(Baonghean.vn) - Tiếp tục đồng hành cùng tour du lịch theo đường hàng không Vinh - Viêng chăn với những điểm đến hấp dẫn và kỳ thú tại đất nước triệu voi xinh đẹp và vùng đông Bắc Thái Lan, phóng viên Báo Nghệ An đã có những khám phám, trải nghiệm mới rất thú vị.
Điểm dừng chân đầu tiên trong ngày thứ hai của tour du lịch là chợ đầu mối hoa quả Muthong ở tỉnh Udon thani. Từ sáng sớm khu chợ này đã tấp nập xe ra vào. Đây là nơi cung cấp hoa quả cho cả vùng đông bắc Thái Lan và Lào. Khách du lịch thường rất thích tới chợ Mu Thong vì giá khá rẻ có thể thoải mái lựa chọn hoa quả tươi và hoa quả dầm về làm quà cho người thân. Hoa quả được bày bán tại khu chợ rất phong phú với đủ loại táo, nho, cam, chuối, măng cụt, hồng xiêm, dừa, quýt, dưa hấu, ổi… nhưng nhiều nhất vẫn là xoài Thái giá chỉ khoảng từ 20 - 30 bạt (khoảng 14-28 nghìn tiền Việt Nam). Theo chị Kane - chủ cửa hàng bán hoa quả lâu năm ở chợ Muthong thì hoa quả chủ yếu được đưa về từ hai tỉnh Campengkhet và Răng bun ri và người ta bán buôn chứ không bán lẻ. Vì vậy nếu muốn mua hoa quả tại khu chợ này thì phải mua từ 20kg trở lên. Khách mua nhiều còn được chủ cửa hàng gửi biếu thêm để tỏ lòng hiếu khách.
Rời chợ hoa quả đầu mối MuThong chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình ý nghĩa đến với Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Nọong ôn, xã Xiêng Phin, cách Thành phố Udon tỉnh Udon tha ni (Thái Lan) khoảng 14 km. Đây là nơi Bác Hồ từng sống và hoạt động cách mạng trong những năm 1928-1929 trên đất Thái Lan. Những ngày tháng ở đây, Bác Hồ được bà con Việt Kiều và người dân Thái Lan hết lòng yêu thương đùm bọc. Mọi người gọi Bác là Thầu Chín ( tức ông già Chín). Nơi đây hiện còn lưu giữ rất nhiều kỉ niệm về Bác Hồ từ ngôi nhà tranh Bác ở và làm việc, căn bếp đơn sơ đến những vật dụng đời thường mà Bác từng sử dụng… Mặc dù Người chỉ ở đây trong vòng một năm nhưng đã để lại rất nhiều dấu ấn trong lòng người dân Lào.
Sau này, Việt kiều ở tỉnh U don tha ni đã mua lại toàn bộ khu đất mà Bác từng ở tại làng Nọong ôn vào năm 2002, ngài Xay-đa- phon Rắt-ta-na-na-kha, Tỉnh trưởng tỉnh Udon thani đã cho khởi công xây dựng khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên khuôn viên rộng khoảng hơn 1 nghìn héc ta. Kinh phí chủ yếu do Hội người Việt Nam ở tỉnh Udon tha ni và một số doanh nghiệp trong nước quyên góp, ủng hộ. Từ đó nơi đây thành Trung tâm giáo dục và du lịch mang tính lịch sử về Bác Hồ
Ông Trần Trọng Tài - thành viên của Ban quản lý cho biết: Bình quân mỗi ngày có khoảng 30 khách viếng thăm Khu tưởng niệm, đông nhất là vào dịp lễ 30/4, 1/5 và hầu như các đoàn khách Việt Nam đến Lào đều ghé thăm nơi này…
Rời khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn dừng chân tại chùa LamPhon- một trong những ngôi chùa mà Bác Hồ từng kêu gọi người dân xây dựng nên vào năm 1929. Trước đây, vị sư trụ trì của chùa này là ông Thăm-ma-chê đi đã từng che chở, bảo vệ Bác Hồ trước sự lùng bắt của cảnh sát Thái và thực dân Pháp…
Sau một ngày, một đêm ở Thái Lan, Đoàn quay trở lại đất nước Triệu Voi, tiếp tục cuộc hành trình khám phá thủ đô Viêng Chăn xinh đẹp. Sau khi ghé cửa hàng Bạc nổi tiếng Chintana để tham quan và mua quà cho người thân, điểm dừng tiếp theo được nhiều du khách ưa thích là những ngôi chùa linh thiêng và cổ kính. Là một đất nước có phần lớn người dân theo đạo Phật bởi vậy trên đất nước Lào có hơn 1.400 ngôi chùa. Trong đó chùa That Luong được xem là biểu tượng linh thiêng của phật giáo tiểu thừa, được in trên đồng tiền Kip của Lào. Ngôi chùa này do đức vua Xay thạt cha xây dựng từ năm 1956. Đây là nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng tâm linh mang tính cộng đồng của người Lào cũng là nơi thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan và chiêm bái.
Không lớn như chùa That Luông nhưng chùa Sĩ Mương là nơi khởi phát cho mọi hoạt động lễ hội, sự kiện lớn, nhỏ tại đất nước hoa Chăm Pa. Nơi đây thờ mẹ Sĩ Mương - người có công lớn đối với đất nước Lào. Nơi đây còn lưu giữ cái giếng - nơi mẹ Sĩ Mương hy sinh thân mình để cứu người dân Lào thoát khỏi bệnh dịch.
Mỗi người dân Lào khi đến chùa ngoài việc dâng hoa, dâng hương cho mẹ Sĩ Mương, họ thường làm lễ cột chỉ cổ tay cầu may mắn, sờ chiêng, đánh chiêng để giao cảm với thần linh.
Một nét văn hóa đặc sắc của người Lào là không chỉ những em bé mới sinh được cha mẹ đưa đến chùa để làm lễ cột chỉ cổ tay mà ngay mỗi khi mua xe gắn máy hay ô tô mới họ không đưa ngay về nhà mà đưa đến chùa để nhà sư làm lễ cột chỉ liên kết giữa chiếc xe và các thành viên trong gia đình để cầu chúc an toàn, may mắn…
Điểm đến cuối cùng trong ngày của đoàn là Tượng đài chiến thắng Patuxay- Khải hoàn môn của Thủ đô Viêng Chăn, nơi thu hút rất nhiều khách du lịch dừng chân nghỉ ngơi, tham quan, ngắm cảnh thành phố..
Khánh Ly- Đào Tuấn
( Emai từ thủ đô Viêng Chăn- Lào)