SINH VIÊN TÌNH NGUYỆN CẮM CHỐT
Chốt lẻ cầu Bồ, đoạn cuối xóm Đức Thịnh, xã Hưng Lộc (TP. Vinh), thông sang xã Nghi Thái (huyện Nghi Lộc), một chiều đứng gió. Cái nóng hầm hập như chà xát vào không gian rồi phả vào mặt đến bỏng rát. Bốn con người, một chiến sĩ công an, một đồng chí dân quân tự vệ và hai thanh niên tình nguyện ngồi trầm tư bên chốt kiểm soát được chăng bằng sợi ruy băng màu đỏ trắng. Chốc chốc họ lại đứng dậy kiểm tra giấy tờ và làm thủ tục khi có người dân qua lại. 
bna_38594425024_2462021.jpgNguyễn Thị Hương Trà - Sinh viên năm thứ 4 Đại học Vinh đang làm nhiệm vụ kiểm tra thân nhiệt cho người dân tại chốt kiểm soát. Ảnh: Tiến Đông
Tại chốt gác này, chúng tôi để ý hơn đến 2 cô gái làm nhiệm vụ đo thân nhiệt, hướng dẫn người dân làm thủ tục khai báo y tế và kiêm luôn phục vụ hậu cần, nép dọn nước nôi. Chiếc áo xanh tình nguyện có vẻ hơi quá cỡ so với vóc dáng nhỏ bé. Khẩu trang dù kín mít nhưng cũng không giấu đi được khuôn mặt trẻ măng nhưng ánh mắt thì tràn đầy niềm tin của 2 cô gái trẻ. Hỏi ra mới biết, đây là 2 sinh viên của Đại học Vinh, cũng là những bí thư chi đoàn trên địa bàn xã Hưng Lộc, dù nghỉ hè, nhưng họ không nghĩ cho bản thân mà đã tình nguyện ra tuyến đầu cùng chống dịch Covid-19. 
Hướng dẫn người dân khai báo y tế. Ảnh: Tiến Đông

Nguyễn Thị Hương Trà, sinh viên năm thứ 4 ngành Du lịch tại Viện KHXH&NV, Đại học Vinh, hiện trú tại xóm Ngũ Lộc chia sẻ: khi dịch Covid-19 bùng phát và thành phố Vinh phải cách ly xã hội, bọn em cũng bất ngờ và cả lo lắng, không nghĩ rằng có ngày thành phố của mình bị phong tỏa. Rồi qua kênh thông tin của đoàn, cần huy động lực lượng để tham gia công tác hậu cần, hỗ trợ tại các chốt, bọn em đã đăng ký tình nguyện ra đây.

Cô sinh viên năm thứ 2 ngành Sư phạm Toán tại Đại học Vinh, Nguyễn Thị Phương Hòa, trú tại xóm 13, xã Hưng Lộc thì nói thêm rằng, có thể không thể canh trực 24/24 giờ như các anh công an, dân quân tự vệ, nhưng bọn em hy vọng có thể góp một chút sức lực nhỏ bé của mình để mong sớm đẩy lùi dịch bệnh. 
Mỗi khi vắng người qua lại, hai cô gái này lại sắp xếp lại các tờ khai bỏ vào một chiếc túi riêng để sau khi hết ca trực bàn giao lại cho chính quyền địa phương. Ảnh: Tiến Đông

Hai cô gái trẻ Hương Trà và Phương Hòa dù là lần đầu tiên phải làm nhiệm vụ trong hoàn cảnh dịch bệnh đang bủa vây thành phố, nhưng phối hợp với nhau khá ăn ý. Người thì hướng dẫn công dân viết tờ khai y tế, người thì đo thân nhiệt, sau đó lại tổng hợp vào danh sách người qua lại để bàn giao cho chính quyền địa phương khi hết ca trực.

"Khi các em tình nguyện ra đây, chắc gia đình cũng lo lắm" - tôi hỏi. Dấu nụ cười sau ánh mắt, cả Hương Trà và Phương Hòa đều bảo, ban đầu thì bố mẹ cũng lo, lúc nào cũng nhắc nhở phải cẩn thận. Thậm chí những ngày lên chốt, khi hết ca trực về nhà, bản thân mình gần như phải cách ly với mọi người trong gia đình để cho an toàn.

Có lẽ đó là cái lo chung mà bố mẹ nào cũng nghĩ đến khi con cái mình đang làm nhiệm vụ chống lại loại "kẻ thù" mà không ai có thể nhìn thấy và hình dung nó như thế nào.

CHỐT CHẶN CỘNG ĐỒNG

Rời Hưng Lộc, chúng tôi men theo con đường đất giữa vùng giáp ranh TP. Vinh với huyện Nghi Lộc. Xen kẽ giữa các chốt kiểm soát nằm trên đường lớn do thành phố lập nên là những chốt kiểm soát nhỏ lẻ do các xã bố trí. Tại xóm Kim Bình (xã Nghi Ân), chúng tôi bắt gặp 2 thanh niên đang làm nhiệm vụ trước... một cánh đồng. Nguyễn Văn Phong, Bí thư Chi đoàn và Nguyễn Anh Đức, đoàn viên cùng ở xóm Kim Nghĩa là 2 trong số nhiều đoàn viên của xã Nghi Ân đã đăng ký tình nguyện tham gia kiểm soát tại các tuyến đường nhánh, đường liên xã và thậm chí là những con đường đất nối Nghi Ân với các xã lân cận của huyện Nghi Lộc. 

Nguyễn Anh Đức chỉ cho tôi thấy con đường đất nối Nghi Ân với xã Nghi Phong (Nghi Lộc), sau khi các chốt bị phong tỏa, nhiều người dân ý thức kém vẫn cố tình băng qua cánh đồng để ra vào thành phố. Ảnh: Tiến Đông

Địa bàn Nghi Ân khá rộng, gần như là một vòng cung bao quanh phía Đông Bắc của thành phố, tiếp giáp với các xã Nghi Phong, Nghi Trường, Nghi Trung, huyện Nghi Lộc. Đây có lẽ là nơi có nhiều chốt kiểm soát nhất với 7 điểm do xã thành lập, chưa kể đến 2 điểm do UBND thành phố bố trí trên đường QL46B và đường Đức - Thiết. Cả xã có 7 cán bộ chiến sĩ công an chính quy trong đó có 1 nữ đang nghỉ sinh, còn lại 6 người thì thường xuyên linh động ở 7 chốt kiểm soát . Chính vì thế đã phải cần rất nhiều lực lượng tình nguyện.  

Nguyễn Anh Đức chia sẻ: sau khi nghe thông báo của xóm về việc cần lực lượng tình nguyện tham gia các chốt canh gác, nhận thấy đây là việc làm thiết thực, trong bối cảnh mọi người đang căng mình chống dịch, nên là người địa phương, em đã đăng ký ngay. 
Vì địa bàn rộng nên cả Phong và Đức đều phải rải ra để kiểm soát, bởi chỉ cần lơ là thì người dân sẽ tìm mọi cách để vượt chốt vào thành phố. Ảnh: Tiến Đông
Cách chỗ Đức đứng không xa thì Bí thư Chi đoàn Nguyễn Văn Phong cũng đang ngồi trực chốt. Phong cho biết: mặc dù xã đã dùng nhiều biện pháp để chốt chặn, nhưng người dân vẫn cố tình lội ruộng để vào thành phố. Có những đoạn đã dùng máy múc đào đường nhưng họ vẫn tìm cách vác xe đi qua.
Phong bảo Nghi Ân và Nghi Phong giáp ranh nhau, anh em cũng quen biết nhiều người bên đó, bình thường họ hay vào thành phố để đi xây, phụ hồ. Khi bị phong tỏa thì tìm cách đi theo đường đất để vào, gặp mình không cho qua thì quay ra chửi bới đe dọa. Nhiều khi biết là mất lòng, nhưng vì nhiệm vụ bảo đảm an toàn không để lây lan dịch, bọn em phải kiên quyết buộc họ quay về.
NHỮNG LÁ ĐƠN TÌNH NGUYỆN
Sáng 14/6 khi TP. Vinh ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng tại phường Hà Huy Tập, tất cả mọi lo lắng đổ dồn về nơi đây. Lo lắng hơn khi cả phường có 5 nhân viên y tế tại Trạm y tế thì đã trở thành F1 bất đắc dĩ buộc phải cách ly. Nỗi lo trắng cán bộ có chuyên môn y tế trong lúc nước sôi lửa bỏng hiện hữu hơn lúc nào hết. Trước tình thế đó, bác sĩ Trần Đình Cần - nguyên Trạm trưởng Trạm Y tế phường Hà Huy Tập nay đã nghỉ hưu đã viết đơn tình nguyện tham gia lực lượng phòng chống dịch. 
Bác sĩ Trần Đình Cần pha thuốc để chuẩn bị phun khử khuẩn các chốt kiểm soát, các địa điểm mà cán bộ, ban chỉ đạo thường xuyên tiếp xúc.

Dù thời điểm đó, nhà bác sĩ Cần cũng nằm trong khu vực phong tỏa tại khối 8, thế nhưng do cách xa với khu vực cư trú của F0 nên ông đã đề đạt với phường được ra tập trung cùng với các lực lượng ứng trực tại chỗ cả ngày lẫn đêm mà không về nhà. Sau khi tham gia lực lượng phòng chống dịch của phường, bác sĩ Cần đã tham mưu cho chính quyền địa phương mua máy phun khử khuẩn, để chủ động tiến hành khử khuẩn tất cả các chốt kiểm soát, các địa điểm mà cán bộ, ban chỉ đạo thường xuyên tiếp xúc. Nhất là thời điểm đó có rất nhiều đoàn cứu trợ đến với phường Hà Huy Tập, việc phun khử khuẩn là điều rất cần thiết để phòng chống dịch bệnh.  

Do đã có thời gian dài công tác tại Trạm Y tế phường, bản thân bác sĩ Cần nắm khá rõ địa bàn, những đối tượng nào có bệnh nền cần phải lưu ý khi phòng dịch. Ai ở phường cũng biết đến ông nên cứ có thắc mắc về việc khai báo y tế là ông đều hướng dẫn cụ thể.
Đơn tình nguyện tham gia chống dịch của bác sĩ Cần và anh Chung gửi cho chính quyền phường Hà Huy Tập. Ảnh: Tiến Đông
8 ngày xếp gọn đồ đạc lên phường ở lại chống dịch trong lúc gia đình mình ở trong khu phong tỏa đối với bác sĩ Cần là khoảng thời gian rất căng thẳng. Nhưng vì nhiệm vụ chống dịch nên ông đành phải gác chuyện gia đình, để tham mưu cùng với chính quyền địa phương chỉ đạo các nhóm cách ly, nằm địa bàn để có thể phản ứng nhanh trước những tình huống khẩn cấp. Mãi cách đây 3 ngày, khi địa bàn khối 8 của gia đình ông được dỡ phong tỏa, ông mới về nhà, nhưng ngày nào cũng lên làm nhiệm vụ cùng với anh em cán bộ địa phương. 
Anh Chung phun thuốc khử khuẩn tại khu vực Trạm Y tế phường. Ảnh: Tiến Đông

Ngoài bác sĩ Cần, anh Nguyễn Tất Chung, kinh doanh buôn bán quần áo trên đường Lý Tự Trọng cũng đã viết đơn tình nguyện gia nhập lực lượng phòng chống dịch của phường Hà Huy Tập. Hàng ngày anh Chung có mặt từ sớm tại UBND phường, anh cùng với các lực lượng trong ban chỉ đạo phòng chống dịch tổ chức sắp xếp các nhu yếu phẩm để kịp thời ứng cứu cho các khu vực bị phong tỏa.

Tôi gặp anh Chung lúc anh đang vác máy phun thuốc khử khuẩn, trong bộ đồ bảo hộ trùm kín, chiếc máy phun chứa đầy nước nặng đến hơn 30kg nhưng anh vác đi thoăn thoắt. Anh bảo, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, là con em của phường, mình không thể cứ đứng nhìn mọi người vất vả lao vào điểm nóng. Vì thế anh đã làm đơn tình nguyện gia nhập lực lượng phòng chống dịch với suy nghĩ, dù không có chuyên môn, mình có thể giúp ích được nhiều việc cần thiết, bất cứ khi nào ban chỉ đạo cần. Hình ảnh anh Chung lúc thì xắn tay áo bốc dỡ đồ tiếp tế của các địa phương gửi về phường, khi thì chạy như con thoi đưa cơm cho các cán bộ, chiến sĩ tại chốt kiểm soát, có lúc lại cẩn trọng vác máy đi phun khử khuẩn tại các ngóc ngách đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong những ngày phường Hà Huy Tập căng mình chống dịch.

Bà Đặng Thị Hòa - Chủ tịch UBND phường Hà Huy Tập chia sẻ, có bác sĩ Cần, có anh Chung và cả nhiều người khác nữa chung tay, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Những lúc này mới thấy được hết nghĩa đồng bào, và tin rằng không xa nữa, chúng ta sẽ dập tắt được dịch Covid-19.