(Baonghean.vn) - Trong thời gian gần đây, có nhiều cán bộ lãnh đạo trẻ rời biên chế Nhà nước ra ngoài đi buôn gà, bán rau. Hành động này khiến dư luận "sốc", xôn xao và đặt dấu hỏi lớn vì sao các cán bộ trẻ lại bỏ công việc ổn định?

1. Cô gái Thái bỏ việc ở xã về nhà kinh doanh online

resize_images2018599_3.jpgCông việc kinh doanh cho Tâm thu nhập, niềm đam mê và nhiều động lực phấn đấu khiến cô quyết định từ bỏ công chức nhà nước. Ảnh: Internet

Ngày 23/9/2017, chị Lô Thị Tố Tâm (SN 1987, Nghệ An) là công chức văn hóa xã hội của xã Châu Thôn (huyện Quế Phong, Nghệ An) đã bất ngờ viết đơn xin nghỉ việc, từ bỏ công chức nhà nước để trở về kinh doanh trên mạng xã hội.

Theo chia sẻ của chị Tâm, năm 2015, do địa điểm công tác cách nhà gần 20km đường rừng núi, công việc lại khó khăn, nhiều áp lực, không mang lại hứng thú, đồng lương thì chỉ đủ trang trải cuộc sống nên Tâm đã quyết tâm bỏ việc.

“Lúc trước, khi còn đi học em mong muốn được làm một công chức bình thường, an phận. Nhưng ra trường, xin việc, lập gia đình thấy thu nhập từ công chức eo hẹp. Lúc này, công việc buôn bán tiến triển tốt, muốn mở rộng thêm mạng lưới kinh doanh vào tận Đồng Nai và Sài Gòn nên em viết đơn xin thôi việc, dù rất khó khăn để đi đến quyết định cuối cùng”, Tâm chia sẻ thêm.

2. Thạc sỹ bỏ việc nhà nước về trồng rau sạch

Thạc sỹ Lê Quốc Đức - áo đỏ (30 tuổi, ngụ Phường 5, thành phố Đà Lạt) đã từ bỏ công việc nhà nước để về trồng rau thủy canh siêu sạch. Ảnh: Internet

Giữa tháng 3/2017, báo Lâm Đồng đưa tin, thạc sỹ Lê Quốc Đức (30 tuổi, ở TP thành phố Đà Lạt) đang làm việc ổn định trong một cơ quan nhà nước lại quyết định nghỉ ngang về trồng rau thủy canh đón khách tham quan.

Dù không có kinh nghiệm gì về trồng rau, nhưng anh Đức vẫn kiên trì dựng được khu trồng rau thủy canh của anh Đức rộng khoảng 1.500m2, để hoàn thành khu nhà kính trồng rau, tất cả chi phí đầu tư đến nay cũng hơn 1 tỷ đồng. Đối với khách lẻ tìm đến tận vườn mua rau thì anh Đức bán 40.000 đồng/kg.

Hướng đi sắp tới, chàng thạc sỹ trẻ tiếp tục đầu tư trồng rau xà lách xoong, rau muống thuỷ canh… và mở rộng diện tích, trồng dâu tây phục vụ khách. “Trước mắt mình vẫn để du khách vào tham quan miễn phí, sau này mở rộng trang trại sẽ tính đến phương án tiếp theo. Miễn sao giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước về mô hình trồng rau siêu sạch của Đà Lạt và cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn nhất là được” - Đức bộc bạch.

3. Giáo viên buốt lòng rời bục giảng tìm việc mới

Thầy Tuệ chuyển sang nghề xăm nghệ thuật. Ảnh: Internet

10 năm dạy học vỏn vẹn thu nhập 3,6 triệu đồng/tháng, thầy Nguyễn Quang Tuệ (Quảng Bình) - giáo viên mỹ thuật tại Trường tiểu học Thanh Thủy (Quảng Bình) đã nộp đơn xin nghỉ việc.

Trong đơn xin nghỉ việc, thầy Tuệ viết: “Lý do xin nghỉ việc là vì điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống gia đình. Kính mong Ban Giám hiệu, BCH Công đoàn nhà trường cho tôi được thôi việc để tìm công việc mới đảm bảo thu nhập cá nhân và gia đình”.

Yêu nghề sư phạm và học sinh, nhưng cuộc sống bắt buộc phải chọn lựa. Thầy Quang Tuệ cho hay sẽ tập trung công việc xăm nghệ thuật. Đây cũng là công việc làm thêm ngoài giờ lên lớp của giáo viên này.

4. Trưởng phòng Sở Công Thương tỉnh bỏ việc đi bán gà nướng

Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Thông tin, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp từ bỏ công chức về bán hàng rong.

Anh Nguyễn Như Hoàng (33 tuổi, trú TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đang giữ chức vụ Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Thông tin, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk) bất ngờ làm đơn xin nghỉ việc nhà nước để về nhà mở quán bán hàng rong.

Anh Nguyễn Như Hoàng cho biết, anh đã làm việc ở nhà nước được 11 năm. Trong suốt quãng thời gian ấy, anh Hoàng luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. “Tuy nhiên, với mức lương 4 triệu đồng/tháng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Lương thấp khiến tôi không còn nhiệt huyết để cống hiến, làm việc”, anh Hoàng cho biết.

5. Trưởng công an xã xin nghỉ việc đi làm phụ xe

Ông Trần Hữu Thành (phải), Trưởng Công an xã Cẩm Trung, đã nộp đơn xin nghỉ việc để "Nam tiến".

Anh Trần Hữu Thành, Trưởng Công an xã Cẩm Trung, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho biết, trong 5 năm giữ chức vụ Trưởng công an xã Cẩm Trung (2012 - 2017), thu nhập hàng tháng sau khi trừ bảo hiểm chỉ còn 3,1 triệu đồng, không đủ lo học phí cho hai con đang đi học. Trong khi đó, công việc Trưởng công an xã rất nhiều và luôn chịu áp lực.

“Ngoài những công việc phải làm ở trụ sở, tôi và các công an viên còn phải tuần tra đảm bảo an ninh trật tự, tham gia xử lý khi có tai nạn giao thông… Hầu như ngày nào tôi cũng đi sớm về muộn nên tình cảm của vợ chồng cũng bị rạn nứt. Vợ tôi do không chịu nổi nên mới đây đã làm đơn ly hôn. Trước áp lực từ nhiều phía, nên tôi mới viết đơn xin nghỉ việc”, ông Thành chia sẻ.

Cũng theo ông Thành, sau khi thôi việc, ông sẽ vào miền Nam làm thuê, có thể làm lái xe tải vì hiện ông có bằng lái xe ô tô hạng C hoặc xin làm vệ sĩ cho một công ty nào đó.

6. Loạt cán bộ xã viết đơn xin nghỉ việc

Đầu năm 2016, tại UBND xã Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) ông Lê Văn Bình (SN 1982), cán bộ hợp đồng trong Đội quản lý trật tự xây dựng được 4 năm, với mức lương 2.000.000 đồng/tháng. Đầu năm 2017, ông Bình làm đơn xin nghỉ việc ra ngoài làm tự do.

Tháng 4/2017, ông Phạm Văn Sáu (SN 1987), tốt nghiệp Đại học, được tuyển dụng là công chức năm 2011, làm cán bộ Văn phòng thống kê tại xã Quảng Cư cũng đột ngột viết đơn xin nghỉ việc để ra ngoài làm việc khác với lý do là sức khỏe không đảm bảo.

Tại UBND phường Trường Sơn (Thanh Hóa), cán bộ dân số bà Nguyễn Huệ Linh cũng xin nghỉ việc ra Hà Nội làm thêm cho một phòng khám.

Hầu hết, những vị lãnh đạo, cán bộ làm việc trong cơ quan nhà nước đều rời bỏ công chức ra làm ngành khác nhằm tăng thêm thu nhập cho cuộc sống. Những người rời bỏ vị trí công chức đều chia sẻ buốt lòng vì “lương nhà nước thấp không đủ sống”./.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN