Tận dụng ưu đãi thuế nhập khẩu về 0% từ 2018, nhiều hãng xe điều chỉnh chiến lược kinh doanh chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu. Đây được xem là điều kiện cần để ôtô nhập giảm giá so với hiện nay.
Honda Civic, CR-V thế hệ mới, Toyota Fortuner và nhiều tân binh như Suzuki Celerio, Honda Jazz, Toyota Avanza đều xuất từ hai thị trường có mức nội địa hóa linh kiện cao hàng đầu ASEAN, Thái Lan và Indonesia. Hai quốc gia này cũng dẫn đầu lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam trong 2017.
Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ tính riêng thuế nhập khẩu giảm từ 30% của 2017 về 0% từ 2018, giá ôtô theo đó có thể giảm khoảng 23%. Tuy nhiên, chính sách quản lý ôtô nhập khẩu và chiến lược của mỗi hãng có thể khiến giá xe khó giảm sâu như kỳ vọng.
Những mẫu xe dưới đây đều có điểm chung nhập khẩu từ ASEAN. Mức giá thay đổi có thể là đòn bẩy để cải thiện doanh số với mẫu xe này, nhưng cũng giúp tăng thêm sự thống trị của mẫu xe khác.
Hatchback cỡ A - Mitsubishi Mirage, Suzuki Celerio, Toyota Wigo
Mức giá bình dân, phù hợp với những người mua xe lần đầu, chạy dịch vụ, Kia Morning và Hyundai Grand i10 thống trị phân khúc sắp có hai đối thủ đáng gờm thương hiệu Nhật.
Trong 2018, Celerio nhập khẩu Thái Lan, Wigo nhập khẩu Indonesia sẽ gia nhập phân khúc sôi động trong vài năm qua tại Việt Nam. Giá chi tiết và ngày giao xe của cả hai đều chưa có thông tin chính thức. Riêng mẫu xe của Suzuki bản số tự động có đại lý báo giá 359 triệu đồng. Đối thủ Morning hiện bán với giá 375-390 triệu, Grand i10 380-395 triệu, cả hai đều là phiên bản số tự động.
Lợi thế thương hiệu và giá trị bán lại có thể chưa phải là vũ khí mạnh để Wigo chiếm ưu thế ở phân khúc bình dân, nơi giá và các trang bị hợp túi tiền là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua xe. Hai mẫu xe Hàn đều lắp ráp trong nước.
Sedan hạng C - Honda Civic
Xét ở góc độ hưởng lợi từ thuế nhập khẩu 0% từ 2018, sự kỳ vọng dành cho Honda Civic có mức giá giảm để tiếp cận rộng hơn khách hàng chứ không mang nhiều ý nghĩa cạnh tranh về doanh số với đối thủ hàng đầu Mazda3. Bởi giá lăn bánh hiện thời của Civic ngoài một tỷ, chênh lệch khá nhiều so với phần còn lại đều lắp ráp trong nước.
Trước đối thủ nặng ký Mazda3 thiết kế trung tính, giá cạnh tranh (649-740 triệu) hay cựu vương Toyota Altis (678-905 triệu) với sức mạnh thương hiệu, Honda Civic cần nhiều hơn sự đột phá, thay vì chỉ một phiên bản và mức giá tiệm cận phân khúc D như hiện nay.
Những toan tính để thúc đẩy doanh số là bài toán khó với Honda để tránh xung đột triết lý tập trung trải nghiệm thể thao cho khách hàng, tạo nét cá tính riêng biệt trong phân khúc vốn là thế mạnh của hãng xe Nhật.
Crossover hạng C - Honda CR-V
Không tạo ra một khoảng cách lớn về giá bán so với các đối thủ như Civic, Honda CR-V thế hệ mới nhập khẩu Thái Lan có trong tay những điểm mạnh riêng để không quá lép vế về doanh số với Mazda CX-5.
Hãng xe Nhật vẫn chưa công bố giá chi tiết CR-V mới, riêng bản cao nhất gần 1,1 tỷ. Trong khi đó Hyundai Tucson sản xuất tại Ninh Bình giá 760-890 triệu, Nissan X-Trail xuất xưởng tại Đà Nẵng giá 852-986 triệu. Mitsubishi vừa công bố giá Outlander bản lắp ráp 808-1.100 triệu. Dẫn đầu doanh số phân khúc 2017 Mazda CX-5 có giá mới áp dụng trong tháng 1/2018 là 869-999 triệu đồng.
SUV 7 chỗ hạng D - Toyota Fortuner, Ford Everest, Isuzu mu-X, Mitsubishi Pajero Sport
Phân khúc SUV 7 chỗ tại Việt Nam là cuộc cạnh tranh không cân sức của Toyota Fortuner nhập khẩu Indonesia và phần còn lại như Ford Everest, Mitsubishi Pajero Sport, Isuzu mu-X nhập khẩu Thái Lan. Ngoài Kia Sorento lắp ráp trong nước, lợi thế thuế nhập khẩu 0% từ 2018 chia đều cho các mẫu xe này. Riêng Chevrolet Trailblazer chưa có giá bán và ngày ra mắt chính thức sau lần xuất hiện gần nhất tại triển lãm VMS 2017.
Điểm mấu chốt còn lại là chiến lược của mỗi hãng cộng thêm chính sách siết chặt nhập khẩu của cơ quan quản lý khiến giá xe giảm bao nhiêu. Doanh số cộng dồn đến tháng 11/2017 phân khúc này cho thấy thực tế, giá bán không hẳn là yếu tố quyết định đến cuộc đua doanh số.
Fortuner giá 981-1.308 triệu với lợi thế thương hiệu tỏ ra không có đối thủ trong phân khúc. Isuzu mu-X giá 899-960 triệu chật vật cuối bảng xếp hạng.
Bán tải - 7 mẫu
Phân khúc bán tải tại Việt Nam nhiều năm qua bùng nổ nhờ ưu đãi thuế, phí, tính tiện dụng, mức giá dưới một tỷ nhưng trang bị phong phú như xe con. Những mẫu xe phân phối cho khách Việt đều nhập khẩu Thái Lan, giá giảm không nhiều vì mức thuế nhập khẩu từ 5% về 0%.
Hai mẫu bán tải thương hiệu Mỹ gồm Ford Ranger và Chevrolet Colorado đang áp đảo các đối thủ Nhật như Mazda BT-50, Toyota Hilux, Mitsubishi Triton, Isuzu D-max. Nissan Navara không công bố doanh số.
2018 là thời điểm đặc biệt đối với khách hàng Việt nói riêng về dòng xe bán tải. Thay vì giá xe giảm bao nhiêu, mối quan tâm lớn hơn của họ đến từ đề xuất của Bộ Công thương tăng thuế TTĐB và phí trước bạ đối với xe bán tải, áp dụng như xe con dưới 9 chỗ. Nếu đề xuất trên đi vào thực tế, giá xe bán tải trong 2018 nhiều khả năng tăng thay vì ngược lại
Ngoài những cái tên kể trên, thị trường ôtô Việt Nam trong 2018 có nhiều mẫu xe khác nhập khẩu ASEAN hưởng thuế 0% nếu đáp ứng điều kiện mức nội địa hóa linh kiện tối thiểu 40%.
Hatchback hạng B: Toyota Yaris, Mitsubishi Mirage, Honda Jazz (chưa về).
Sedan hạng B: Suzuki Ciaz, Mitsubishi Attrage.
MPV: Toyota Avanza, Suzuki Ertiga.
Sedan hạng D: Honda Accord.
Riêng những tân binh như Toyota Avanza - đàn em Innova, Honda Jazz đều chưa định giá và ngày ra mắt chính thức trong 2018, một phần vì Nghị định 116/2017 siết chặt hoạt động nhập khẩu ôtô, khiến các hãng xe mất nhiều thời gian để đưa xe về nước.