(Baonghean.vn) - Làm việc trên những chiếc tàu 'khủng' không chỉ có thanh niên trai tráng, khỏe mạnh mà ngay cả những lão ngư trên 60 tuổi vẫn đang miệt mài với duyên nghiệp đi biển; nhiều gia đình có 3-4 thế hệ tiếp nối nghề của nhau.
Rất may mắn chúng tôi được gặp ngư dân Nguyễn Khắc Thìn (64 tuổi) ở thôn Phú Liên, xã Quỳnh Long khi tàu ông đang chuẩn bị xuất bến ra khơi đánh bắt hải sản. Với thâm niên đi biển lâu năm, ông được ví như một nhạc trưởng dẫn dắt ngư dân khai thác hải sản.
Là người chăm chút trong công việc, ông và các ngư dân đang khẩn trương sửa sang lại ngư lưới cụ, tiếp dầu để vươn khơi vào ngày mai bằng con tàu vây mang số hiệu NA 98666 có công suất 830 CV.
Trời nắng, mọi người nghỉ giải lao, ông Thìn có thời gian ngồi lại chia sẻ về những năm tháng gắn bó với biển cả. Hơn 40 năm đi biển, ông là người hiểu rõ hơn bất cứ ai về nghề đánh bắt hải sản, ngư trường và đặc tính mùa vụ. Tuổi cao, dày dặn kinh nghiệm nên mỗi khi ra khơi đánh bắt thì các ngư dân trên tàu đều nghe sự điều hành của ông một cách răm rắp.
“Những ngư dân trên tàu đều thuộc thế hệ con, cháu nên kinh nghiệm đi biển chưa có nhiều nên tôi phải hướng dẫn thêm. Bản thân mặc dù tuổi cao nhưng trời phú cho sức khỏe nên theo nghề được ngày nào hay ngày đó; vừa kiếm thêm thu nhập, vừa đào tạo thế hệ trẻ vươn khơi bám biển”. Ông Thìn chia sẻ.
Nói về quá khứ, cụ và cha thân sinh của ông Thìn cũng là người gắn bó với biển cả nhiều năm, họ từng tham gia công tác vận tải, vận chuyển lương thực từ Hải Phòng về Nghệ An, từ Hoàng Mai vào Diễn Châu, Hà Tĩnh trong thời gian kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hiện nay, người con trai út cũng được ông truyền lại nghề và đang tham gia đánh bắt trên tàu NĐ 67.
Không chỉ có ông Nguyễn Khắc Thìn, hiện nay trên địa bàn xã đang còn nhiều ngư dân cao tuổi vẫn tham gia đánh bắt hải sản. Mặc dù tuổi cao những họ vẫn say xưa với biển, coi biển là nhà, một ngày không ra biển thì nhớ vô cùng.
Ngư dân Nguyễn Bá Phương (57 tuổi) chia sẻ: Biết là khi ra biển đòi hỏi phải có sức chịu đựng, không đau ốm vặt, có thể thức trắng đêm và lao động với cường độ cao nhưng nghĩ đến thành quả là quên hết vất vả; đến lúc nào cảm thấy sức yếu mới cho phép bản thân nghỉ.
Với nhiều kinh nghiệm, trải qua 2 con tàu để bây giờ sở hữu chiếc tàu vỏ gỗ chung nhau đóng trị giá 6 tỷ đồng, ông Phương cảm thấy mãn nguyện về những nỗ lực của mình suốt hơn 30 năm qua. Hiện nay, ngoài trực tiếp khai thác xa bờ, ông Phương tranh thủ thời gian để truyền nghề cho người con trai kế cận nghề của cha sau này.
Ông Vũ Ngọc Chắt - Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Long cho biết, toàn xã có 170 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 115 chiếc đánh bắt xa bờ. Với hơn 2.000 lao động tham gia khai thác hải sản thì độ tuổi lao động từ 50 đến 60 trở đi chiếm 25 %; còn lại là lực lượng thanh niên và trung niên. Nhờ có đội tàu khai thác xa bờ, được sự dẫn dắt của những ngư dân cao tuổi, dày dặn kinh nghiệm nên 4 tháng đầu năm, tổng sản lượng hải sản toàn xã đạt khoảng 9.500 tấn, tăng 15 % so với năm ngoái.
Quỳnh Lưu là huyện có thế mạnh về khai thác thủy hải sản, với 1.275 phương tiện tập trung các xã biển Quỳnh Long, Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy, Sơn Hải.. bình quân sản lượng khai thác đạt từ 49.000 tấn - 50.000 tấn, doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm. Để có được thành quả trên, biết bao thế hệ ngư dân đã kiên trì bám biển, từng bước cải hoán, đóng tàu to máy lớn để khai thác xa bờ. Đặc biệt, là những lão ngư tuổi cao vẫn hăng say với nghề biển, họ vừa khai thác hải sản vừa dẫn dắt thế hệ trẻ tiếp nối nghề cha ông. Hiện nay có hàng trăm gia đình có 2-3 thế hệ cha truyền con nối một nghề khai thác hải sản. Qua đó, góp phần tăng sản lượng và doanh thu, đồng thời bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Việt Hùng