Thí điểm đấu giá bằng bỏ phiếu kín
Tại Quỳnh Lưu, để thí điểm, huyện chọn Quỳnh Tân và Quỳnh Thuận là 2 xã đại diện cho 2 vùng miền núi và bãi dọc ven biển của huyện để triển khai. Tại xã Quỳnh Tân, đợt bỏ phiếu ngày 1/6, huyện đưa 40 lô ra bán đấu giá gián tiếp, qua đó bán được 35 lô, còn 4 lô không bán được và 1 lô không có người mua.
Ông Hồ Minh Mậu – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tân phấn khởi: So với trước đây, phiên đấu giá theo hình thức bỏ phiếu kín và gián tiếp lần này yên bình và nhẹ nhõm hơn. Các “cò đất” không còn tác oai, tác quái, gây nhiễu loạn như trước đây, tỷ lệ người dân trong xã có nhu cầu mua được đất nhiều hơn.
Cán bộ đấu giá đất và đại diện chính quyền địa phương, người dân trực tiếp kiểm phiếu và công bố kết quả đấu giá đất tại xã Quỳnh Thuận. Ảnh: Lê Nhung
Tương tự, tại xã Quỳnh Thuận, đợt này đưa 22 lô đất ra bán. Với vị trí khá thuận lợi và làm tốt công tác tuyên truyền nên phiên đấu giá theo hình thức mới những diễn ra khá tốt đẹp. Trong số 76 hồ sơ đăng ký mua đấu giá đất được đưa ra bán ra, qua đấu giá, huyện bán được 19 lô, lô còn lại 3 lô chưa có người mua.
Cùng với Quỳnh Lưu, Diễn Châu đã tổ chức thành công bán đấu giá đất theo hình thức gián tiếp tại 5 xã Diễn An, Diễn Lợi, Diễn Xuân, Diễn Tân và Diễn Phúc. Kết quả đã bán được 51 lô đất, giảm hẳn tình trạng cò đất “vây” người bỏ phiếu trước đây, bình quân số tiền mua đấu giá đất tăng 20% so với trước đây. Ông Phan Xuân Vinh – Phó Chủ tịch UBND huyện đánh giá: Hình thức đấu giá đất mới này đem lại hiệu quả rất tốt, tiền vào ngân sách tăng lên và đất được đến được tay người dân có nhu cầu; tình trạng cò đất mồi chài, ép buộc người dân giảm hẳn.
Tiếp tục triển khai và rút kinh nghiệm
Bên cạnh những ưu điểm trên, từ thực tế tìm hiểu đấu giá đất gián tiếp tại địa bàn Quỳnh Lưu, chúng tôi cũng nhận thấy một số điểm cần tiếp tục nghiên cứu để chỉnh sửa để việc đấu giá đất tốt hơn.
Thứ nhấtlà quy định bảo mật thông tin hồ sơ đấu giá đất. Theo quy định thông tin hồ sơ đấu giá đất được lưu theo chế độ mật. Tuy nhiên, do quy định người tham gia đấu giá đất phải đăng ký với đơn vị đấu giá sẽ đấu lô đất nào trước khi bỏ phiếu nên vô tình tạo kẽ hở để “cò đất” biết để mặc cả, dàn xếp với người mua. Trên thực tế tại Quỳnh Thuận, dù đấu giá theo hình thức mới nhưng vẫn còn tình trạng các cò đất chuyên nghiệp tìm đến từng người đăng ký để dàn xếp về mức giá, nếu không sẽ phải mua với giá cao...
Tổ giám sát của tỉnh đánh giá rút kinh nghiệm bước đầu sau phiên đấu giá theo hình thức mới tại huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Lê Nhung Mặt khác, từ kết quả đấu giá đất tại Quỳnh Tân và Quỳnh Thuận cho thấy, ngoại trừ một số lô đất đấu tăng giá khoảng 16% so giá giới điểm nhà nước quy định thì việc vẫn còn khá nhiều lô đất sau khi đấu giá chỉ nhích từ 1 đến 3 triệu đồng, thậm chí có lô chỉ chênh dăm trăm ngàn là không bình thường. Trên thực tế, để có được lô đất như mong muốn, một số người mua đất vẫn phải mất tiền cho cò và điều này đồng nghĩa với thất thoát cho ngân sách.
Việc nhiều lô đất sau đấu giá chênh lệch chỉ vài ba triệu đồng so với giá khởi điểm là chưa thật sự bình thường. Mặc dù chưa thể kết luận có dàn xếp hay không nhưng tình trạng này tiếp diễn thì mục đích hạn chế “cò đất” vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Ông Trần Ngọc Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thuận
Để giải quyết tình trạng này, nên chăng tỉnh cần nghiên cứu theo hướng chỉnh sửa quy định người mua đấu giá đất không cần đăng ký mua lô đất cụ thể với Công ty đấu giá và được quyền bí mật ghi thẳng vào phiếu kín, bỏ vào thùng để mở công khai tại buổi mở đấu giá, ai đặt cao nhất sẽ thắng.
Bất cập thứ hailà quy định về mức tiền đặt cọc. Luật đấu giá quy định khi đấu giá đất, người mua nạp tiền đặt cọc từ 5% đến tối đa là 20% giá trị khởi điểm lô đất. Tại Nghệ An, UBND tỉnh quy định người tham gia đấu giá đất nạp 20% giá trị lô đất theo giá khởi điểm. Tuy nhiên, do tính phần trăm tiền đặt cọc nên thông tin về đặt mua lô đất dễ lộ nên một số lãnh đạo xã kiến nghị nên sửa quy định mức đặt cọc chung là 100 hoặc 200 triệu đồng, không phân biệt giá trị lô đất để người tham gia đấu giá đất dễ lựa chọn. Người nào đấu giá đất không thành công đều được trả lại đầy đủ.
Cuối cùng là quy định về cơ quan đấu giá: Hiện nay, theo quy định mới (từ 1/7/2019) thì đấu giá là lĩnh vực chuyên biệt, các doanh nghiệp tham gia phải có đầy đủ điều kiện theo quy định, nhưng thực tế hiện nay có doanh nghiệp vừa làm tư vấn thiết kế, xây dựng hạ tầng cho khu đất mang ra đấu giá, sau đó lại ký hợp đồng với huyện đứng ra tổ chức bán đấu giá nên gây ra không ít băn khoăn nghi ngại cho người dân về tính khách quan và bảo mật thông tin.
Phóng viên trao đổi với ông Bùi Thái Thọ - Trưởng phòng Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp về đánh giá kết quả bước đầu triển khai đấu giá đất theo hình thức gián tiếp. Ảnh: P.V Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Hữu Hưng - Trưởng phòng Tư pháp huyện Quỳnh Lưu thừa nhận: Doanh nghiệp đăng ký trước đây có thể đăng ký nhiều lĩnh vực và việc một doanh nghiệp đứng ra làm hạ tầng sau đó làm làm đấu giá cũng có thể. Hạn chế này từ ngày 01/7/2019 sẽ không còn và để hoạt động trong lĩnh vực đấu giá thì doanh nghiệp sẽ buộc phải lựa chọn để chuyển đổi, nếu kinh doanh đấu giá thì không còn lĩnh vực tư vấn quy hoạch và làm hạ tầng các khu đất đấu giá nữa.
Ông Bùi Thái Thọ - Trưởng phòng Bổ trợ Tư pháp, Tổ phó Tổ giám sát liên ngành của về hình thức bán đấu giá đất gián tiếp phiếu kín cho biết, Trong số 6 huyện, thành, thị được tỉnh chọn thí điểm năm 2019, có 3 huyện là Nam Đàn, Diễn Châu và mới đây là Quỳnh Lưu đã triển khai. Kết quả bước đầu cho thấy hình thức mới đã giải quyết được vấn đề cơ bản là an toàn, trật tự cho các phiên đấu giá, hiện tượng “cò đất” lộng hành, náo loạn các phiên đấu giá địa phương giảm hẳn; người dân có nhu cầu mua đất đã mua được đất mình cần góp phần làm giảm áp lực cho các địa phương.
Tuy nhiên, do hình thức đấu giá đất gián tiếp bằng phiếu kín là 1 trong 2 hình thức đấu giá mới được bổ sung theo Luật Đấu giá năm 2017 nên khi triển khai khó tránh khỏi một số bất cập phát sinh.
Ông Bùi Thái Thọ
Ông Thọ cho hay, thời gian tới, các địa phương được chọn sẽ tiếp tục triển khai đấu giá theo hình thức này và Tổ sẽ tăng cường giám sát, tiếp thu các ý kiến đóng góp, nắm bắt thông tin nhiều chiều để đánh giá, tổng hợp để kiến nghị, trình UBND tỉnh nhằm tiếp tục hoàn thiện quy chế đấu giá đất theo hình thức này./.