Tạo sự đồng thuận giữa “ý Đảng - lòng Dân”
Hơn 30 năm gắn bó qua nhiều vị trí quan trọng trong cấp ủy, chính quyền xã Kỳ Tân cũng là từng ấy thời gian căn nhà của đồng chí Trần Văn Đông - Bí thư Đảng ủy xã trở thành nơi tụ họp của bà con sau những buổi thăm đồng.
Bên chén trà xanh, họ kể cho chúng tôi những câu chuyện được xem là “kỳ tích” của bà con khi gây dựng cuộc sống mới. Hồi ức về thời điểm năm 2012 vẫn còn nguyên vẹn khi Kỳ Tân là 1 trong 3 xã khó khăn, lạc hậu nhất huyện Tân Kỳ.
Lúc đó, xã chỉ đạt 3 tiêu chí trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân chỉ ở ngưỡng khoảng 13 triệu đồng/người/năm. Trong đó, 4 xóm bà con vùng giáo gồm xóm 3, xóm 4 vùng Quy Hậu và xóm 5, xóm 6 vùng Tân Đà luôn có tỷ lệ hộ nghèo cao.
“Trong thời điểm đó, để có được một sinh kế ổn định đã là mơ ước lớn của nhiều người chứ đừng nói đến mục tiêu cán đích nông thôn mới với những tiêu chí khắt khe, ngặt nghèo. Ấy vậy mà anh Đông đây vẫn “gàn” lắm, nhất quyết vận động chúng tôi phải thực hiện bằng được. Thậm chí, anh ấy còn đứng ra vay nợ 100 tấn xi măng cho xóm nào tiên phong làm đường giao thông nông thôn trong khi đợi nguồn hỗ trợ của Nhà nước”, ông Nguyễn Văn Bằng - Xóm trưởng xóm 4, xã Kỳ Tân chia sẻ.
Chính ông cũng không ngờ, chỉ sau 5 năm, toàn xã đã cơ bản hoàn thành xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm, sản xuất phát triển, cuộc sống sung túc hơn với mức thu nhập chạm mức trên 30 triệu đồng/người/năm.
Rảo bước trên con đường thênh thang với cơ đường được mở rộng 11m nối từ đường Hồ Chí Minh sang đường 15B thuộc xóm 4, xã Kỳ Tân, Bí thư Đảng ủy xã chỉ vào công trình đang xây dựng tại trường tiểu học, tự hào cho biết: Kỳ Tân cán đích nông thôn mới mà không hề “nợ” một tiêu chí nào, thậm chí, không có một đồng tiền nợ xấu nên số tiền thưởng 500 triệu đồng của tỉnh được xã tiếp tục hoàn thiện công trình tường bao, nhà để xe và sân bóng cho các em nhỏ của trường tiểu học.
“Để làm được điều đó, cấp ủy Đảng tuân thủ một nguyên tắc duy nhất: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Chính sự minh bạch trong tài chính để người dân hiểu được, kiểm soát được nguồn tiền do mình đóng góp đã tạo sự tin tưởng, khích lệ để họ chủ động thực hiện các nghị quyết, chương trình của địa phương”
Trong câu chuyện của mình, đồng chí Đông vẫn không quên nhắc đến những đóng góp của bà con vùng giáo. Để có được con đường nông thôn rộng gần 11m, 95 hộ giáo dân của xóm đã tự nguyện hiến gần 4 ha đất, đóng góp hơn 1 triệu đồng mỗi khẩu để tiến hành mở rộng cơ đường. Thậm chí, con đường đi qua nhà thờ giáo hạt thuộc địa phận xóm 3 còn rộng gần 17m, trở thành con đường nông thôn có 1 không 2 của huyện Tân Kỳ.
Góp sức trong sự thành công đó phải kể đến vai trò của Bí thư Chi bộ xóm 4 - bà Trần Thị Hồng Thịnh. Chính bà cũng là người cùng ông Đông tạo sự gắn kết với linh mục Quản hạt Quản xứ Nguyễn Văn Hậu để tạo nên sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm vận động nhân dân lương - giáo góp công, góp của xây dựng nông thôn mới.
Xã Kỳ Tân đã huy động trên 216,4 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân đóng góp hơn 97,215 tỷ đồng (chiếm 44.9%) với 89,7 tỷ đồng tiền mặt; ngày công, hiến đất, vật tư khác quy đổi đạt hơn 7,4 tỷ đồng.
Vực dậy nông nghiệp
Đứng trước cánh đồng lúa xanh tốt, Bí thư Trần Văn Đông chia sẻ, đối diện với nhiều khó khăn khi nền sản xuất nông nghiệp hiệu quả không cao, Đảng ủy xác định trước nhất phải đổi mới ngay đội ngũ cán bộ chủ chốt. Cán bộ phải nêu gương, tiên phong thì người dân mới đồng thuận.
Vậy nên, đồng chí Bí thư Đoàn xã lúc đó là anh Lê Đình Tâm đã được tiếp nhận về làm công chức xã đảm trách mảng nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới với lời “dặn dò” phải vực dậy bằng được tình hình sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Chính quyết định đó đã thổi một làn gió mới đến với Kỳ Tân. Đặc biệt, trong khoảng thời gian năm 2015 - 2016, anh Lê Đình Tâm đã trở thành nhân tố chủ đạo vận động nhân dân chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn bảo đảm sản xuất thuận tiện, đưa cơ giới vào sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích đất sản xuất. Ngoài ra, xã còn thực hiện thành công mô hình cải tiến thâm canh lúa cải tiến (SRI), mô hình chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt kết hợp trồng rừng tập trung theo nhóm hộ.
Với phương châm lấy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập làm gốc trong xây dựng nông thôn mới, bên cạnh những chính sách hiện có của Trung ương và tỉnh về hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì xã cũng có những chính sách riêng, như: Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, hỗ trợ cây giống, con giống chất lượng cao, đầu tư các công trình điện vào vùng sản xuất tập trung. Nhờ những chính sách cụ thể này, người dân địa phương đã đồng tình ủng hộ và chia sẻ cùng chính quyền địa phương.
Sau những thành quả mà ngành Nông nghiệp của xã đã đạt được, Lê Đình Tâm đã được tin tưởng tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Tân.