(Baonghean) - Trong thời buổi thông tin đại chúng hiện nay, quyền lực của truyền thông là không thể phủ nhận. Những khúc mắc trong mối quan hệ giữa truyền thông và chính trị có thể là mồi lửa cho một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Bất mãn vì bị Nhà Trắng “cấm cửa”
Thứ Sáu ngày 24/2 vừa qua, người phát ngôn của Nhà Trắng Sean Spicer đã tổ chức một cuộc họp với truyền thông tại văn phòng của mình. Trường hợp này có thể coi là một ngoại lệ bởi thông thường các cuộc làm việc với truyền thông của phát ngôn viên Nhà Trắng diễn ra trong phòng họp báo James Brady trước ống kính máy quay.
Địa điểm không phải là điều khác biệt duy nhất của cuộc họp lần này. Đáng chú ý hơn là nhiều tờ báo tên tuổi không được mời đến dự cuộc họp, trong đó phải kể đến New York Times, CNN hay Politico. Trái lại, những tờ báo có xu hướng ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump như: Breitbart News hay Washington Times thì vẫn được tham dự cuộc họp, cùng với một số kênh truyền thông bám sát các hoạt động của Nhà Trắng như Reuters và Bloomberg.
Những cái tên này đều nằm trong một danh sách “giới hạn” (“pool”) được hưởng đặc quyền hiện diện tại một số sự kiện quan trọng. Các tờ báo khác sau đó phải xin lại nội dung gốc của các thành viên của nhóm “pool”. Hãng thông tấn Pháp AFP cũng là thành viên của nhóm này nhưng vẫn không được mời đến dự cuộc họp. Tuy nhiên, sau đó hãng này đã có ý kiến và vẫn dự cuộc họp như thường lệ. Hãng thông tấn Mỹ AP thì tẩy chay luôn cuộc họp để thể hiện sự phản đối.
Ngay từ khi còn tiến hành chiến dịch vận động tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần đưa ra phát biểu không thiện cảm với truyền thông và giới phóng viên. Tuy nhiên, theo tờ New York Times thì đây là lần đầu tiên mối quan hệ giữa Nhà Trắng và truyền thông rạn nứt nghiêm trọng đến như thế này.
Trên trang mạng Twitter của tờ New York Times đăng tải: “Chưa bao giờ chuyện tương tự như thế này xảy ra trong lịch sử tác nghiệp nhiều năm của chúng tôi liên quan đến các hoạt động của chính phủ”. Kèm theo đó là bài báo đăng tải trên www.nytimes.com đưa tin về việc NY Times bị “hất cẳng” khỏi cuộc họp với phát ngôn viên của Nhà Trắng.
Phía Nhà Trắng đưa ra những ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Chủ tịch Hiệp hội báo chí tại Nhà Trắng Jeff Mason nhấn mạnh “Văn phòng hiệp hội sẽ bàn luận về chuyện này với các quan chức của Nhà Trắng” và thể hiện thái độ phản đối gay gắt việc cấm cửa các phóng viên dự họp báo.
Còn phát ngôn viên Sean Spicer trong buổi họp báo lại khẳng định rằng Nhà Trắng đã luôn thiện chí và cởi mở với giới truyền thông. “Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể để đội ngũ nhân sự và phòng họp báo của chúng tôi mở rộng cửa hơn bao giờ hết với các bạn, hơn bất kỳ chính phủ nào trước đây”.
Việc Nhà Trắng tổ chức gặp mặt với một nhóm phóng viên giới hạn đã từng có tiền lệ dưới thời các Tổng thống trước. Song cuộc họp báo hôm thứ Sáu lại được thông báo trước đó như một cuộc gặp mặt thường nhật mở cửa với mọi cơ quan truyền thông chính thống, dẫn đến sự bất mãn cho những ai bị cấm cửa.
Tình báo Đức bị cáo buộc nghe lén phóng viên
Mới đây, tờ tuần san Đức Der Spiegel - chuyên đăng tải các thông tin về hoạt động tình báo nước này - đã tiết lộ với độc giả việc cơ quan tình báo nước ngoài Đức theo dõi các phóng viên của nhiều cơ quan truyền thông nước ngoài. Những cái tên đáng chú ý xuất hiện trong danh sách phải kể đến BBC, New York Times hay Reuters.
Theo Der Spiegel, tình báo Đức đã lên danh sách nghe lén và theo dõi ít nhất 50 số điện thoại, số fax hay hộp thư điện tử của các phóng viên, biên tập viên nước ngoài từ năm 1999. Tuy nhiên, Der Spiegel không nắm được các hoạt động do thám này kéo dài trong thời gian bao lâu.
Họ cũng nói thêm rằng có thể hiện tại việc theo dõi không tiếp diễn nữa, nhưng họ không có bằng chứng nào khẳng định điều đó. Hiện danh sách mà Der Spiegel nắm trong tay có đến vài chục số điện thoại của phóng viên làm việc cho Tập đoàn nghe nhìn BBC của Anh. Có những số điện thoại văn phòng tại London nhưng cũng có số ở tận Afghanistan và số của những nhân viên làm cho ấn phẩm quốc tế BBC World.
Phát ngôn viên của BBC đã lên tiếng về vụ việc này: “Chúng tôi rất tiếc khi nhận được thông tin nói trên. Phóng viên của chúng tôi phải được tác nghiệp một cách tự do, trong điều kiện đảm bảo an toàn và bảo mật nguồn tin của họ. Chúng tôi kêu gọi các chính phủ tôn trọng hoạt động tác nghiệp của báo chí”.
New York Times cũng có 1 số điện thoại ở Afghanistan hiện diện trong danh sách theo dõi, với Reuters thì là các đầu số di động và vệ tinh ở Afghanistan, Pakistan và NIgeria. Cả hai đến thời điểm này vẫn chưa đưa ra phản ứng. Der Spiegel khẳng định những tài liệu mà tuần san này nắm được chỉ là một phần không hoàn chỉnh và rằng danh sách các kênh truyền thông bị theo dõi nhiều khả năng còn đông đảo hơn nữa.
Cơ quan tình báo Đức từ chối trả lời cáo buộc của Der Spiegel. Trước đây, tình báo Đức đã bị buộc tội nghe lén các quan chức Bộ Ngoại giao Pháp, Văn phòng Tổng thống Pháp và Uỷ ban châu Âu rồi gửi tin cho tình báo Mỹ. Trước đó nữa, cũng chính Der Spiegel cáo buộc tình báo Đức do thám các Bộ trưởng Nội vụ của Mỹ, Ba Lan, Áo, Đan Mạch và Croatia.
Hải Triều
(Theo Le Monde)