(Baonghean.vn) - Các cuộc chiến tranh trong tương lai sẽ diễn ra chớp nhoáng và được quyết định bởi các loại vũ khí hiện đại, trong đó có các tên lửa với sức hủy diệt lớn. Do vậy, sự thiếu vắng một hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả sẽ gây ra những tổn thất nặng nề đối với một quốc gia nếu bị tấn công bằng các tên lửa tầm xa, đạn đạo và thiết bị không người lái.

1. THAAD

images1845595_1.jpgHệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), được quân đội Mỹ chế tạo để bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Năm 2008, hệ thống THAAD chính thức đi vào phục vụ trong quân đội Mỹ. THAAD tiêu diệt mục tiêu theo phương pháp tiếp cận “hit to kill” (truy đuổi - tiêu diệt), có nghĩa rằng các tên lửa đánh chặn không mang đầu đạn hạt nhân và phá hủy các mục tiêu thông qua xung lực và động năng. Giai đoạn tiếp cận tên lửa đối phương, THAAD sử dụng module đánh chặn được trang bị đầu đạn tự dẫn hồng ngoại để truy theo mục tiêu. Tên lửa tiêu diệt mục tiêu bằng động năng từ vụ va chạm tốc độ cao, không sử dụng đầu đạn chứa thuốc nổ như tên lửa thông thường.

 2. S -300V

S- 300 là một loạt các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa đất đối không được sản xuất bởi Tập đoàn Công nghiệp Vũ khí Almaz của Nga. Nó là hệ thống phòng không tầng thứ ba của quân đội Nga, chống lại các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay chiến thuật, thay cho hệ thống "Ganef" SA-4 cũ. Hệ thống phòng thủ này có các tên lửa "GLADIATOR" với tầm chiến đấu tối đa khoảng 75 km và các tên lửa "GIANT" có thể chiến đấu với các mục tiêu cách xa 100 km và ở độ cao khoảng 32 km. Không giống như THAAD, hệ thống tên lửa S -300V mang đầu đạn hạt nhân để tiêu diệt mục tiêu.

 3. Antey 2500

Đây là một phiên bản nâng cấp của hệ thống S-300V hay còn được gọi là S - 300VM hoặc "Antey-2500". Nó được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu là các loại tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn ở phạm vi lên đến 2.500 km, các mục tiêu của nó là những tên lửa hành trình và tên lửa phóng từ không gian, máy bay chiến thuật và chiến lược cũng như vũ khí điều khiển chính xác.

 4. S-300PMU1/2

S-300PMU-1(Mỹ, NATO, định danh là SA-20A) được giới thiệu vào năm 1999, thường sử dụng hệ thống chỉ huy và điều khiển 83M6E, dù nó cũng tương thích với các hệ thống chỉ huy và điều khiển Baikal-1E và Senezh-M1E CCS cũ. Hệ thống 83M6E được tích hợp radar giám sát/phát hiện 64N6E (BIG BIRD). Radar kiểm soát bắn/nổ và dẫn đường là 30N6E, có thể kết hợp với một radar thám sát tầm thấp 76N6 và một radar thám sát ở mọi độ cao, 96L6E.

 5. Patriot Pac 1/2/3

Hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo PAC (Patriot Advanced Capability), gọi tắt là Patriot, được Mỹ phát triển để thay thế hệ thống Nike Hercules (là hệ thống phòng không tầm trung và tầm cao của Lầu Năm Góc) và thay thế hệ thống MIM - 23 Hawk (hệ thống phòng không chiến thuật tầm trung của quân đội Mỹ). Patriot sử dụng một hệ thống tên lửa đánh chặn và radar hiệu suất cao trên không tiên tiến. Patriot được chế tạo tại Redstone Arsenal ở Huntsville, Alabama, nơi mà trước đó đã phát triển hệ thống phòng thủ ABM (anti - Ballistic Missile) và các tên lửa Spartan và Sprint nằm trong hệ thống Patriot.

6. S - 400 

S-400 là hệ thống phòng thủ tên lửa thế hệ mới được Nga thiết kế để thay thế các loại S-200, S-300V, S-300PMU1, S-300PMU2. Được giới thiệu từ năm 1999, S-400 có khả năng bắn hạ tất cả các mục tiêu trên không, như máy bay chiến lược, chiến thuật, trinh sát…, đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung, chiến thuật… từ khoảng cách 400 km, độ cao 30 km và tốc độ tối đa của mục tiêu lên đến 4.800 m/giây. Đáng chú ý, S-400 có thể đánh chặn những tên lửa chiến lược có tầm bắn 3.500 km, gấp 3,5 lần so với tên lửa Patriot của Mỹ.

 7. Aegis (ACS)

Hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo Aegis (ACS) là hệ thống vũ khí hải quân được triển khai di động trên biển, do Cơ quan Radar mặt đất và tên lửa của Mỹ phát triển và hiện Tập đoàn Lockheed Martin sản xuất. Aegis được thiết kế để tiêu diệt các tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa bằng tên lửa đánh chặn SM-3 và đánh chặn tên lửa tầm ngắn bằng tên lửa đánh chặn SM-2. Thế hệ tên lửa SM-3 được thiết kế dựa trên phiên bản SM-2, có tầm bắn khoảng 500 km với độ cao khoảng 160 km, sử dụng các radar, hệ thống máy tính hiện đại cùng với hệ thống định vị vệ tinh (GPS) để điều chỉnh và định hướng tiếp cận mục tiêu.

 8.  Arrow

Hệ thống đánh chặn tên lửa Arrow do Tập đoàn hàng không vũ trụ Israel và hãng Boeing của Mỹ hợp tác sản xuất. Dự án Arrow ra đời vào năm 1986 và hiện nay chi phí phát triển được đồng minh thân cận của Israel là Mỹ tài trợ 50%. Hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow được thiết kế để đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo chiến thuật, đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và cả tên lửa đạn đạo liên lục địa ở độ cao lên tới 100 km.

 9. MEADS

Hệ thống tên lửa phòng không MEADS do các Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ cùng Tập đoàn MBDA của Đức và Italy hợp tác phát triển. Hệ thống MEADS cung cấp khả năng tác chiến vượt ra ngoài bầu khí quyển. Kết hợp các hệ thống radar, thông tin liên lạc đa quốc gia tạo nên một mạng lưới phòng không trên diện rộng, giúp các quốc gia trong chương trình đối phó hiệu quả với các mối đe dọa từ trên không như tên lửa chiến dịch - chiến thuật và tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của đối phương.

 10. Pantsir-S

Tổ hợp phòng không tầm ngắn Pantsir-S do Viện nghiên cứu thiết bị kỹ thuật KBP Tula của Nga nghiên cứu, chế tạo. Đây là tổ hợp phòng không tầm ngắn được đặt trên xe cơ động, tích hợp pháo và tên lửa phòng không. Loại tên lửa phòng không này có vận tốc 1300m/s, tầm bắn 20km, trần bắn tối đa 15km. Tên lửa được dẫn đường bằng vô tuyến, cùng lúc có thể theo dõi và ngắm bắn đồng thời nhiều mục tiêu. Mỗi tổ hợp Pantsir-S còn có 2 loạt tên lửa dự trữ, ngoài ra còn có thể sử dụng xe vận tải tên lửa đi kèm các tổ hợp.

 11. S-500

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 là phiên bản chất lượng cao của hệ thống S-400. S-500 có khả năng cùng lúc đánh chặn 10 quả tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn 3500 km. Riêng về độ cao và vận tốc đánh chặn thì S-500 đứng đầu thế giới. S-500 có khả năng bắn hạ các mục tiêu bay cao tới 200km, với vận tốc 7km/s. Ngoài ra S-500 còn có khả năng đánh chặn tất cả các loại tên lửa đạn đạo tầm trung, tầm ngắn cấp chiến dịch, chiến thuật, tên lửa hành trình siêu âm.

 12. Boeing YAL -1

YAL-1 là loại vũ khí laser năng lượng cao hay còn được gọi là hệ thống vũ khí laser đường không (Airborne Laser-ABL). YAL-1 do Tập đoàn Boeing của Mỹ nghiên cứu và chế tạo. YAL-1 có khả năng tiêu diệt các tên lửa đạn đạo chiến thuật, như loại tên lửa Scud ngay sau khi chúng rời bệ phóng. YAL-1 phóng ra một luồng ánh sáng có năng lượng cao (laser) chiếu vào tên lửa đang bay trên không trung, tia sáng này sẽ đốt nóng tên lửa và khiến tên lửa phát nổ trước khi chúng lao vào mục tiêu. Toàn bộ quá trình tiêu diệt một tên lửa chỉ mất khoảng từ 10-12 giây.

 Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN