(Baonghean) - Là huyện miền núi thấp, người dân lại có truyền thống chăn nuôi nên tiềm năng phát triển chăn nuôi, trồng trọt ở Tân Kỳ khá lớn. Để khai thác tiềm năng đó, những năm qua, Tân Kỳ đã có nhiều giải pháp thúc đẩy chăn nuôi và trồng trọt phát triển.

TỪ MÔ HÌNH NHỎ GỌN, THIẾT THỰC...

Một trong những mô hình khuyến nông phát huy hiệu quả và đang được triển khai ở Tân Kỳ là mô hình hỗ trợ chuyển giao giống mía cho 8 hộ ở xóm Tiền Phong 1, xã Kỳ Sơn do ông Ngô Minh Nhân làm đại diện. Với tổng kinh phí 180 triệu đồng từ chương trình khuyến nông quốc gia, Trạm Khuyến nông huyện triển khai trên 7,5 ha, trong đó 6 ha trồng giống mía KK2 (có nguồn gốc Thái Lan) và 2,5 ha giống My55-14 địa phương.

Kỹ sư Thái Thị Mỹ Lương – Trạm phó Trạm khuyến nông Tân Kỳ cho biết: Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ 100% tiền giống và 50% tiền phân bón. Qua hơn 5 tháng trồng, đối chiếu với diện tích (giống thường) do người dân trồng bên cạnh, cho thấy mía mô hình hiệu quả hơn hẳn. Giống mía KK2 dự kiến năng suất khoảng 70 tấn/ha, nhưng thực tế thu hoạch vụ năm trước tại xã Giai Xuân đạt 90 tấn/ha, nên năm nay tiếp tục được chuyển sang trồng ở Kỳ Sơn. 

Mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học của ông Phạm Viết Ngọc ở xóm 1, Thị trấn Lạt (Tân Kỳ).
Mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học của ông Phạm Viết Ngọc ở xóm 1, Thị trấn Lạt (Tân Kỳ).

Mô hình thứ 2 mà Trạm Khuyến nông Tân Kỳ đang triển khai là nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học tại xóm 1, Thị trấn Lạt. Với định mức đầu tư chỉ 54 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 100% tiền giống và 50% tiền thức ăn, mô hình rất phù hợp với điều kiện nuôi trên diện tích chật hẹp. Ông Phạm Viết Ngọc - chủ mô hình cho hay: Trước đây khi chưa có mô hình đệm lót sinh học, gia trại ở gần nhà nên khó nuôi số lượng nhiều vì ô nhiễm môi trường và dễ bị dịch bệnh. Sau khi tập huấn về, gia đình nhận mô hình được hỗ trợ 300 con gà giống lai chọi để nuôi. Từ khi dùng đệm lót sinh học thì yên tâm hẳn, cả chu kỳ nuôi 4 tháng không phải vệ sinh chuồng trại, thỉnh thoảng đảo lớp đệm lên để xử lý bằng men vi sinh; chuồng luôn khô ráo và không có mùi hôi thối. Đặc biệt, gà nuôi trên đệm lót sinh học phát triển khá tốt, mới chỉ nuôi khoảng hơn 1 tháng đã đạt trọng lượng gần 0,8 kg/con, gần bằng gà nuôi 3 - 4 tháng bên ngoài. Theo ông Ngọc, nếu mô hình này thành công thì hoàn toàn có thể nhân rộng ra các xóm, xã trong vùng. 

Hai mô hình trên rất hiệu quả và phù hợp với huyện Tân Kỳ, mặc dù kinh phí không nhiều, mỗi năm chỉ 200 - 300 triệu đồng để tập huấn và chuyển giao mô hình cho nông dân. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã xây dựng được 22 mô hình cây, con và hỗ trợ chuyên môn thành lập 2 trang trại. Ngoài 2 mô hình nêu ở trên, thì trên địa bàn còn có mô hình sắn dây, bí xanh, ớt cay được triển khai có hiệu quả khi cho thu nhập cao và đang từng bước được nhân rộng….

...ĐẾN HUY ĐỘNG, ĐA DẠNG HÓA CÁC NGUỒN LỰC

Để thu hút các nguồn lực, đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, trong điều kiện ngân sách hỗ trợ trực tiếp còn hạn chế, huyện Tân Kỳ tận dụng hiệu quả cơ chế, chính sách của tỉnh và đầu tư của các doanh nghiệp thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Năm 2010, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên mặc dù là huyện có thế mạnh về chăn nuôi, nhưng tổng đàn gia súc có xu hướng sụt giảm. Chính vì vậy, năm 2011, UBND huyện đã ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng đàn gia súc”. Theo đề án trên, ngoài vận dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện ban hành cơ chế riêng, theo đó mỗi năm Tân Kỳ trích ngân sách 140 triệu đồng để hỗ trợ thức ăn tinh cho đàn gia súc. 

Nguồn lực trên cùng với cơ chế của tỉnh, mỗi năm Tân Kỳ đầu tư trên 1 tỷ đồng để cải tạo chất lượng đàn gia súc. Sau 4 năm triển khai, cùng việc duy trì số lượng tổng đàn gần 45 ngàn con, chất lượng đàn gia súc được cải thiện đáng kể. Đến nay, tỷ lệ bò lai sind chiếm 67,5% tổng đàn (11.847/17.545 con), vượt kế hoạch đề ra đến năm 2015 là 10.000 con. Nhờ chất lượng giống được cải tạo nên gia súc chống chịu bệnh tốt hơn, không xảy ra dịch bệnh lớn và sản lượng thịt xuất chuồng tăng mỗi năm 8 - 9%; đàn bê, nghé sau khi được lại tạo phát triển tốt và thích nghi với điều kiện môi trường địa phương. Bà Hương - một chủ hộ nuôi bò ở xóm 5, xã Kỳ Tân cho biết: Cùng thời gian nuôi từ 6-8 tháng, nếu nuôi bò vàng cho thu nhập gần 10 triệu đồng/con, còn bò lai được khoảng 13 - 15 triệu đồng/con, hiệu quả hơn hẳn.

Ông Nguyễn Bá Thức, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho rằng: Cải tạo, nâng cao chất lượng đàn gia súc là hướng đi rất tích cực cho ngành chăn nuôi. Nhờ chính sách này mà hiện nay tất cả các xã của huyện đều có các mô hình, gia đình chăn nuôi có quy mô lớn và gia trại ra đời, mang lại thu nhập khá cho bà con.

Ngoài nguồn từ chính sách của tỉnh và huyện, thông qua các cơ chế, chính sách của Nhà nước, huyện Tân Kỳ đã thu hút dự án chăn nuôi bò trị giá trên 150 tỷ đồng do Công ty TNHH Kiều Phương đầu tư trang trại tại Thị trấn Lạt, nuôi 340 con bò Úc để bán thịt. Mặc dù mô hình này khó nhân rộng, nhưng sự có mặt của trang trại trên đã mở ra một hướng mới cho phát triển chăn nuôi của huyện. Liên quan đến hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ tháng 4/2015, Công ty CP mía đường sông Con đã hỗ trợ bà con nông dân các xã Tân An, Tân Long, Nghĩa Dũng và Giai Xuân lắp đặt mô hình tưới nhỏ giọt cho 19,3 ha mía, giúp nâng cao hiệu suất canh tác, được bà con và chính quyền địa phương các xã ghi nhận, đánh giá cao.

VÀ NHỮNG BĂN KHOĂN TRĂN TRỞ

Thực tế trên cho thấy nhu cầu nguồn lực cho khuyến nông ngày càng lớn nhưng định mức đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp vào các mô hình còn quá ít và nhỏ giọt, nên chưa thể triển khai trên diện rộng. Bên cạnh đó, một số mô hình sau khi triển khai nhưng không có hiệu quả và chưa có đối chứng, so sánh ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người dân và khó nhân rộng, do nguồn kinh phí quá ít. Theo bà Đặng Thị Vân, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ: Tính cặn kẽ thì bình quân mỗi mô hình trên địa bàn chỉ hỗ trợ 20 - 30 triệu đồng nên buộc phải chọn quy mô nhỏ theo hộ để hỗ trợ.

Bên cạnh đó, khi nói đến công tác khuyến nông là đưa khoa học kỹ thuật, đưa giống mới và tiến bộ vào sản xuất, nhưng trình độ tiếp nhận của nông dân còn chưa đồng đều. Để xây dựng mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học, ông Phạm Viết Ngọc ở Thị trấn Lạt trước đó đã có kinh nghiệm về chăn nuôi, muốn mở trang trại nên sẵn sàng nhận mô hình và bước đầu thu được thành quả như hiện nay.

Ngoài các hạn chế trên, thì mô hình khuyến nông nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung hiện nay chịu tác động, rủi ro khá lớn. Thành công hay thất bại của mô hình có rất nhiều yếu tố, trong đó có cả chủ quan lẫn khách quan. Vì lý do này, nên nhiều mô hình đã thành công nhưng sau khi kết thúc dự án thì rất khó để duy trì. Điển hình là mô hình trồng sắn dây tại vùng đất cưỡng của huyện Tân Kỳ cách đây vài năm đã chứng minh được hiệu quả khi giá trị kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với trồng sắn thường, huyện đã tổ chức nhân rộng ra 4 xã, nhưng năm nay do nắng nóng gay gắt, sắn bị chết nhiều, năng suất giảm nên hiện tại muốn triển khai nhân rộng rất khó khăn.

Để nâng cao hiệu quả mô hình khuyến nông, cùng với việc tìm kiếm mô hình hiệu quả và phù hợp với từng địa bàn để có giải pháp đầu tư, hỗ trợ, từ thực tiễn ở Tân Kỳ cho thấy các cấp phải tăng định mức đầu tư cho chuyển giao mô hình; các nguồn lực đầu tư hỗ trợ sản xuất nên gắn trách nhiệm với ngành khuyến nông cụ thể hơn để triển khai và giám sát các nguồn lực đầu tư phát triển các mô hình sản xuất được dùng đúng mục đích. Từ đó, làm cho các mô hình khuyến nông trở thành hình mẫu để bà con nông dân học hỏi, làm theo, góp phần đánh thức tiềm năng to lớn mà các huyện như Tân Kỳ đang có.

Nguyễn Hải