(Baonghean.vn) - Trong vòng 5 năm, thu nhập bình quân đầu người ở Tân Hợp tăng từ 8,8 triệu đồng/năm 2010 lên 19 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2015.

Tân Hợp là xã miền núi khó khăn của huyện Tân Kỳ, nằm cách xa khu vực trung tâm huyện 35km. Xã có tổng diện tích đất tự nhiên rộng trên 7.000 ha, hơn 2.000 ha đất sản xuất chủ yếu là đồi rừng. Toàn xã có trên 1.000 hộ dân, 7/8 bản là đồng bào dân tộc Thổ. Đặc thù tập quán sản xuất nhỏ lẻ, đường giao thông cách trở, phân tán, kinh tế người dân còn nhiều khó khăn.

Những năm gần đây, nhờ năng động đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà Nước, nhiều mô hình kinh tế có hiệu qủa đã góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương. 

Từ năm 2010, nhận thấy cây mía là cây công nghiệp có thế mạnh, Đảng ủy, chính quyền xã Tân Hợp phát động phong trào đưa cây mía lên vườn đồi, đất vệ bằng. Đến nay toàn xã đã quy hoạch đạt trên 1.300 ha mía kinh doanh. Trong đó tiêu biểu như xóm Tân Thành trồng hơn 420 ha.

Đây là vụ đầu tiên chị Nguyễn Thị Thanh- Xóm Tân Thành chuyển đổi 3 sào đất trồng sắn sang trồng mía. Hiện nay, chị đã vào ngày thứ 5 thu hoạch mía, sản lượng đạt 15 tấn, ước toàn niên vụ 2015-2016, nhà chị thu hoạch trên 50 tấn mía. Theo chị Thanh, mặc dù thời tiết khắc nghiệt, nhưng mía vẫn đảm bảo thu hoạch, ước lãi ròng toàn vụ mía đạt trên 50 triệu đồng, tăng gấp 3 lần trồng sắn, ngô..
Chị Nguyễn Thị Thanh - xóm Tân Thành chuyển đổi 3 sào đất trồng sắn sang trồng mía, ước toàn niên vụ 2015 - 2016, gia đình chị thu hoạch trên 50 tấn mía. 

Cùng với trồng mía, ở Tân Hợp còn có nhiều mô hình trồng cam, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tiêu biểu như mô hình của anh Thái Bá Hòa ở đồi Thung Lộ hiện trồng trên 1.000 gốc giống cam Vân Du. Hơn 8 năm dày công đầu tư chăm sóc, đến nay vợ chồng anh thu hoạch bán ra thị trường mỗi năm trên 40 tấn quả, giá bán 30 ngàn đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, lãi ròng gần 1 tỷ đồng/năm. 

Những mô hình trồng cam ở Tân Hợp cho thu nhập cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Trong ảnh: trang trại cam của vợ chồng anh Thái Bá Hòa ở đồi Thung Lộ, hiện trồng trên 1.000 gốc giống cam Vân Du, mỗi năm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng. 

Ngành chăn nuôi trên địa bàn đang chuyển biến tích cực theo hướng hàng hóa. Nhiều mô hình gia trại chăn nuôi có quy mô trên 15 con trâu bò/mô hình cho hiệu quả kinh tế từ 40 - 100 triệu đồng/mô hình/năm. Toàn xã hiện có tổng đàn trên 1.300 con trâu bò, gần 1.700 con lợn, trên 1.000 con dê và 35.000 con gia cầm. 

Ông Nguyễn Ty Thanh - Bí thư Chi bộ xóm Trung Độ, cho biết: Toàn xóm hiện có trên 200 hộ, 860 nhân khẩu, 95% là đồng bào dân tộc. Những năm gần đây, bà con chú trọng tiêm phòng cho đàn vật nuôi, nâng tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi hàng năm đạt từ 51% lên 85%. 

Mô hình nuôi trâu hàng hóa của hộ anh Nguyễn Bút Hoàn hiện có 5 con trâu, 3 con nghé, bên cạnh phục vụ cày kéo trong sản xuất (3 sào ruộng) anh còn bán thịt, bình quân thu nhập đạt 50 triệu đồng/năm.

Từ những mô hình kinh tế năng động này đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Trong vòng 5 năm gần đây, thu nhập bình quân đầu người ở Tân Hợp tăng từ 8,8 triệu đồng/năm lên 19 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2015./.

Lương Mai

TIN LIÊN QUAN