Phụ huynh nên trò chuyện nghiêm túc với con về giới tính, dù ở bất kỳ độ tuổi nào. Theo HuffPost, một trong những bài học cơ bản cần truyền đạt cho trẻ nhỏ là tầm quan trọng của cơ thể và quyền tự chủ.
Dưới đây là lời khuyên của chuyên gia dành cho bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ.
Dạy trẻ dùng từ chính xác để chỉ bộ phận riêng tư
"Hướng dẫn nhận thức cơ thể là cuộc đối thoại sớm nhất mà phụ huynh có thể thực hiện để dạy con về sức khỏe và an toàn", nhà giáo dục giới tính Melissa Carnagey nói. Đó là nền tảng để trẻ phân biệt những đụng chạm cơ thể dựa trên sự đồng thuận và hành vi sai trái.
"Thông thường, không bố mẹ nào do dự khi sử dụng thuật ngữ chính xác cho các bộ phận cơ thể như khuỷu tay, đầu gối và mũi. Do đó, từ dương vật, tinh hoàn, âm hộ, âm đạo và hậu môn cũng không nên bị nói khác đi", Carnagey khuyên.
Trẻ cần biết từ chính xác để giao tiếp rõ ràng về cơ thể trong bối cảnh thích hợp. Chẳng hạn, khi cần giải thích cho bố mẹ hoặc bác sĩ chỗ bị đau và ngứa, trẻ sẽ không mô tả mơ hồ. Phụ huynh dễ dàng dạy trẻ cách giữ cơ thể sạch sẽ, bởi trẻ hiểu rõ khác biệt khi bố mẹ dặn rửa bộ phận cụ thể nào đó và một vùng cơ thể chung chung.
"Sử dụng các thuật ngữ chính xác còn giúp trẻ thoải mái nói về những thay đổi của cơ thể khi dậy thì", Carnagey bổ sung.
Vì ngại ngùng hoặc nghĩ không cần thiết, đa số phụ huynh dùng lối nói trại và từ ngữ đáng yêu để chỉ các bộ phận riêng tư. Điều này dẫn đến nhiều hậu quả khó lường.
Vấn đề ở đây là có rất nhiều từ thay thế và chúng có thể mang ý nghĩa khác. Nếu trẻ bị đụng chạm thiếu an toàn vào các bộ phận riêng tư và kể với bố mẹ, đôi khi bố mẹ sẽ không đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng và bỏ qua thông tin.
Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia giáo dục giới tính Lydia M. Bowers nhấn mạnh rằng "dương vật", "tinh hoàn", "âm hộ" hay "âm đạo" hoàn toàn không phải những từ xấu. Khi tránh nói những từ đó, người lớn vô tình truyền đạt thông điệp cho trẻ rằng một số bộ phận cơ thể là dơ bẩn, xấu xí hoặc đáng xấu hổ. Do vậy, khi gặp vấn đề với những bộ phận này, trẻ thường né tránh hoặc giấu nhẹm.
Thúc đẩy quyền tự chủ cơ thể trong tình huống hàng ngày
Carnagey khuyên phụ huynh nên tạo lập văn hóa gia đình, nơi mà ranh giới cơ thể của mọi người đều được tôn trọng. Bạn có thể bắt đầu bằng cách không ép buộc con ôm hay thơm người khác, luyện thói quen hỏi xin ý kiến: "Mẹ có thể ôm con một cái không?".
Những đụng chạm không thích hợp giữa anh chị em trong gia đình khi chơi đùa cũng không nên bị bỏ qua. Trong nhà Carnagey, mọi thành viên đều ý thức về ranh giới cơ thể của người khác, nhất định không để ai phải lặp đi lặp lại những câu như "không được" hoặc "dừng lại". Ban đầu, bố mẹ có thể nhắc nhở, nhưng khi đã thực hiện nhất quán một thời gian, trẻ sẽ tôn trọng cơ thể người khác hơn và kỳ vọng người khác tôn trọng cơ thể mình.
Quyền tự chủ cơ thể còn thể hiện qua những tình huống quen thuộc hàng ngày như trong giờ ăn. Khi một đứa trẻ nói rằng đã no hoặc ăn xong rồi, phụ huynh không nên ép con ăn thêm một thìa hay ăn cho sạch bát mới thôi, vì cơ thể trẻ đã thông báo không ăn tiếp nữa.
Bowers chỉ ra rằng bố mẹ có nhiều cơ hội dạy trẻ những bài học về cơ thể trong khi đọc sách hoặc xem phim. Bạn có thể đặt những câu hỏi như: "Hoàng tử có nên hôn công chúa khi cô ấy đang ngủ không? Cô ấy không thể nói đồng ý hay không".
Tuy nhiên, có những lúc bố mẹ không nên xin phép động chạm cơ thể của trẻ như khi thay tã, đưa trẻ đến bác sĩ để kiểm tra sức khỏe hoặc tắm cho trẻ nhỏ khi chúng chưa thể tự tắm.
"Nếu bạn hỏi một đứa trẻ, Mẹ có thể thay tã cho con được không? và nó trả lời Không, bạn còn hai lựa chọn. Hoặc là bạn vi phạm quyền đồng thuận của chúng, hoặc bạn mặc kệ chúng đeo tã bẩn, đó là mối nguy hiểm về sức khỏe và an toàn", Bowers giải thích.
Thay vào đó, bạn có thể vừa hành động vừa nói chuyện với trẻ: "Đã tới lúc thay tã rồi. Con đã tè và bây giờ mình cởi chiếc tã bẩn này đi nhé. Rồi mẹ sẽ dùng khăn để lau cho con...". Bạn vẫn có thể cho trẻ thấy rằng cơ thể chúng đáng được tôn trọng.
Một lưu ý không kém phần quan trọng khi giáo dục giới tính là hãy dạy trẻ tin tưởng vào bản năng. Bạn nên vận dụng khả năng nhạy bén của người làm cha mẹ, quan sát những thay đổi trong ngôn ngữ cơ thể của trẻ và đặt những câu hỏi như: "Con đang cảm thấy thế nào?", "Sao con lại cau mày thế? Có chuyện gì vậy, kể mẹ nghe được không?". Điều này sẽ giúp trẻ tăng nhận thức về cơ thể, cải thiện sự tự tin trong giao tiếp và sẵn sàng chia sẻ với bố mẹ những chuyện xảy ra hàng ngày.