Trước hết, là sự hồi hộp thấy rõ của HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam (ĐTVN), ông Park Hang-seo và dàn trợ lý Hàn Quốc bởi lá thăm có thể đưa Đội tuyển Hàn Quốc chung bảng với ĐTVN. Khi đó, ông Park Hang-seo sẽ dẫn ĐTVN “chiến đấu” ra sao với đội bóng quê hương trong 2 lượt trận, nhất là lượt trận tại Hàn Quốc, nơi trước đây ông từng giữ vai trợ lý của HLV trưởng Đội tuyển Hàn Quốc dự World Cup 2002 là ông Guud Hidding và thi đấu rất thành công.
Tất nhiên, với sự chuyên nghiệp “từ trong máu”, trước khi bốc thăm, ông Park Hang-seo dù đứng trước tình thế ngặt nghèo “thân này ví xẻ làm đôi” nhưng đã thẳng thắn trả lời báo chí rằng, ĐTVN dưới sự dẫn dắt của ông sẽ thi đấu tốt nhất có thể trước bất kỳ đối thủ nào, kể cả Hàn Quốc! Rốt cuộc, điều không mong muốn của ông Park và nhiều người đã không đến và tất cả đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi ĐTVN rơi vào bảng B cùng các đối thủ mạnh như Nhật Bản, Australia, A rập Saudi, Trung Quốc và Oman.
Điều đó giải tỏa cho đồn đoán và mong đợi lâu nay của nhiều người hâm mộ Việt Nam và cả Trung Quốc được đáp ứng là ĐTVN cùng bảng với Đội tuyển Trung Quốc! Lý do đơn giản và dễ hiểu là tuy đội tuyển quốc gia 2 nước láng giềng lâu nay chưa gặp nhau nhưng gần đây, U22 VN và U19 VN đều đã thắng đối thủ, trong đó U22 VN dưới sự dẫn dắt của chính ông Park Hang-seo thắng U22 Trung Quốc do Guud Hidding dẫn dắt ngay trên sân Vũ Hán với tỷ số 0-2 để rồi sau đó ông thầy nức tiếng người Hà Lan này đã bị sa thải.
Nhìn xa hơn một chút, năm 2000 tại Đà Nẵng, lứa cầu thủ U16 VN của Văn Quyến cũng đã thắng U16 Trung Quốc (2-1) tại VCK U16 châu Á. Và hiện tại, mặc dù Đội tuyển Trung Quốc đã thi đấu khá tốt ở vòng loại thứ 2 vừa qua nhưng dư luận nước bạn vẫn đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn trước năng lực thực sự của đội tuyển và rất vui là họ cũng háo hức, nóng lòng chờ cuộc gặp mặt giữa 2 đội ở vòng 3 như đông đảo người hâm mộ Việt Nam?
Tuy vậy, mọi việc sẽ nhanh chóng lắng dịu để ĐTVN nhìn lại mình ở kết quả thi đấu vòng 2, nhất là trận thua 3-2 trước UAE. Bởi ở vòng 3, theo bảng xếp hạng FIFA châu Á ngày 1/7, các đối thủ của ĐTVN đều xếp trên: Nhật Bản xếp số 1, Australia số 4, Arap Saudi số 6, Trung Quốc số 9, Oman số 11, còn Việt Nam số 14. Trong khi đó, nếu căn cứ vào đội UAE số 8 mà ĐTVN đã thi đấu khó khăn như thế nào thì sẽ rất dễ hiểu cả núi công việc đang chờ ĐTVN khi tới đây sẽ gặp lần lượt các đối thủ xếp thứ 1, thứ 4, thứ 6, thứ 9, thứ 11. Ngay cả hai đối thủ xếp gần ĐTVN là Trung Quốc (số 9) và Oman (số 11), nơi nhiều người hy vọng có điểm vẫn sẽ là cuộc vượt núi căng thẳng, khó lường và phần thuận lợi chắc chắn có rất ít cho ĐTVN.
Thuận lợi đó là nếu vòng đấu tổ chức theo thể thức sân nhà - sân khách thì ít nhất ĐTVN có chỗ dựa vững chắc từ sự ủng hộ của đông đảo cổ động viên nhà, thi đấu quen sân và các điều kiện tập luyện, ăn ở, đi lại. Hơn nữa, dù ĐTVN có quyền hy vọng thì mục tiêu đặt ra cũng không thể là một thứ hạng cao trong bảng, mà có thể là chiến thắng chính mình, tạo được kết quả hơn mong đợi, bằng cách tính từng trận một, tập trung cho một vài trận then chốt để trước hết có 1 điểm, thậm chí 3 điểm nếu thi đấu bùng nổ và may mắn.
Sẽ không để xảy ra chuyện “trèo cao, ngã đau” mà phải học bài học lịch sử rằng, ngay cả "ông kẹ" khu vực một thời là Đội tuyển Thái Lan 2 lần vào tới vòng 3 World Cup khu vực châu Á 2002 và 2018 cũng chỉ đón nhận sự vùi dập không thương tiếc của đối thủ để rồi sau đó cứ bước thụt lùi. Đó là khoảng cách không dễ vượt lên thu hẹp so với đối thủ hàng đầu trong ngày một, ngày hai của cả ĐTVN cũng như Thái Lan. Và cho dù có sự tranh luận khi lấy yếu tố lịch sử rằng, ĐTVN từ trước tới nay chưa từng thắng các đối thủ ở bảng B với việc ĐTVN thời ông Park Hang-seo hiện nay là một bộ mặt hoàn toàn khác, hay có thể tái diễn “kỳ tích Thường Châu” khi bộ khung này đang hiện diện ở ĐTVN thì vẫn không thể không biết người, biết ta để rồi nóng vội, đốt cháy giai đoạn và có thể làm hỏng mọi thứ.
Vì vậy, hãy xem đây là thắng lợi vượt bậc của ĐTVN khi là đại diện duy nhất khu vực tiến vào vòng 3 World Cup khu vực Châu Á; là cơ hội không thể tốt hơn để trui rèn bản lĩnh của các cầu thủ Việt Nam trên đường ra “biển lớn”, là cuộc tập dượt thực sự của những cầu thủ trẻ hướng đến mục tiêu xa hơn ở AFF Cup 2024, ở World Cup 2026.
Lúc này, trên con đường vạn dặm của môn thể thao vua, ĐTVN ở vòng 3 tới đây, sẽ có lúc biết thắng, cần phải thắng ở một, hai trận đấu trên sân Mỹ Đình chẳng hạn, có lúc phải biết thua mà thực chất biết thua lúc này là hợp lý và cần thiết để sẵn sàng làm nên chiến thắng từ ngày mai, ngày sau.