055244-1.jpgCác xe tăng T-14 Armata trên Quảng trường Đỏ ở Moskva, Nga, trong buổi tập dượt cuối cùng cho lễ duyệt binh kỷ niệm 71 năm chiến thắng phát xít Đức vào tháng 5/2016. Ảnh: Sputnik.

Nga sở hữu kỹ năng tác chiến không gian mạng đáng mơ ước, lực lượng quân sự khổng lồ, những loại vũ khí hạt nhân nguy hiểm và khả năng tác chiến điện tử tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, báo cáo Chiến lược An ninh Quốc gia mới được công bố của Mỹ đã coi Trung Quốc là đối thủ quân sự đáng gờm hơn so với Nga, khi Bắc Kinh được đề cập nhiều hơn Moskva, theo Business Insider.

Các chuyên gia quân sự cho rằng dù ưu tiên phát triển quốc phòng trong nhiều thập kỷ, Nga những năm gần đây gặp nhiều khó khăn về kinh tế, dẫn tới ngân sách quốc phòng suy giảm và liên tiếp thất bại trong các dự án vũ khí tối tân, khiến họ bị Trung Quốc nhanh chóng vượt mặt.

Những dự án quân sự thất bại 

Từ sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ luôn coi Nga là mối đe dọa quân sự hàng đầu, buộc NATO phải nỗ lực để kiềm chế sức ảnh hưởng của nước này tại châu Âu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các dự án quân sự của Nga dường như không có bước tiến đáng kể nào.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3 công bố một loạt "siêu vũ khí" hạt nhân được cho là có thể xuyên thủng mọi lá chắn trên thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng ưu thế chiến lược mà những "siêu vũ khí" này mang lại cho Moskva là không lớn.

Ngay từ thập niên 1970, Mỹ đã tuyên bố tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân Minuteman III của họ cũng có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ của Nga. Việc phát triển các vũ khí hạt nhân chủ yếu mang lại tác dụng răn đe đối phương, khả năng sử dụng chúng để đem đến ưu thế trên chiến trường là vô cùng nhỏ.

Các hệ thống vũ khí của Nga gần Đông Âu có khả năng vươn xa và áp đảo NATO trong một số trường hợp, nhưng khó đem lại nhiều lợi thế cho Nga trong một cuộc xung đột thông thường. Dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, Nga chủ yếu tập trung vào tác chiến phi truyền thống và tấn công mạng để thúc đẩy các mục tiêu đối ngoại của mình.

Để bắt kịp với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ quân sự phi hạt nhân, Nga đã nỗ lực phát triển tiêm kích tàng hình Su-57 cạnh tranh trực tiếp với chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35 và F-22 của Washington.

Trong giai đoạn phát triển, Su-57 được đánh giá là mẫu máy bay có thể giúp Nga bước vào "kỷ nguyên tàng hình", kết hợp giữa các công nghệ, cảm biến tối tân cùng khả năng cơ động ưu việt của chiến đấu cơ Nga.

Tuy nhiên, Nga mới chỉ sản xuất được 12 tiêm kích Su-57 phục vụ cho mục đích thử nghiệm và đánh giá. Bộ Quốc phòng Nga mới đây quyết định sẽ không sản xuất hàng loạt mẫu tiêm kích đắt tiền này, mà sẽ tập trung nâng cấp các chiến đấu cơ thế hệ cũ. Giới phân tích đánh giá việc thiếu kinh phí là nguyên nhân chính khiến Nga phải gác lại "giấc mơ tàng hình" của mình.

Tương tự Su-57, mẫu xe tăng T-14 Armata cũng được các kỹ sư Nga thiết kế với những công nghệ mang tính đột phá, nhằm đối phó với các mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực của NATO. T-14 Armata từng được dự đoán sẽ mang tới một cuộc cách mạng trong thiết kế và chế tạo xe tăng, nhưng rốt cuộc Nga cũng không thể đưa vào sản xuất hàng loạt, nhiều khả năng là do thiếu kinh phí để mua sắm với số lượng lớn.

Giới quan sát nhận định rằng với việc hứng chịu các lệnh trừng phạt nặng nề của phương Tây và ảnh hưởng từ chiến dịch quân sự tốn kém ở Syria, Nga sẽ không thể tăng ngân sách quốc phòng và đầu tư thêm cho các dự án vũ khí tối tân trong thời gian tới, khiến nước này càng bị bỏ xa trong lĩnh vực công nghệ quân sự.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc

Ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc từng bị đánh giá thấp so với Mỹ và Nga, khi nước này phải mua và sao chép các hệ thống vũ khí Nga để phục vụ cho chương trình nghiên cứu của mình. Nhưng giờ đây, khi Nga có dấu hiệu hụt hơi, Trung Quốc lại thể hiện sự bứt phá và vượt lên trong lĩnh vực chiến tranh công nghệ cao.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc được các chiến hạm hộ tống trong một cuộc diễn tập trên Biển Đông vào tháng 4/2018. Ảnh: AFP.

Trong khi Nga gác lại dự án Su-57, Trung Quốc là nước đầu tiên cạnh tranh trực tiếp với vị thế độc tôn của Mỹ trong lĩnh vực máy bay tàng hình, với việc phát triển thành công và biên chế mẫu tiêm kích Chengdu J-20, trước cả khi Su-57 hoàn thành giai đoạn thử nghiệm.

Trung Quốc cũng mạnh tay đầu tư và đạt những thành công đáng kể trong lĩnh vực phần mềm và máy tính, theo đuổi cả mục tiêu phát triển điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo. Bắc Kinh thậm chí đánh bại Washington trong một loạt cuộc đua về công nghệ, ngay cả khi họ không dồn hết sức.

Để củng cố sức mạnh của hải quân, Trung Quốc phát triển một loạt tên lửa diệt hạm mới, trong đó nổi bật là mẫu "sát thủ tàu sân bay" DF-21D có thể hủy diệt ưu thế tuyệt đối trên biển của hải quân Mỹ, buộc Lầu Năm Góc phải đau đầu tìm biện pháp đối phó.

Để thực hiện tham vọng vươn ra biển lớn, Trung Quốc mua một tàu sân bay cũ của Liên Xô để cải hoán làm tàu huấn luyện, nhưng giờ đây họ đã lên kế hoạch đóng mới ít nhất ba tàu sân bay với các công nghệ ngày càng tiên tiến. 

Trong khi đó, Nga chỉ đang biên chế một tàu sân bay duy nhất là Đô đốc Kunetsov vốn đã lạc hậu về công nghệ. Moskva phải hoãn kế hoạch đóng tàu sân bay duy nhất tới năm 2022, trong khi Đô đốc Kunetsov không thể ra khơi mà không có tàu kéo.

Bình luận viên Alex Lockie cho rằng với dân số gấp mười lần Nga và một nền kinh tế hứa hẹn "soán ngôi" Mỹ, Bắc Kinh đang dần thay thế Moskva để trở thành mối đe dọa số một của Washington.