(Baonghean.vn) - Không khó để điểm lại những tai nạn sân cỏ mà SLNA phải đứng ra gánh hậu quả, tai tiếng từ những vụ việc của Đình Đồng, Ngọc Hải, Nguyên Mạnh. Tất cả những bài học trước đó đều đã phải trả những cái giá quá đắt. Lần này, đáng buồn hơn khi người mắc lỗi không phải là một người trẻ, mà là một cầu thủ thuộc diện “đàn anh" tại đội bóng xứ Nghệ.
Dư luận, khán giả nước nhà đa phần cho rằng SLNA là một môi trường bóng đá có phần tiêu cực, với tràn lan những hành vi bạo lực trên sân cỏ. Đó có thể là một sự quy chụp nhưng cũng là một góc nhìn của người xem. Bởi, trong lúc những hành vi không đẹp trên sân diễn ra tràn lan, ngay bản thân các cầu thủ xứ Nghệ cũng không nằm ngoài số đó. Thậm chí, cái tiếng “chém đinh chặt sắt” của SLNA lại khiến họ trở thành búa rìu của dư luận, trở thành chủ đề nóng và nghiễm nhiên trở thành nạn nhân không thương tiếc từ những án phạt điểm.
Bài học và cái giá mà SLNA phải trả cho những sai lầm nói trên là quá đắt. Chưa ai quên một phút cái đầu của Đình Đồng “bốc hoả” khiến Nguyễn Anh Hùng gãy chân tại V.League 2014 và cựu hậu vệ SLNA bị treo giò hẳn 1 năm trời. Trở lại sân cỏ sau 12 tháng rời xa trái bóng tròn để tìm lại chính mình thực sự là một nỗ lực phi thường của Đình Đồng. Tuy nhiên, V.League 2015 tưởng như sẽ trôi qua êm đềm với đội bóng xứ Nghệ thì Ngọc Hải gặp phải một cú sốc lớn trong sự nghiệp khi va chạm với Phạm Anh Khoa và phải bồi thường cho ca mổ của cầu thủ SHB Đà Nẵng lên đến gần 1 tỷ đồng.
Tiếng lành chả thấy, mà tiếng xấu lại vang xa. Từ những sân chơi nhỏ, đến đấu trường khu vực, bao nhiêu công sức, nỗ lực cống hiến của cầu thủ xứ Nghệ đổ xuống sông xuống bể chỉ vì một tích tắc thiếu sự kiềm chế trên sân. Bây giờ, nhắc lại cú “nhấc chân” của Nguyên Mạnh trong trận bán kết lượt về AFF Cup 2016 trước Indonesia như chạm vào những vết cứa trong lòng người hâm mộ xứ Nghệ.
Có ai ngờ một cầu thủ hiền lành, trầm tính như Nguyên Mạnh lại có hành động đánh nguội cầu thủ Indonesia. Vải thưa không che được mắt thánh. Tại V.League, dù các trọng tài có thể không theo kịp được tình huống, nhưng cầu thủ bị hại vẫn biết lên tiếng và BTC cũng có băng ghi hình để kết tội và đưa ra những án phạt nguội. Nhưng ở đấu trường khu vực hay quốc tế thì không, cầu thủ nhận thẻ đỏ, chơi thiếu người và nắm chắc thất bại.
Cầu thủ SLNA hiện nay chỉ có 2 người thuộc diện “8x”, còn lại đều sinh năm 1990 trở về sau. Tuy nhiên, người ít cũng đã vài ba mùa V.League, đa số cũng đã 4 mùa ăn lương đội 1, thi đấu mỗi năm hàng chục trận. Thế mà những người được cho là đàn anh lại mắc những sai lầm vô cùng đáng trách như những “đứa trẻ” chập chững mới thi đấu chuyên nghiệp.
Cách đây tròn 3 năm, một "đứa trẻ" của SLNA bị “bầu” Đức can thiệp, thẳng tay loại khỏi ĐT U19 Việt Nam vì pha bóng thô bạo làm gãy chân cầu thủ đội bạn trong trận U19 Việt Nam gặp U19 Tottenham. Một cú ngã đau cho một cầu thủ tài năng, đầy hứa hẹn. Tưởng chừng Văn Khánh sẽ không gượng dậy nổi sau cú sốc đó, nhưng giờ đây, trung vệ sinh năm 1995 của SLNA đã chứng tỏ mình thực sự trưởng thành và là sự lựa chọn số 1 tại hàng phòng ngự SLNA cũng như ĐT U22 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 29 sắp tới.
Để trưởng thành, cần phải có những va vấp, sai lầm. Một phút nông nổi trên sân cỏ đối với một cầu thủ trẻ, hoàn toàn có thể thông cảm được. Nhưng với một cầu thủ sinh năm 1991, thi đấu 4 – 5 mùa V.League, hạng Nhất, cựu thủ quân U21 Việt Nam như Phạm Thế Nhật là điều vô cùng đáng tiếc.
Quay lại câu chuyện của Thế Nhật, với hành vi đánh nguội Lê Trung Hiếu, cầu thủ này mất ngót nghét gần 70 triệu đồng cho toàn bộ chi phí chữa trị cầu thủ đội bạn, kỷ luật từ BTC giải và cả án phạt nội bộ bị cắt 1 tháng lượng cùng 5 trận bị treo giò. Một cái giá đắt cho bất kỳ ai hành nghề bóng đá để sống. Nhưng Thế Nhật vẫn còn may mắn khi đây không phải là một án phạt điểm bên cạnh những trường hợp khác đến từ Samson (Hà Nội) và Pape Omar (FLC Thanh Hoá).
Bản thân HLV Nguyễn Đức Thắng cũng lấy làm thất vọng vì sự thiếu tỉnh táo, thiếu bản lĩnh của học trò. Là 1 HLV trưởng, họ phải tính toán rất nhiều, đứng trước vô số những áp lực, nhiệm vụ phải hoàn thành. Nếu ngay cả một cầu thủ lớn tuổi như Thế Nhật cũng khiến người thầy của mình thêm công thêm việc, nói chuyện thành tích lúc này có phần quá xa vời.
Bóng đá hiện đại ngày càng có nhiều tiểu xảo. Và cũng không ít những tiểu xảo có lợi, bất lợi cho đội nhà. Các cầu thủ có quyền được dùng tiểu xảo nhưng luôn phải xác định được giới hạn. Thiết nghĩ, các cầu thủ xứ Nghệ mỗi lần ra sần, cái đầu cần “tỉnh” hơn, ý thức hơn trong việc mang lại cảm xúc cho người hâm mộ. Vì ít nhất, họ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và từng trải. Là đại diện, bộ mặt cho cả một địa phương, một thương hiệu. Có thế hệ đi trước dẫn dắt, tại sao vẫn thay nhau mắc sai lầm?
Đã yêu SLNA, không ai không đau lòng khi nhìn thấy cảnh sân Vinh đìu hiu, vắng tanh. Nhưng thời gian, cơ hội mà họ dành cho các cầu thủ của mình có giới hạn. Tình yêu của họ đủ lớn để không từ bỏ đội bóng, nhưng sự kiên nhẫn của họ là có giới hạn nếu cầu thủ xứ Nghệ vẫn cứ không chịu lớn như thế này!
Quỳnh Trang