Thương mến tình đồng hương

Đã gần 50 trôi qua, ông Nguyễn Xuân Bá (SN 1935) trú tại phường Hưng Bình (TP. Vinh) vẫn nhớ như in lần đầu tiên được gặp Đại tướng Chu Huy Mân. Đó là thời điểm cuối năm 1975, ông Bá đang giữ chức vụ Phó Văn phòng Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, được Bí thư Tỉnh ủy Lê Sỹ Đồng giao liên hệ với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 để “xin” xe ô tô phục vụ công tác.

Vì trong chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, gần như toàn bộ Ngụy quân, Ngụy quyền cùng các loại phương tiện chạy về Đà Nẵng nên ở đây xe của địch bỏ lại rất nhiều. Ông Nguyễn Xuân Bá cùng một số cán bộ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên vào Đà Nẵng, đích thân đồng chí Chu Huy Mân – Chính ủy kiêm Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy Quân sự Khu 5 đón tiếp và trao đổi công việc.

Ông Nguyễn Xuân Bá kể về những kỷ niệm với đồng chí Chu Huy Mân. Ảnh: Công Kiên

Khi vừa gặp mặt, nghe ông Bá nói giọng Nghệ, đồng chí Chu Huy Mân liền hỏi: “Chú quê Nghệ An à?”, “Ở huyện nào vậy?”. Ông Bá liền đáp: “Thưa anh! Em quê Yên Thành ạ!”. “Mình quê Hưng Hòa, Hưng Nguyên đây!” - đồng chí Chu Huy Mân vui vẻ khi được gặp đồng hương. Hai người mỗi lúc càng trở nên thân thiết như anh em lâu ngày gặp lại…

“Trước đó, tôi không nghĩ anh Chu Huy Mân lại thân mật, cởi mở và nhiệt tình như vậy. Sau lần ấy, tôi và anh vẫn giữ liên lạc, thi thoảng gặp nhau tại hội nghị, anh vẫn thân mật và vui vẻ”, ông Bá nói.

Đồng chí Chu Huy Mân giữa núi rừng Khu V trong những năm chống Mỹ. Ảnh tư liệu

Về sau, ông Nguyễn Xuân Bá chuyển công tác về Tỉnh ủy Nghệ An, vẫn giữ chức vụ Phó Văn phòng. Đồng chí Chu Huy Mân được điều ra giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Trung ương, vị trí cao nhất là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1981 - 1986).

Mỗi khi về Nghệ An công tác và thăm quê, Đại tướng Chu Huy Mân thường chủ động cho mời đồng chí Phó Văn phòng Nguyễn Xuân Bá đến gặp gỡ, trao đổi tâm tình cũng như sắp đặt công việc. Mối quan hệ giữa hai người càng thêm gắn bó, thân tình.

Đồng chí Chu Huy Mân chỉ đạo việc tiếp quản Quân cảng Đà Nẵng ngay sau khi thành phố được giải phóng (ngày 30/3/1975). Ảnh tư liệu

“Tôi đã nhiều lần gặp và có nhiều kỷ niệm với Đại tướng Chu Huy Mân, nhưng có hai kỷ niệm không thể quên là lần tháp tùng anh về thăm quê Hưng Hòa và lần tôi bị đau, anh đích thân tìm đến nhà để thăm”. Một lần, khi đã giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, về làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, đồng chí Chu Huy Mân tranh thủ về thăm quê Hưng Hòa và báo cho Phó Văn phòng Nguyễn Xuân Bá để chuẩn bị. Biết rõ Hưng Hòa là vùng chiêm trũng, lúc ấy đường sá còn rất lầy lội, ông Bá chuẩn bị sẵn một đôi ủng. Khi xe dừng lại trên đê Hưng Hòa, đường phía trước ngập bùn lầy, ông Bá liền lấy ủng đưa cho Đại tướng. Lúc này, đồng chí Chu Huy Mân liền vỗ vai ông Bá rồi nói: “Tuyệt vời! Cảm ơn chú rất nhiều vì đã hiểu rõ quê của tớ, vùng quê luôn ngập bùn và đôi ủng luôn là vật quý!”.

- Ông Nguyễn Xuân Bá -

Lần khác, về Nghệ An công tác không thấy đồng chí Nguyễn Xuân Bá đi làm, Đại tướng Chu Huy Mân liền hỏi thăm mọi người và biết ông Bá bị đau, đang nghỉ ở nhà. Trưa hôm ấy, đang nằm nghỉ chợt nghe tiếng gõ cửa, bước ra mở, ông Bá chợt sững sờ khi người đứng trước mặt là Đại tướng Chu Huy Mân và các đồng chí thư ký, cận vệ.

Đại tướng nói: “Vào công tác, nghe tin chú bị đau, tôi sắp xếp đến nhà thăm”. Ông Nguyễn Xuân Bá thực sự xúc động không nói thành lời, bởi lẽ vị Đại tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước bận rộn bao công việc nhưng vẫn tìm đến nhà thăm mình khi bị đau…

Tình yêu thương qua từng lời dặn dò

Là cháu của Đại tướng Chu Huy Mân, ông Chu Huy Biên (SN 1952) có may mắn từng được gặp gỡ, chuyện trò với người chú ruột tài ba, đức độ của mình. Mỗi lần chú cháu gặp mặt, ông Biên luôn được Đại tướng nhắc nhớ về truyền thống của gia đình, dòng họ và của quê hương để bồi đắp niềm tự hào.

Ông Chu Huy Biên bên những tư liệu về người chú ruột - Đại tướng Chu Huy Mân. Ảnh: Công Kiên

Qua những lần gặp gỡ, ông Chu Huy Biên cảm nhận được ở Đại tướng Chu Huy Mân nỗi canh cánh với quê hương, nhất là những năm Đại tướng công tác ở Trung ương. Bởi lẽ, Hưng Hòa quê ông là vùng đất chiêm trũng, gần như năm nào cũng bị ngập lụt, đời sống người dân vô cùng khó khăn, vất vả, gần như lúc nào cũng đói khổ và thiếu thốn.

“Mỗi lần có việc ra Hà Nội, ghé thăm nhà chú, trò chuyện lần nào chú cũng hỏi tôi rằng: “Hưng Hòa quê mình dân đã đỡ đói khổ chưa con?”. Điều đó cho thấy chú tôi luôn luôn hướng về đồng bào và quê hương của mình, nơi đã sinh ra và lớn lên”.

- Ông Chu Huy Biên -

Đại tướng Chu Huy Mân cũng luôn hướng về tổ tiên, dòng họ và quan tâm, nhắc nhở con cháu ghi nhớ công đức của tổ tông. Khi đã nghỉ hưu, công việc thảnh thơi hơn, Đại tướng thường sắp xếp thời gian về thăm quê, thăm bà con họ hàng, xóm giềng. Cũng từ lúc nghỉ hưu và còn khỏe mạnh, hầu như năm nào Đại tướng cũng về vào dịp tế tổ, chung niềm vui với gia tộc, họ hàng và chuyện trò thân mật, ôn tồn cùng các thế hệ con cháu.

Bút tích lời dặn dò các con, cháu của Đại tướng Chu Huy Mân. Ảnh: Công Kiên

Hiện tại, ông Chu Huy Biên vẫn lưu giữ được bút tích lời dặn dò con, cháu của Đại tướng Chu Huy Mân viết năm 2004, khi bước sang tuổi 92 và trước lúc qua đời hơn 1 năm. Lời dặn dò của Đại tướng thể hiện rõ tình yêu thương và trách nhiệm với họ hàng và con, cháu trong đại gia đình.

Nhà tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân ở xã Hưng Hòa (TP. Vinh). Ảnh: Công Kiên

Lời dặn của Đại tướng có đoạn: “… Mỗi người phải có trách nhiệm với mọi người, đạo lý và chân thành là sức mạnh trong họ tộc ta và gia đình ta, phải thực sự đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau, chăm lo nuôi dưỡng các cháu, chắt sớm có chí hướng học tập tốt, nhân cách tốt và sức khỏe tốt, trở thành người có ích cho xã hội, gia đình và bản thân. Mỗi gia đình và mỗi người cần khuyến khích, phát huy những gì tốt đẹp mà tổ tiên, ông cha để lại, xây dựng gia đình văn hóa tốt đẹp và bền vững. Những điều đó là sự mong muốn của tuổi già”.