề vệ sinh môi trường vừa tăng thêm thu nhập với phương châm “lấy ngắn nuôi dài". Bên cạnh đó, Hà Văn Quang còn trồng thêm các loại hoa màu, rau sạch như dưa chuột, lạc, ngô…
Cùng với số vốn được vay thêm từ nguồn quỹ Thanh niên lập nghiệp cấp huyện, Quang mạnh đạn đầu tư máy móc và áp dụng những kỹ thuật, công nghệ mới vào trồng trọt, chăn nuôi. Từ đây mô hình ngày càng đi vào quy củ, mảnh đất hoang hóa ngày nào từng bước hồi sinh để mang lại nguồn lãi ròng gần 100 triệu đồng mỗi năm cho gia đình Quang.
Làm giàu trên vùng đất khó
Trong cộng đồng dân tộc Thổ, anh Cao Duy Khôi cũng là một đại diện của lực lượng thanh niên vùng miền núi, dân tộc của tỉnh. Với vai trò là Bí thư chi đoàn Minh Kính, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, Cao Duy Khôi (SN 1986) lập được kỳ tích ít ai nghĩ tới trên mảnh đồi Minh Kính. Hơn 10 năm nỗ lực học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật, năm 2014, từ 5 sào cam, Cao Duy Khôi vay vốn mở rộng diện tích, nâng tổng số diện tích vườn cam lên hơn 2ha và kết hợp chăn nuôi gia cầm bán chăn thả; bình quân mỗi ha cho thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/năm.
Cao Duy Khôi cũng luôn tận tình hướng dẫn và đồng hành cùng 50 đoàn viên toàn xã Minh Hợp xây dựng các mô hình sản xuất. Đến nay đã có hơn 10 cá nhân phát triển thành công mô hình trồng cây có múi kết hợp chăn nuôi với giá trị hơn 500 triệu đồng và 25 - 30 đoàn viên với mô hình kinh tế trị giá từ 200 - 300 triệu đồng/ năm. Khởi điểm là vùng đất khó, giờ đây Đoàn thanh niên xã Minh Hợp đang khẳng định vị trí là lá cờ đầu của phong trào thanh niên lập nghiệp của tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ tuyên dương, khen thưởng thanh niên dân tộc thiểu số tiêu biểu của tỉnh năm 2020, đồng chí Chu Đức Thái - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh đánh giá cao lực lượng đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số đã nỗ lực từng bước vượt qua khó khăn, thử thách để khẳng định vị trí, vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ. Đồng thời khẳng định, trong 1.700 mô hình thanh niên phát triển kinh tế của toàn tỉnh, có sự đóng góp rất lớn đến từ các mô hình của lực lượng thanh niên miền núi.