Xuyên tạc, bịa đặt lố bịch
Báo cáo “Thế giới về nhân quyền” của HRW năm 2021 không có gì mới, đó vẫn là những cáo buộc vô căn cứ về cái gọi là “Việt Nam gia tăng trấn áp những người cổ vũ cho các quyền dân sự và chính trị cơ bản”; hay “Việt Nam lo sợ dân chủ, truyền thông độc lập và các quyền tự do”, “Gia tăng đàn áp”, “xuống cấp nghiêm trọng”, “tàn khốc”....
Trong bản báo cáo này, HRW tiếp tục bao che, dung túng cho những kẻ lợi dụng quyền tự do ngôn luận, báo chí, sử dụng mạng xã hội vi phạm an ninh quốc gia, trật tự xã hội, cổ súy tuyên truyền chống phá đất nước và những thành quả đổi mới của toàn dân tộc Việt Nam, trong đó có những cái tên như: Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn - tự xưng là nhà báo của “Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam”; hay Phạm Thị Đoan Trang, tự xưng là “một cây bút-blogger nổi tiếng”… Và trên trang VOA Tiếng Việt (của Mỹ) đăng tải bài viết có tựa đề “HRW xếp Việt Nam vào số các chính phủ lợi dụng Covid-19 vi phạm nhân quyền”.
Theo đó, tổ chức theo dõi nhân quyền HRW đã ra bản phúc trình thường niên về tình trạng nhân quyền thế giới, cho rằng “Việt Nam nằm trong số ít nhất 83 chính phủ trên thế giới đã dùng đại dịch Covid-19 để biện minh cho hành động vi phạm quyền tự do ngôn luận và hội họp ôn hòa của người dân”???.
Tiếp đó, ngày 5/3/2021, tổ chức nhân quyền Freedom House tung ra bảng chấm điểm chỉ số tự do của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam được chấm 19/100 điểm, là quốc gia có điểm số áp chót Đông Nam Á, chỉ hơn Lào (13/100 điểm).
Trong đó, một chỉ số đáng chú ý như tự do Internet - Việt Nam chỉ được chấm 22/100 điểm, đứng ở vị trí rất thấp, thấp hơn so với các nước trong khu vực như Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Philippines... Tổ chức này xuyên tạc Việt Nam không có tự do Internet, người dân Việt Nam gần như bị cấm truy cập vào mạng xã hội, không có quyền bầu cử, không có tự do tôn giáo. Tổ chức này đã vô căn cứ tự khẳng định rằng “nhà chức trách Việt Nam thẳng tay đàn áp, nghiêm cấm người dân Việt Nam bình luận, sử dụng mạng xã hội hay các nền tảng internet quốc tế”???.
Thực tiễn chứng minh mọi âm mưu đều vô nghĩa
Nhân quyền là quyền con người mà trước hết là quyền được sống, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được bảo vệ… Hơn ai hết, người dân Việt Nam là những người cảm nhận được những giá trị nhân quyền mà Đảng, Nhà nước mang lại.
Trong hơn một năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Nhưng không như một số nước "tự do" khác đã để dịch bệnh lây lan không thể kiểm soát, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ Việt Nam, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Nhân dân Việt Nam đã đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành đã “chiến đấu” dũng cảm, kiên cường nhất để chiến thắng đại dịch này. “Không để ai bị bỏ lại phía sau” – tinh thần này đã và sẽ tiếp tục là phương châm hành động để các cấp, ngành tiếp tục thực hiện những biện pháp mạnh mẽ, toàn diện để bảo vệ tính mạng Nhân dân; các gói an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được nhanh chóng quyết định và triển khai một cách thiết thực, hiệu quả để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ những người khó khăn nhất trong lúc dịch bệnh – điều đó thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, đồng thời chính là minh chứng hùng hồn, bác bỏ mọi lời xuyên tạc, vu cáo của các tổ chức theo dõi nhân quyền đối với Việt Nam.
Điều đáng nói, trong suốt nhiều năm qua, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, với nhiều cương vị, trọng trách nắm giữ, nhiều hành động thiết thực, hiệu quả không chỉ cho bản thân đất nước mà còn có tầm ảnh hưởng nhất định đến khu vực và thế giới.
Đặc biệt trong năm 2020 vừa qua, Việt Nam đạt tăng trưởng dươngở mức 2,91%, được thế giới đánh giá là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Nếu Việt Nam vi phạm nhân quyền, không lắng nghe dân, không chăm lo cho lợi ích của người dân, không có sự đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân thì liệu có làm được điều này không?
Ngay như tại tỉnh Nghệ An, trong năm 2020 trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương vào cuộc kịp thời, ráo riết, trách nhiệm, hiệu quả, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, Nghệ An đã tập trung thực hiện “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả quan trọng, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm Covid-19.
Kết thúc năm 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 4,45%; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 17.363 tỷ đồng. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng, tính đến hết năm 2020 có 281/411 xã đạt chuẩn, tăng 36 xã so với năm 2019, có 6 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới.
Công tác an sinh xã hội được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đặc biệt quan tâm, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh đã đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,1%, xuống còn khoảng 3,0%.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh thực hiện phong trào “Nghệ An chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp tham gia, đã huy động tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo trong 5 năm đạt hơn 17.661 tỷ đồng...
Tổ chức theo dõi nhân quyền tự lột trần bộ mặt giả dối
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020 Việt Nam có hơn 68 triệu dân sử dụng internet (chiếm tỷ lệ 70% dân số, Việt Nam là 1 trong top 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới) với mục đích sinh kế, học tập, giải trí trực tiếp, biểu đạt và thực hiện các quyền con người của mình, kể cả những quyền dân sự, chính trị như tham gia đóng góp ý kiến với các dự thảo văn bản chính sách, pháp luật, văn kiện Đại hội Đảng.
Do đó, không có chuyện Việt Nam cấm người dân sử dụng internet, cấm bình luận và tham gia mạng xã hội, vi phạm nhân quyền hay “bắt giữ người bất đồng chính kiến” như những cáo buộc vô căn cứ của các tổ chức theo dõi nhân quyền.
Những kết quả đó đã minh chứng niềm tin lớn lao của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước - một chế độ của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, nơi mà sức khỏe, tính mạng con người đã và luôn được đặt lên vị trí cao nhất. Còn những cái tên như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Phạm Đoan Trang… mà HRW nhắc đến trong bản phúc trình như những “nạn nhân” thực chất là những đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam nên bị bắt giữ và xét xử theo đúng các quy định của pháp luật. Những cái gọi là “nhà hoạt động”, “những tiếng nói bất đồng chính kiến”, “người bất đồng quan điểm”… chỉ là các khái niệm mà HRW cũng như những tổ chức thiếu thiện chí, thậm chí là thù địch với Việt Nam dùng để lừa bịp người khác mà thôi.
Một lần nữa, xin khẳng định chắc chắn rằng, những gì mà cáo buộc về tình hình nhân quyền của HRW, Freedom House, VOA… rắp tâm bịa đặt, thổi phồng về tình hình nhân quyền ở Việt Nam chỉ là những lời xuyên tạc lố bịch, vô căn cứ, không phản ánh đúng tình hình nhân quyền cùng những nỗ lực không mệt mỏi vì quyền con người tại Việt Nam.
Thế nên, càng dùng những lời lẽ xuyên tạc, phi lý năm này qua năm khác trong các báo cáo, cáo buộc của mình, điều ấy chẳng khác gì các tổ chức theo dõi nhân quyền tự lột trần bộ mặt giả dối của mình, khi xuyên tạc, vu khống Việt Nam - một quốc gia có chủ quyền, người dân được bảo đảm các quyền lợi chính đáng, hợp pháp, phù hợp với luật pháp quốc tế nói chung, Công ước quốc tế về quyền con người nói riêng.