Những lãnh đạo xã 8x
Châu Thắng là một xã miền núi khó khăn, với 85% dân số là đồng bào dân tộc Thái, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo của địa phương còn ở mức cao, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ; lực lượng thanh niên có trình độ phần lớn đi làm ăn xa, không thường xuyên ở địa phương, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phát triển đảng viên của Đảng bộ xã Châu Thắng.
Thế nhưng, sau Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020, với đội ngũ Ban Chấp hành mới, trẻ, năng động, trong đó nổi bật là nữ cán bộ trẻ Lương Thị Chi (sinh năm 1981) - Phó Bí thư Đảng ủy xã Châu Thắng, đã có nhiều sáng kiến, cách làm hay trong việc tham mưu cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa nghị quyết vào cuộc sống, tạo ra phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, hiệu quả ở địa phương.
Để sâu sát với quần chúng nhân dân, đồng chí Lương Thị Chi đã trực tiếp đến tham dự các buổi sinh hoạt chi bộ tại 5 xóm, bản trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn, bồi dưỡng những quần chúng đủ điều kiện để kết nạp đảng. Đồng thời, tiếp cận từng cán bộ, đoàn viên các đoàn thể và nhân dân để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ từ đó giải quyết những vướng mắc ở cơ sở. Nhờ đó, từ năm 2015 đến nay, xã Châu Thắng đã kết nạp được 29 đảng viên mới vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.
“Phó Bí thư Đảng ủy Lương Thị Chi luôn gần gũi, nhiệt tình trên mọi công việc, nhờ đó mà cán bộ, đảng viên trong Chi bộ chúng tôi cũng như nhân dân luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận cao nên mọi nhiệm vụ, mục tiêu dần được hoàn thành”.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1986) bắt đầu đảm nhiệm cương vị Phó Bí thư Đảng ủy xã Châu Phong từ tháng 3/2016. Được đào tạo và trưởng thành khi còn là Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Bí thư Đoàn xã… nên đồng chí Dũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc tham mưu giúp Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ xã các vấn đề liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại địa phương, nhất là trong các vấn đề về định hướng, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Châu Phong là xã thuần nông với 97% đồng bào dân tộc Thái, đời sống kinh tế của người dân còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao. Vì vậy, ngay từ khi nhận nhiệm vụ mới bằng sự nhiệt tình, năng nổ và uy tín của mình, đồng chí Nguyễn Văn Dũng đã mạnh dạn đề ra những giải pháp, cách làm đột phá nhằm xóa đói giảm nghèo.
Cụ thể đồng chí đã thường xuyên tổ chức họp bàn và phân công mỗi chi bộ huy động nguồn lực trong cán bộ, đảng viên, nhân dân để đóng góp hỗ trợ tiền và con giống cho các hộ gia đình nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Theo đó, từ năm 2018 đến nay, các chi bộ đã giúp trên 15 hộ thoát nghèo, giúp 70 lượt ngày công cho các gia đình nghèo…
Miệng nói, tay làm, đồng chí Dũng còn phối hợp với phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông huyện định hướng, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế thông qua các mô hình vườn ao chuồng như trồng keo, nuôi bò, thả cá… phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng. Nếu như đầu nhiệm kỳ, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 12 triệu đồng/năm, thì đến nay tăng lên đến 24 triệu đồng/năm.
Bí thư Đảng ủy xã Châu Phong - đồng chí Lương Văn Hiệp cho biết, chính sự trẻ trung, nhiệt huyết và luôn chủ động của đồng chí Dũng nói riêng và nhiều cán bộ trẻ trong xã nói chung cùng với kiến thức được đào tạo từ chuyên môn đã góp phần giúp Châu Phong từng bước xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân.
Tăng cường quy hoạch, đào tạo nhân tố trẻ
Việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ có tâm huyết, có trình độ năng lực, dám nghĩ, dám làm để bổ sung cho lực lượng cán bộ trẻ kế thừa đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển địa phương trong giai đoạn mới là nhiệm vụ quan trọng. Xác định vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Châu đã ban hành Đề án 06/ĐA-HU ngày 28/10/2011 về đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ cơ sở.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Quỳ Châu - đồng chí Lang Văn Xuân, từ việc đẩy mạnh công tác đào tạo và bồi dưỡng, nhiều cán bộ trẻ đã thể hiện được năng lực trong công tác, có kiến thức, năng lực, kỹ năng công tác cơ bản đáp ứng yêu cầu, góp phần nâng cao hiệu quả công tác, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ huyện.
Tuy nhiên, do thực hiện tinh giản biên chế cũng như cơ chế tuyển dụng nhất định nên việc tiếp cận nguồn cán bộ trẻ hiện nay rơi vào tình trạng vừa thiếu - vừa thừa. Bởi có rất nhiều nguồn cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, chính quy nhưng không thể sắp xếp bố trí việc làm khiến cho việc thiếu nguồn cán bộ kế cận. Mặt khác, một số cán bộ trẻ lại thiếu kinh nghiệm thực tiễn, tính ứng dụng chưa cao, chưa phát huy hết khả năng của bản thân để đáp ứng với yêu cầu công việc.
Trong quy hoạch, cơ cấu, Quỳ Châu cơ bản đạt chỉ tiêu tỷ lệ cán bộ trẻ, chiếm 10 - 15%. Trong nhiệm kỳ này, huyện Quỳ Châu có tổng số 197 cán bộ, trong đó có 58 cán bộ trẻ có độ tuổi dưới 35 - 40.
Đồng chí Lang Văn Xuân cho biết, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, thời gian tới Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Châu tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, đơn vị nghiêm túc thực hiện rà soát, đánh giá cán bộ, qua đó kịp thời phát hiện được cán bộ trẻ, nhân tố điển hình để đưa vào quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá và sắp xếp sao cho phù hợp với năng lực, sở trường. Đồng thời, tiếp tục chú trọng đào tạo, bồi dưỡng toàn diện cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ vừa hồng vừa chuyên; thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động đảng viên, cán bộ lãnh đạo nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra...