Nguyễn Trọng Tạo: Những vần thơ vượt thời gian

Từ đất làng Tràng Khê (Diễn Hoa - Diễn Châu), Nguyễn Trọng Tạo lớn lên trong không gian thấm đẫm hồn đất, hồn lúa của cả một vùng quê cổ kính. Nơi đó, cái quạt mo, ánh trăng, đường làng và ngai ngái mùi rơm rạ xóm thôn đã đi dài theo cuộc đời của người nghệ sỹ đa tài cầm-kỳ-thi-họa. Cứ như thế, Nguyễn Trọng Tạo trải qua hơn 60 năm sóng gió và đầy trải nghiệm của mình với những vần thơ đầy tính dự báo khắc khoải, bay qua thời gian về lẽ đời được mất.

788309_small_89183.jpg

Khi viết lời tựa cho tập thơ “Đồng dao cho người lớn”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã mệnh danh Nguyễn Trọng Tạo là “kẻ ham chơi”. Như chính nhà thơ đã tâm sự: “Đời tôi cũng phiêu dạt lênh đênh. Nhưng trên hết là công việc. Có khi tôi nghĩ, chơi cũng là một việc khó đó thôi…”. Cái sự “trên hết là công việc” đã tạo nên một Nguyễn Trọng Tạo nhà thơ, nhạc sỹ, nhà báo, họa sỹ vẽ bìa sách. Ông là tác giả của những tập thơ, trường ca như Đồng dao cho người lớn, Nương thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc), Những bài hát Làng Quan Họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang, tác giả Biểu tượng Ngày thơ Việt Nam, Cờ thơ... Ông từng là Trưởng Ban Biên tập báo Thơ, thuộc báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) từ 2003-2004. Nhà thơ đã sáng tác bài thơ đầu tiên năm 14 tuổi, sáng tác bài hát đầu tiên năm 20 tuổi. Xuất bản tập thơ đầu tiên (Tình yêu sáng sớm, in chung cùng Nguyễn Quốc Anh) năm 1974. Đến năm 2008, Nguyễn Trọng Tạo đã xuất bản gần 20 đầu sách gồm thơ, văn, nhạc, phê bình, tiểu luận; đoạt 14 giải thưởng văn học nghệ thuật từ năm 1969 cho đến bây giờ. Đặc biệt, năm 2012, ông đã được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với tập thơ Đồng dao cho người lớn và Trường ca Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc).

Nguyễn Trọng Tạo tâm sự về mối nhân duyên đến với nghệ thuật: “Đã gọi là duyên thì nó là tự nhiên, nhân duyên là chuyện của giời”. Bài thơ đầu tiên của tôi năm 14 tuổi, giọng thơ già như người lớn (Bạn ơi trăng quá ngây thơ/ Còn tôi cằn cỗi, già nua thế này/ Bao giờ tôi hóa làn mây/ Hẳn tôi muôn thuở sum vầy cùng trăng…). Năm 16 tuổi, tôi vẽ “tranh bờ Hồ” cùng bạn đi bán tận chợ Vinh, chợ Giát nên mới có câu thơ ghi lại chuyện này “Những bức tranh sơn thủy đầu tiên/ đã chiêu đãi chúng tôi quýt cam và bánh mì/ Đêm no nê nhìn phố xá trăm màu/ tối tìm chỗ ngủ lang thang nhớ mẹ”. Khi 18 tuổi cũng viết  một bài hát cho đội văn nghệ xã tham gia hội diễn huyện, bài “Sóng sông Bùng”. Cũng năm đó, tự làm một chiếc đàn violon, và từng chơi cây đàn này trong buổi chào cờ của Trường cấp 3 Diễn Châu 2 thời Mỹ ném bom miền Bắc. Trước khi vào lính, bắt đầu ghi nhật ký bằng thơ vào sổ tay, được nhà thơ Trần Hữu Thung mời tiếp nhà thơ Phùng Quán một đêm trắng ở quê, uống rượu và đọc thơ. Được 2 nhà thơ khuyến khích làm thơ, và chép cho anh Trần Hữu Thung ba bốn bài, anh ấy đưa vào một cuộc thi ở tỉnh và được giải thưởng”.

Cuối năm 2011, nhà thơ ra mắt tập sách “Nguyễn Trọng Tạo - Thơ và trường ca”. Tuyển tập gồm 296 bài thơ và 2 trường ca này được xem là những gì tiêu biểu nhất của trong sự nghiệp thơ ca của cuộc đời Nguyễn Trọng Tạo đầy sóng gió. Nhà thơ chia sẻ, ông đã tự mình lựa chọn các tác phẩm để đưa vào cuốn sách này và có thể coi đó là những tác phẩm tiêu biểu nhất, đánh dấu một chặng đường sáng tác đầy say mê và trách nhiệm của nhà thơ xứ Nghệ kể từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đến sau đổi mới và cho tới ngày hôm nay. Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Nguyễn Đăng Điệp nhận định: “Nguyễn Trọng Tạo thực sự là người có những đóng góp đáng quý trong quá trình đổi mới thơ ca. Trong những thi phẩm xuất sắc của mình, ông đã ngộ ra được lẽ sống của thơ là sự đổi mới không ngừng. Chính vì thế mà ông trở thành một gương mặt sáng giá trong đội ngũ những nhà thơ mấy thập niên qua”.
Trần Hải

PGS. TS. Nhà giáo ưu tú Phan Mậu Cảnh: “Dân ca phải có sức sống tự nhiên và đi vào các tầng lớp xã hội”

Sinh ra ở mảnh đất Can Lộc – Hà Tĩnh, nhưng trong hơn 30 năm công tác, Nhà giáo Ưu tú Phan Mậu Cảnh lại có nhiều cống hiến cho mảnh đất xứ Nghệ.  Trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau như giảng viên khoa Ngữ Văn – Trường Đại học Tổng hợp Huế; Phó Trưởng khoa Ngữ Văn – Đại học Vinh, và từ năm 2010 đến nay là Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ Trường Cao đẳng VHNT Nghệ An, nhưng với Nhà giáo Ưu tú Phan Mậu Cảnh, niềm vui lớn nhất là được đứng trên bục giảng, được truyền dạy những áng văn thơ cháy bỏng tới các thế hệ học sinh, sinh viên.



 Các thế hệ thầy cô giáo, học sinh chúc mừng Nhà giáo Ưu tú Phan Mậu Cảnh.

Bên cạnh trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn các đề tài luận văn cao học chuyên ngành lý luận ngôn ngữ, Nhà giáo Ưu tú Phan Mậu Cảnh còn dành rất nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu khoa học. Đến nay ông đã có 49 bài báo khoa học, trong đó có gần 40 bài đã công bố như “Về việc dạy ngữ pháp văn bản trong chương trình tiếng Việt phổ thông”, “Về lịch sử việc giữ gìn và bảo vệ tiếng Việt”... các tập sách về “Ngôn ngữ học văn bản”, “Ngữ pháp tiếng Việt”, “Từ địa phương Nghệ Tĩnh”... và các đề tài khoa học cấp bộ: “Một số đặc trưng văn hóa Việt Nam thể hiện qua ca dao người Việt”, “Phân tích và xây dựng đoạn văn trong văn bản” và hiện nay ông đang thực hiện Đề tài “Dân ca và việc đưa dân ca vào dạy học tại Trường Văn hóa Nghệ thuật”.

Khi chúng tôi hỏi: “Nguyên cớ nào để thầy thực hiện đề tài đưa dân ca vào giảng dạy tại Trường Văn hóa Nghệ thuật?”. Ông cho biết: “Bảo tồn và phát huy Dân ca xứ Nghệ, bảo tồn phát huy văn hóa các dân tộc miền Tây Nghệ An là những vấn đề mà thời gian gần đây tôi rất trăn trở. Để Dân ca xứ Nghệ vào đời sống người dân lao động, vào đời sống các thế hệ một cách bền vững không phải ngày một, ngày hai mà làm được, chúng ta phải có lộ trình, biện pháp cụ thể, quyết liệt, dài hơi. Mặc dù thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ, nhất là thời điểm này chúng ta đang từng bước hoàn chỉnh hồ sơ trình UNESCO công nhận Dân ca xứ Nghệ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng trong xu thế hội nhập, sức sống của dân ca đang bị thách thức nghiêm trọng. Tôi đang mong muốn, ấp ủ nghiên cứu đưa dân ca vào giảng dạy tại các trường cao đẳng, đại học nói chung và Trường VHNT nói riêng để bồi dưỡng, đào tạo những thế hệ học sinh, sinh viên tiếp thu một cách bài bản về giá trị tinh hoa của Dân ca xứ Nghệ. Chính các trường học sẽ là nơi đào tạo ra các diễn viên dân ca. Dân ca phải có sức sống tự nhiên, không chỉ tồn tại trên sân khấu, trong sách báo mà phải đi vào các tầng lớp xã hội, đặc biệt trong các nhà trường.

Hiện nay, bên cạnh đào tạo các sinh viên nghệ thuật khác thì việc đào tạo sinh viên dân ca rất được nhà trường quan tâm. Tuy nhiên, phải nói rằng, hiện số lượng sinh viên học dân ca còn quá thấp. Thời gian qua, nhà trường đã có một số giải pháp như: trực tiếp đi đến các vùng, miền để tuyển chọn những em có niềm đam mê dân ca, có năng khiếu dân ca. Ngoài ra còn phối hợp với Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ mời các thính giảng là các nghệ nhân, đổi mới giáo trình. Thời gian tới, trường cũng sẽ kiến nghị với tỉnh cần có cơ chế cụ thể cho các em học chuyên ngành truyền thống, trong đó có dân ca, ví dụ như bao cấp hoàn toàn cho các em để khuyến khích, bố trí việc làm thích hợp cho các em khi ra trường...”.
Thanh Thủy

Bác sỹ Trần Đình Thông: Thầy thuốc của làng

Một sáng đầu năm, gió rít, trời lạnh căm căm, sau buổi giao ban đầu ngày, bác sỹ Trần Đình Thông bước qua khoảng sân nhỏ của Trạm Y tế xã Diễn Vạn (Diễn Châu), đến từng phòng bệnh thăm khám cho bệnh nhân. Xong đâu vào đó, ông vội vã về phòng khám cho bệnh nhân đang chờ. Thấy tôi có vẻ bất ngờ, chị y tá cười bảo: “Tuy là trạm y tế xã nhưng bệnh nhân đến khám nhiều lắm! Bác sỹ phải làm cật lực đến hơn 10 giờ sáng mới vãn người. Hôm nào cũng vậy”. Mấy chục năm nay, tất cả các gia đình ở xã Diễn Vạn, có khi là cả mấy thế hệ trong một gia đình đều do một tay ông theo dõi, chăm sóc sức khỏe. Trong số hơn 7.000 nhân khẩu của xã, ông nắm rõ sức khỏe từng người, cho nên hễ có chuyện gì bà con lại lục tục lên trạm xá tìm bác sỹ Thông.



Sinh năm 1958, lớn lên ở quê nghèo Diễn Vạn, là con một của gia đình có cha làm bác sỹ, hình ảnh người cha mỗi kỳ nghỉ, tranh thủ về nhà thăm vợ con ở quê lại được dân làng đến nhờ chữa bệnh đã để lại trong Trần Đình Thông ấn tượng mạnh về nghề thầy thuốc. Niềm đam mê nghề y cũng lớn dần lên trong ông sau mỗi lần theo cha khám bệnh. “Cha tôi bảo, con phải đi học nghề y và về địa phương làm việc để giúp bà con”, bác sỹ Thông nhớ lại. Chỉ từng ấy câu chữ đã gắn kết cả cuộc đời ông với nghề, với mảnh đất quê hương như một định mệnh.

Thi đậu vào Trường ĐH Y Thái Bình, tốt nghiệp ra trường, nhiều cơ hội làm việc ở những đô thị lớn sẵn sàng chờ đón, nhưng nghe lời dặn của cha, ông cầm tấm bằng bác sỹ về làm việc ở trạm xá quê hương. Thấm thoắt, ông gắn bó với trạm xá trên quê nghèo cũng đã được mấy chục năm. Những ngày đầu cơ sở vật chất thiếu thốn, điều kiện làm việc còn khó khăn, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Thương người nông dân lam lũ, một nắng hai sương, ông không nề hà giờ giấc, thời tiết. Bao năm trong nghề, trăn trở lớn nhất là làm sao trạm xá xã cũng có thể chữa bệnh cho bà con nhân dân, để giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên. Năm 2006, ông nghiên cứu Đề tài: “Quản lý sức khỏe tại nhà bằng hệ thống tin học” và áp dụng ở xã. Nhờ đó, hàng năm hơn 7.000 nhân khẩu của xã được khám kiểm tra sức khỏe định kỳ. Ông cho biết: “Toàn bộ số liệu về tình hình sức khỏe được tổng hợp vào máy tính, từ đó đánh giá được mô hình bệnh tật trên địa bàn xã và có biện pháp chăm sóc sức khỏe cho bà con”.

Hiện nay, Trạm Y tế xã Diễn Vạn có 8 y bác sỹ với đủ chuyên ngành: y học cổ truyền, kỹ thuật xét nghiệm, hộ sinh…Về phương tiện, trạm xá được trang bị máy siêu âm, chụp X- quang, máy xét nghiệm sinh hóa… “Nhờ được đầu tư đồng bộ nên bệnh xá đã có thể điều trị các bệnh nội khoa, nhi, sản, lây. Còn ngoại khoa và các bệnh phức tạp mới phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên”, bác sỹ Thông cho biết.

Với những kết quả đã đạt được,  Diễn Vạn là xã đầu tiên của tỉnh  Nghệ An được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Trạm Y tế xã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới vào tháng 12/2009. Cá nhân bác sỹ Trần Đình Thông nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Nhưng, điều lớn lao nhất đem lại trong suốt quá trình làm nghề là tình cảm của hàng ngàn bà con dân quê nghèo. Họ tin yêu tài năng và cảm mến y đức của người bác sỹ và cũng là người con của làng.
Thành Duy

GS.TS Đinh Văn Nhã: “Tôi thừa hưởng từ quê hương đức ham học, chịu thương, chịu khó”



Sinh năm 1948 trong một gia đình hiếu học ở Quỳnh Lộc (Quỳnh Lưu), Đinh Văn Nhã trở thành tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam ở lĩnh vực điều khiển tự động trong xây dựng sau khi lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Moscow vào năm 1975. Ông là người tiên phong trong tiếp thu và nghiên cứu công nghệ trong khá nhiều lĩnh vực như: sản xuất bia, nước giải khát, sữa chua, tự động hóa xây dựng, sản xuất xi măng, xử lý chất thải rắn, chế biến nông sản và thực phẩm, tiết kiệm năng lượng và tìm kiếm nguồn năng lượng mới. Ông từng giành các giải Nhất: Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam (VIFOTEC - năm 2000 và 2004), Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ (2005) và Giải thưởng WIPO của Liên Hợp Quốc dành cho công trình sáng tạo xuất sắc nhất vào năm 2005. Hội đồng các nhà khoa học của EU - 27 nước châu Âu và 10 nước Đông Nam Á (EU - SEA NET MAPPING STUDY) trao tặng ông danh hiệu “Nhà khoa học công nghệ xuất sắc Đông Nam Á” vào năm 2009. Huân chương Lao động hạng Ba (2009), Huy chương Vì Sự nghiệp KHCN (2001), Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục (2006), Huy Chương Vì sự nghiệp Sáng tạo KHCN Việt Nam, Huy chương Lao động sáng tạo…

Ông chia sẻ: “Quê hương Quỳnh Lưu cho tôi thừa hưởng cái đức ham học, chịu thương, chịu khó. Người mẹ tảo tần dạy cho tôi tính cần kiệm, vị tha. Cha tôi là một nhà thơ, truyền cho tôi những ý tưởng sáng tạo. Trong nghiên cứu khoa học, sáng tạo là yếu tố quan trọng bậc nhất để đem đến thành công. Nhưng muốn sáng tạo thì phải có kiến thức chuyên môn vững vàng và kinh qua thực tế rèn luyện”.

Trong suốt quá trình công tác của mình, ông đã chủ trì, đồng chủ trì và tham gia hơn 500 hợp đồng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho cả nước, công bố hơn 60 bài báo khoa học, 16 công trình nghiên cứu khoa học các cấp, giảng dạy hàng nghìn sinh viên và hướng dẫn hàng trăm kỹ sư, 14 thạc sĩ và nghiên cứu sinh, tiến sĩ. Những công trình nghiên cứu của ông tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho đất nước, tạo điều kiện cho người dân thụ hưởng các loại đồ uống, thực phẩm với giá rẻ nhất thế giới. Vào tháng 6/2012, Viện Tiểu sử Mỹ phong tặng ông Huy chương Vàng “1.000 Trí tuệ vĩ đại thế kỷ 21”, Giáo sư danh dự, và Huân chương Đại sứ Quốc tế vì những cống hiến xuất sắc cho cộng đồng thế giới vào tháng 8/2012. Trung tâm Tiểu sử Quốc tế Cambridge tại Anh cũng trao tặng ông Huy chương Vàng “2.000 nhà trí thức nổi tiếng thế kỷ 21” và Huy chương “Thành tựu xuất sắc”.

Hiện nay, GS, TS Đinh Văn Nhã đang đảm nhận vai trò Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Đào tạo Omega, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Cơ nhiệt Điện lạnh Bách Khoa (Polyco Group), Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng Thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam. Về quê hương tham gia “Gặp mặt trí thức, văn nghệ  sỹ tiêu biểu người Nghệ được tặng giải thưởng, danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước đang sinh sống ở mọi miền đất nước” do UBND tỉnh tổ chức, GS, TS Đinh Văn Nhã chia sẻ cảm xúc: “Khi nhận được lời mời tham dự buổi gặp mặt ý nghĩa này, tôi thực sự xúc động. Truyền thống trọng tài, trọng nghĩa của quê hương sẽ là nguồn động viên lớn để những người Nghệ xa quê như chúng tôi tiếp tục cống hiến, đóng góp và cần có trách nhiệm hơn nữa với quê hương...”.


Duy Nam