(Baonghean.vn) - Huyện Đô Lương có 5 khu tái định cư mới, trong đó có 3 khu người dân đã sinh sống. Những khu tái định cư mới có hạ tầng, nhà cửa khang trang, mới mẻ.
Ngay từ cây bàng ở quốc lộ 7A trên địa bàn xã Đặng Sơn, rẽ vào con đường bê tông khoảng 100m là đến khu tái định cư làng chài ở xóm 6, xã Đặng Sơn. Tại đây, những ngôi nhà mái ngói kiên cố, khá khang trang nằm sát nhau theo từng ô thửa.
Trước đây, người dân nơi này sinh sống quanh năm giữa sông nước nên họ mong ước một mảnh đất “cắm dùi”. Và rồi, giấc mơ lên bờ của 68 hộ dân làng chài ở xã Đặng Sơn đã trở thành hiện thực sau nhiều năm chờ đợi. Cuối năm 2012, số hộ dân vạn chài này chính thức có có nơi cư ngụ trên đất liền...
Bỏ lại quá khứ là nỗi lo thường trực mỗi khi mùa mưa bão đến, tương lai phía trước không đơn thuần là những ngôi nhà mới khang trang mà còn mở ra những cơ hội mới ở xóm mới bên dòng Lam Giang. Chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho bà con học nghề, xuất khẩu lao động. Hiện nay, phần lớn con em trong làng đã đi làm ở một số công ty may và điện tử ở Vinh, Bắc Ninh... Hàng tháng gửi tiền về chăm lo cho gia đình.
Đặc biệt, các cháu học sinh nơi đây đều được đến trường, nhiều cháu học rất giỏi, không còn lênh đênh sóng nước như trước kia. Nhà cửa của các hộ dân cũng khang trang dần lên với những vật dụng mới.
Nhiều hộ gia đình ở làng chài xã Đặng Sơn vẫn còn duy trì nghề đánh bắt cá truyền thống. Ông Chu Văn Lợi - Xóm trưởng xóm Tái định cư cho biết: “Nguồn thu nhập ở trên sông nước thì tùy theo hàng tháng, đến mùa tháng 2,3,4 thì trung bình mỗi hộ đánh được 7-8 yến cá/ ngày."
Ngoài khu tái định cư làng chài ở xã Đặng Sơn, khu tái định cư đê Cầu Dâu ở Thị trấn Đô Lương đã dần ổn định với cơ sở hạ tầng khá khang trang. Dự án này gồm có 2 khu tái định cư nhằm giải quyết cho 98 hộ dân của thị trấn ra khỏi vùng lũ lụt.
Trong đó khu tái định cư số 1 có quy hoạch 76 lô đất. Từ đầu tháng 4 năm 2015, đơn vị thi công đã bàn giao cho 76 hộ dân của Thị trấn. Hiện nay, khu tái định cư số 1 thuộc dự án đê Cầu Dâu huyện Đô Lương đã giải quyết cho các hộ dân khu vực ở xóm 1 thị trấn thoát cảnh ngập lụt hàng năm, từng bước ổn định đời sống vật chất và tinh thần.
Cuối năm 2012, để giải quyết nơi ở ổn định lâu dài cho 46 hộ dân thuộc xóm 10, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương phục vụ công trình trọng điểm khu di tích lịch sử Truông Bồn nằm trên địa bàn xã, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định giao cho UBND huyện Đô Lương làm chủ đầu tư để xây dựng khu tái định cư trên khuôn viên 2,3 héc ta nằm ngay phía Tây Bắc của Khu di tích lịch sử Truông Bồn với tổng số vốn hơn 20,3 tỷ đồng.
Sau 3 năm về nơi ở mới, hiện nay, cuộc sống người dân đã ổn định. Ông Nguyễn Trọng Toán, xóm trưởng kiêm Bí thư xóm 10 phấn khởi cho biết: “Đến hôm nay các hộ dân tại khu tái định cư đã có điện, có nước, có đường bê tông rộng rãi, lại gần khu di tích rất đẹp”.
Khu tái định cư được chia ra làm 4 dãy nhà, mỗi dãy khoảng hơn mười căn nhà, xếp hàng thẳng lối. Trong tương lai, nếu phát triển tốt, làng tái định cư Truông Bồn sẽ trở thành nơi buôn bán hàng lưu niệm, nơi phục vụ du lịch, ăn uống cho du khách.
Ngoài 3 khu tái định cư trên, ở Đô Lương đã và đang triển khai bàn giao mặt bằng cho nhân dân ở khu tái định cư Đại Sơn và khu tái định cư Cầu Dâu 2 ở Thị trấn Đô Lương.
Hầu hết người dân ở khu tái định cư đều hài lòng với nơi ở mới.
Lê Ngọc Phương