Dùng mèo làm gián điệp hay nghiên cứu về siêu năng lực là hai dự án được xem là khác thường thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Trang tin List Verse liệt kê những kế hoạch được nhiều người đánh giá là điên rồ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô.
Dùng bóng bay đưa gián điệp vượt biên
Các quốc gia khối Hiệp ước Warsaw từng sở hữu hệ thống biên phòng cực kỳ nghiêm ngặt trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đối với các gián điệp Mỹ, đây là thách thức lớn mà họ phải vượt qua nếu muốn thu thập hiệu quả thông tin tình báo của đối phương.
Hải quân Mỹ khi ấy muốn tận dụng những trái bóng bay khổng lồ dùng trong quan sát thiên văn và theo dõi thời tiết để đưa các gián điệp vượt qua biên giới, xâm nhập vào lãnh thổ Liên Xô. Họ thậm chí còn làm hẳn một bộ phim minh họa cho ý tưởng dùng bóng bay chở gián điệp nói trên. Dự án được chuyển tới đội nghiên cứu và phát triển của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Những quả bóng bay này ban đầu hoạt động bằng khí heli, nhưng sau một vụ tai nạn xảy ra ở Winconsin thu hút chú ý của dư luận, hải quân Mỹ đã ngừng cấp phép cho việc sử dụng chất khí này trong các cuộc thử nghiệm bóng bay chở người.
Chính vì thế, Walter H.Gioumau, một nhân viên CIA tham gia quá trình nghiên cứu, quyết định tiến hành một cuộc bay thử nghiệm khác sử dụng khí hydro thay thế cho khí heli.
Lần thử nghiệm đầu tiên diễn ra vào tháng 10/1951. Gioumau dùng đồ dằn và một chiếc dù để thay đổi hướng bay của quả bóng nhưng ngay lập tức gặp phải vấn đề. Khí hydro trong bóng bay bị rò rỉ, đồng thời một cơn mưa dông bất chợt đổ xuống khiến việc điều khiển trở nên vô cùng khó khăn. Khoảnh khắc kinh hoàng nhất đối với Gioumau là khi ông nghe thấy tiếng động cơ và tưởng rằng một chiếc máy bay nào đó đang tiếp cận mình nhưng hóa ra đó chỉ là một đoàn tàu chạy qua phía dưới ông.
Đợt thử nghiệm thứ hai được thực hiện sau đó hai tuần. Tuy gặt hái một số thành công bước đầu nhưng dự án nhanh chóng bị CIA gác sang một bên để tập trung cho những hướng phát triển khác.
Dự án nghiên cứu sức mạnh tâm linh của Mỹ
Những năm cuối 1960 đầu 1970, CIA bắt đầu nghi ngờ Liên Xô đang điều tra các hiện tượng tâm linh. Tập đoàn Nghiên cứu và Phát triển Mỹ (RAND) năm 1973 thậm chí đưa ra một nghiên cứu cảnh báo rằng Liên Xô đã tiến hành thí nghiệm giết thỏ con trên tàu ngầm để xem liệu thỏ mẹ có cảm nhận được sự đau đớn từ trên bờ hay không.
Giữa những năm 1970, CIA ước tính Liên Xô đã đổ vào những nghiên cứu kiểu như vậy hàng trăm triệu USD và đinh ninh rằng chắc chắn đối phương sẽ không chi mạnh tay nếu chưa đạt được một vài thành công nhất định. Vậy nên, CIA buộc phải theo chân Liên Xô tiến hành những nghiên cứu tâm linh của riêng mình. Chương trình đầu tiên khởi động năm 1970.
Dự án tâm linh này còn kéo dài tới tận năm 1995 dưới hàng loạt hình thức khác nhau, song theo một báo cáo của CIA, chúng không thu về bất kỳ thông tin tình báo hữu ích nào dù tiêu tốn tới 20 triệu USD.
Dự án nghiên cứu siêu năng lực của Liên Xô
Đúng như thông tin từ phía Mỹ, Liên Xô quả thực có tiến hành các nghiên cứu về sức mạnh tâm linh, bắt đầu từ năm 1920. Trọng tâm ban đầu là về thần giao cách cảm. Đây được đánh giá là một phương pháp giao tiếp hoàn hảo, vừa đảm bảo bí mật vừa có thể kết nối thông tin ở khoảng cách xa. Về sau, họ chuyển sang tìm hiểu về hiện tượng hành động trong trạng thái xuất thần vì cho rằng khả năng này sẽ giúp Liên Xô dễ dàng phá hủy các hệ thống dẫn đường tên lửa tinh vi của Mỹ.
Nếu chương trình nghiên cứu tâm linh của Mỹ chủ yếu đi vào khám phá tiềm năng của tâm trí con người thì các nghiên cứu của Liên Xô lại cố gắng xây dựng một học thuyết về cơ chế làm việc của sức mạnh tâm linh. Kết luận sơ khai của họ được đưa ra dựa trên khái niệm "năng lượng sinh học", một sản phẩm phụ sản sinh trong quá trình chuyển hóa của cơ thể sống.
Các nhà khoa học cho rằng "năng lượng sinh học" sẽ khiến con người phát ra một trường năng lượng gọi là "bioplasma". Những người sở hữu sức mạnh tâm linh, hay còn gọi là siêu năng lực, được cho là có thể lợi dụng nguồn năng lượng này để tác động lên vật thể hoặc con người xung quanh.
Mặc dù hai chương trình nghiên cứu sức mạnh tâm linh của Mỹ và Liên Xô đều thất bại nhưng CIA đánh giá Liên Xô hoạt động quy củ và có hệ thống hơn so với Mỹ.
Dự án mèo gián điệp
Đúng như tên gọi của nó, CIA từng toan tính dùng mèo để thu thập thông tin tình báo từ các quan chức nước ngoài. Năm 1967, CIA đã ra lệnh cho đội ngũ bác sĩ thú y cấy ghép một microphone trong ống tai và một thiết bị phát sóng vô tuyến vào hộp sọ của một con mèo, biến nó thành một cỗ máy gián điệp sinh học.
Ở lần thử nghiệm đầu tiên, người ta thả con mèo tại một công viên để nghe lén cuộc nói chuyện của hai người đàn ông. Tuy nhiên, con mèo đã bị một chiếc ôtô cán qua. Những lần thử nghiệm sau cũng không đạt được thành công như mong muốn.
CIA vẫn tiếp tục đầu tư vào một số dự án huấn luyện gián điệp mèo khác với giả định rằng việc điều khiển chúng ở một khoảng cách vừa phải là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, một báo cáo của CIA từng khẳng định, "xem xét các yếu tố an ninh và môi trường", việc dùng mèo để làm gián điệp là không thực tế. Dự án sau đó bị loại bỏ nhưng cũng tiêu tốn của CIA khoảng 20 triệu USD.
Dự án Cầu vồng
Sau khi phi cơ do thám U-2 thực hiện một vài chuyến bay đầu tiên trên không phận Liên Xô, CIA lúc này nhận ra rằng hệ thống phòng không của Liên Xô hoàn toàn có khả năng phát hiện và theo dõi máy bay Mỹ. Vì thế, năm 1957, họ quyết định khởi động Dự án Cầu vồng với mục tiêu giảm thiểu tín hiệu phản xạ radar từ máy bay của mình. Nói cách khác, CIA muốn biến U-2 trở thành một loại máy bay tàng hình.
Đầu tiên, CIA sử dụng các cọc tre để buộc một chuỗi dây hạt sắt xung quanh máy bay, tạo thành hệ thống Trapeze. Nó hoạt động dựa trên một giả thuyết cho rằng các sóng radar hướng tới máy bay sẽ bị dây hạt sắt giữ lại và không thể phản hồi về trung tâm kiểm soát mặt đất. Thực tế, cách này không đem lại hiệu quả.
Với phương pháp thứ hai, CIA dán một lớp nhựa đặc biệt bên ngoài vỏ máy bay để hấp thụ sóng radar. Cách này phần nào phát huy tác dụng nhưng nó lại khiến máy bay nặng hơn và không ổn định, rất dễ rơi. Dự án cuối cùng chỉ hoạt động được trong khoảng một năm.
Theo VNE