Ăn chay có thể chữa được một số bệnh nhưng không phải người nào cũng ăn chay được.

Hãy thử tìm hiểu xem bạn có nằm trong số những người không nên ăn chay.

Suy dinh dưỡng vì ăn chay

Là một người thích ăn chay, khi mang thai, chị Trần Thị Thủy (ở Hà Nội) vẫn duy trì chế độ ăn chay. Nhiều người nói chị ăn vậy thì thai nhi dễ bị ảnh hưởng do thiếu chất nhưng chị “biện minh” rằng, cơ thể vẫn khỏe mạnh bình thường suốt những tháng thai kỳ. Tuy nhiên, khi sinh, con chị dù đủ tháng, đủ ngày cũng chỉ được hơn 2 kg. Hiện tại cháu bé đã 1 tuổi mà chưa biết ngồi, chân tay vận động kém.

images1475666_an_chay_thef.jpgTrong thời kỳ mang thai, phụ nữ không nên ăn chay vì dễ dẫn đến suy dinh dưỡng bào thai.
Bố mẹ cháu Nguyễn Như Ngọc, 4 tuổi (ở Phú Thọ) ăn chay 100% và gần đây cũng áp dụng phương pháp này cho bé với ý nghĩ, ăn chay tốt cho sức khỏe và tạo phúc đức về sau. Để con thích thú, mẹ cháu đã khéo léo chế biến, trang trí những món chay trở nên hấp dẫn từ cái đùi gà béo ngậy, miếng chả giò vàng ươm đến sườn thơm phức… Dù vậy, chỉ vài bữa đầu bé thích thú, càng về sau cháu càng chán ăn, thường xuyên bỏ bữa nên gầy sút, không thích thú với các trò chơi vận động cùng các bạn. Đi khám dinh dưỡng các bác sỹ cho biết, cháu bị suy dinh dưỡng ở giai đoạn đầu.

BS Doãn Thị Tường Vi, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện 198) cho rằng, ăn chay nhìn chung rất tốt cho sức khỏe song không có nghĩa ăn chay hoàn toàn có lợi cho tất cả mọi người. Đối với một vài đối tượng, ăn chay có thể gây ra một số tác dụng có hại không mong muốn.

Trong thời kỳ mang thai, dinh dưỡng của mẹ có vai trò cực kỳ quan trọng quyết định sức khỏe của cả mẹ và con. Nhu cầu dinh dưỡng trong giai đoạn này tăng cao nên cần tăng các thực phẩm chứa nhiều sắt có nhiều trong động vật như thịt, cá, trứng, sữa… và bổ sung sắt, axit folic, các vitamin, khoáng chất cần thiết. Nếu ăn chay trường lại không bổ sung đầy đủ vi chất, chưa kể rau còn chứa chất xơ làm giảm hấp thu sắt dễ thiếu chất đạm làm bé suy dinh dưỡng từ trong bào thai.

Để phát triển, thai nhi cần nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết như canxi, sắt, kẽm, magie, axit folic… Nếu thiếu dễ dẫn đến nguy cơ sảy thai, đẻ non, thai chết lưu. Mẹ bị thiếu dinh dưỡng thì con cũng dễ suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ khi sinh ra bé dễ còi cọc, chậm phát triển cả về trí lực, thể lực…

Bên cạnh đó, người đang bị suy dinh dưỡng, những người bị nhiễm khuẩn, sốt cao cũng không nên ăn chay thường xuyên. Người bệnh cần phải có đủ dưỡng chất để phục hồi sức khỏe. Hay bà mẹ cho con bú và trẻ em dưới 5 tuổi là những đối tượng cần sử dụng những thực phẩm có nguồn gốc động vật, đồng thời cần bổ sung thêm các chất dinh dưỡng, vi chất dinh dưỡng và vitamin cần thiết cho sự phát triển của cơ thể nên chế độ ăn chay là không phù hợp.

 Ba nguyên tắc ăn chay đúng cách

Theo ThS.BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM), ăn chay không có nghĩa là chỉ ăn cơm và rau xanh, tương, cà muối... Nếu chỉ dừng lại một cách đơn điệu vậy dễ khiến người ăn chay cảm thấy chán và không đảm bảo về sức khỏe, có thể dẫn tới suy kiệt cơ thể. Việc ăn thiếu chất đạm có thể gây ra biếng ăn, nhão cơ. Ngược lại, bữa ăn chay quá nhiều bột, đường và dầu béo, năng lượng cao vẫn gây tình trạng thừa cân, béo phì như người ăn mặn.

Ăn chay một cách khoa học là sự kết hợp giữa rau, củ quả và uống sữa, một số người kết hợp với ăn trứng gà công nghiệp. Có rất nhiều món chay phong phú, với những món súp, có thể kết hợp giữa súp và nấm, với rau rền có thể kết hợp với nấm và đỗ, cùng với đậu hũ hầm…

Những người ăn chay thường xuyên cần lưu ý dùng hạn chế các loại thực phẩm có hàm lượng muối cao như tương, chao, cải muối, dưa cải, cà muối… Hạn chế dùng thường xuyên các thực phẩm chay công nghiệp do được xử lý quá nhiều khâu nên chất dinh dưỡng bị thất thoát nhiều. Để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể, ngoài ăn đủ 3 bữa chính nên ăn thêm bữa phụ. Các bữa ăn cần đa dạng và thay đổi món thường xuyên. Ngoài ra khắc phục tình trạng thiếu các vi chất không có trong thức ăn nguồn gốc thực vật như kẽm, vitamin B12, acid folic… bằng việc bổ sung các vi chất này dưới dạng thuốc bổ.

Đồng quan điểm, chuyên gia dinh dưỡng BS Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho rằng, ăn chay được xem là đúng phương pháp khi mà chúng ta đảm bảo được sự cân bằng giữa cung và cầu về kalo. Dù ăn chay theo loại nào thì dưới góc độ dinh dưỡng cũng cần tuân thủ ba nguyên tắc cơ bản:

- Nên ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm trong khẩu phần ăn hàng ngày, thông thường đủ các nhóm thực phẩm: Chất đạm (nguồn gốc từ thực vật như đậu, đỗ, nấm; các sản phẩm từ sữa (sữa tươi, bơ, phô mai, sữa chua...), chất béo (các loại dầu ép và hạt có dầu), các loại tinh bột/đường (gạo, ngô, khoai), các loại rau, hoa, quả và muối khoáng.

- Nên ăn các loại thực phẩm “thuần khiết, tự nhiên” càng ít chế biến hoặc không cho thêm các chất bảo quản, chất tạo màu, mùi, phụ gia… thì càng có lợi về dinh dưỡng.

- Nên ăn có điều độ, chừng mực, không nên ăn quá nhiều một loại thực phẩm hoặc ăn quá ít một loại. Cần ăn chậm, nhai kỹ, không ăn quá no hoặc để quá đói và tránh ăn nhanh, nuốt vội.

Mọi người cũng cần lưu ý đến khâu chế biến. Tránh nấu quá chín các loại rau xanh để vừa giữ được hương vị của rau vừa bảo quản được lượng chất dinh dưỡng quý giá có trong đó. Thời gian cần thiết để nấu các loại rau xanh không quá 15 phút. Đối với những thực phẩm khác cũng chỉ cần nấu đến khi chúng vừa chín tới.

"Một tháng có thể ăn chay 4 – 5 lần để đảm bảo cơ thể loại bỏ những độc tố gây hại. Nếu ăn chay lâu dài nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng, không nên hiểu ăn chay theo một nghĩa đơn điệu"- BS Nguyễn Trọng An

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN