(Baonghean.vn) - Trên con tàu hải quân HQ 561, có những con người đặc biệt, lặng lẽ làm việc, lặng lẽ cống hiến, chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho cán bộ, chiến sĩ và đoàn công tác. Họ là những cán bộ, chiến sĩ của đội phục vụ - được gọi với cái tên đặc biệt là “những đầu bếp Trường Sa”.
Bếp ăn của tàu HQ 561 nằm ngay ở khu vực lên xuống phía boong sau, đây được xem là vị trí nhộn nhịp, sôi động bậc nhất của đoàn tàu. Sôi động là bởi đây là nơi 17 cán bộ, chiến sĩ trong đội phục vụ liên tục phải làm việc để đảm bảo các bữa ăn cho hơn 200 người trong đoàn công tác và thủy thủ tàu.
15h, không khí ở bếp ăn của tàu HQ 561 bắt đầu nhộn nhịp, khẩn trương. Các đầu bếp trong trang phục áo xanh đang tất bật chuẩn bị cho bữa ăn chính buổi tối của đoàn sỹ quan, thủy thủ và các đại biểu trên con tàu ra Trường Sa. Người thái rau, người cắt ớt, người thái thịt, người xào rán khiến không khí trên tàu như một nhà hàng trong đất liền. Mùi thơm của gia vị, của dầu mỡ hòa với những tiếng cười giòn tan của những người đầu bếp vui tính khiến cho mọi người quên đi cảm giác mệt nhọc vì sóng biển lắc lư.
Anh Nguyễn Đình Đại, quê ở xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cười vui vẻ khi biết chúng tôi là những người đồng hương. Anh Đại từng 12 lần đặt chân đến Trường Sa nhưng lần nào cũng chứa đựng những niềm bất ngờ, xúc động. “Với người lính hải quân, quanh năm phải bôn ba với sóng gió, chuyện ra biển là việc hết sức bình thường nhưng mỗi lần được phục vụ tàu ra Trường Sa, chúng tôi đều rất háo hức và cảm thấy mình rất hạnh phúc vì luôn được có mặt ở vùng biển thiêng liêng của tổ quốc”, anh Đại tâm sự.
Tàu HQ 561 là tàu quân y, ngoài nhiệm vụ của một con tàu bệnh viện trên biển là khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và bà con ngư dân thì tàu còn có nhiệm vụ chở các đoàn cán bộ và nhân dân cả nước ra thăm Trường Sa. Mỗi chuyến đi, trên tàu có khoảng hơn 200 người gồm cả sĩ quan chỉ huy, thủy thủ, người phục vụ và các đại biểu. Theo quy định về khẩu phần ăn của những người đi biển, các đầu bếp phải phục vụ 4 bữa ăn gồm sáng, trưa, tối và bữa ăn khuya. Đầu bếp Đỗ Văn Biên, quê ở Thái Bình cho biết, để đảm bảo các bữa ăn diễn ra đúng thời gian, đúng tiêu chuẩn và luôn đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, các cán bộ, chiến sĩ của đội phục vụ phải phân công công việc một cách khoa học.
Khoảng 4h sáng, cả tổ phải thức dậy để chuẩn bị hơn 200 suất ăn sáng cho mọi người. Đến 6h, khi mọi người ăn sáng thì cả tổ phải tranh thủ rã đông thức ăn để chuẩn bị buổi trưa. Với đặc thù của những chuyến đi Trường Sa thường kéo dài cả tháng, tất cả các loại thực phẩm trên tàu được bảo quản trong kho lạnh, khi chế biến, các cán bộ, chiến sĩ trong tổ phục vụ phải mất hàng giờ để rã đông. Theo quy định, các món ăn hàng ngày phải có sự thay đổi, phải đảm bảo các món chính như rau, thịt, cá, canh và phải đảm bảo tươi ngon, bổ dưỡng. Điều này đòi hỏi cả một quá trình khép kín từ khâu lựa chọn thực phẩm, cách bảo quản và các công đoạn chế biến.
Trung tá Nguyễn Văn Sao – Đội trưởng đội phục vụ, tàu HQ 561 cho biết, trong chuyến công tác lần này, đội phục vụ phải liên tục chuẩn bị trung bình 800 suất ăn/ngày cho cán bộ, thủy thủ đoàn và các đại biểu, tương đương với một nhà hàng cỡ lớn trong đất liền. Khối lượng công việc khá nặng nề, anh em phải liền tay, không được sao nhãng nhưng ai cũng cảm thấy vui mừng, hạnh phúc và tự hào vì được phục vụ trên những chuyến tàu đi Trường Sa.
Báo Nghệ An xin giới thiệu một vài hình ảnh về những đầu bếp Trường Sa:
Nguyên Khoa