(Baonghean.vn) - Ngăn chặn kịp thời hành vi buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết; Đầu tư xây dựng đường gom dọc đường sắt; Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2018; Quy định mới về phạt VPHC lĩnh vực đầu tư xây dựng;... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng.
1. Ngăn chặn kịp thời hành vi buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết
Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhất là tại các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đẩy mạnh tuyên truyền trên các báo, đài, phương tiện thông tin đại chúng ở cả trung ương và địa phương theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Quy chế cung cấp thông tin ban hành kèm theo Quyết định số 01/QĐ-BCĐ 389 ngày 25/1/2017.
2. Đầu tư xây dựng đường gom dọc đường sắt
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về việc đầu tư xây dựng đường gom dọc đường sắt từ cầu vượt ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm (thành phố Đà Nẵng).
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển khai việc đầu tư xây dựng đường gom dọc đường sắt từ cầu vượt ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
Tuyến đường gom này có chiều dài hơn 5,5km; hiện trạng là đường bê-tông từ 2,5 - 3m, có nơi chỉ 1 xe máy đi vừa, không có vỉa hè, hệ thống thoát nước, lưu thông qua 1.000 hộ dân trên địa bàn 3 phường Hòa An, Hòa Phát và Hòa Thọ Tây.
Ngày 25/11/2014, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án tuyến đường gom dọc đường sắt đoạn từ ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm với tổng diện tích 45.452m2; tổng mức đầu tư hơn 144,7 tỷ đồng. Sau thời gian thi công (từ tháng 7-2016 đến nay), công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đã hoàn thành với 820 hồ sơ toàn tuyến.
3. Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2018
Từ ngày 1/1/2018, sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.760.000 đến 3.980.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo đó, đối tượng áp dụng gồm: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động; doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 1/1/2018 như sau: Vùng I: 3.980.000 đồng/tháng; vùng II: 3.530.000 đồng/tháng; vùng III: 3.090.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.760.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 180.000-230.000 đồng/tháng.
4. Quy định mới về phạt VPHC lĩnh vực đầu tư xây dựng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng là 1 tỷ đồng; trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở là 300 triệu đồng.
Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ một số trường hợp). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
5. Chính phủ sẽ ban hành Quy chế Quản lý tài chính PVN
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Điều lệ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để trình Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý Dự thảo Điều lệ cần làm rõ việc ban hành Quy chế Quản lý tài chính của PVN thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Việc bổ nhiệm Tổng giám đốc PVN và số lượng Phó tổng giám đốc PVN thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 12549/VPCP-ĐMDN ngày 23/11/2017 của Văn phòng Chính phủ.
Còn thẩm quyền quyết định về quy hoạch, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, chấp thuận từ chức, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với chức danh Tổng giám đốc PVN thực hiện theo quy định hiện hành.
6. Danh mục dịch vụ sự nghiệp công lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao, du lịch
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch.
Cụ thể, lĩnh vực văn hóa có 27 dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, lĩnh vực gia đình có 3 dịch vụ, lĩnh vực thể dục, thể thao có 7 dịch vụ, lĩnh vực du lịch có 3 dịch vụ và 13 dịch vụ khác thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch.
Trong đó, ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí thực hiện các dịch vụ: Bảo tồn, tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp truyền thống, tiêu biểu, đặc thù; tổ chức các chương trình văn hóa nghệ thuật, ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, quân dân biên giới, hải đảo; cung cấp các sản phẩm truyền thông về giáo dục đời sống, đạo đức, lối sống trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; đào tạo, huấn luyện vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao thành tích cao...
7. Kết luận của Thủ tướng về nghỉ lễ, tết năm 2018
Ngày 5/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về nghỉ lễ, tết năm 2018 của cán bộ, công chức, viên chức. Sau khi nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo, phát biểu của lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ý kiến của các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc nghỉ lễ, tết năm 2018.
Theo đó, Nghỉ Tết Âm lịch từ thứ Tư, ngày 14/2/2018 (ngày 29 tháng chạp năm Đinh Dậu) đến hết thứ Ba, ngày 20/2/2018; Dịp lễ Quốc khánh: Nghỉ ngày Quốc khánh (2/9) và nghỉ bù vào ngày thứ Hai (3/9).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện lịch nghỉ trên lưu ý bố trí, sắp xếp các bộ phận làm việc hợp lý để giải quyết công việc liên tục, bảo đảm tốt công tác phục vụ tổ chức, nhân dân.
Các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghỉ cố định thứ Bảy và Chủ Nhật hằng tuần, sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp. Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo việc thực hiện nghỉ lễ, tết năm 2018 như trên.
8. Bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Bút Tháp
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Bút Tháp, tỉnh Bắc Ninh.
Phạm vi và quy mô nghiên cứu lập quy hoạch là 8,2ha; bao gồm: Toàn bộ 2,1 ha khu vực bảo vệ của Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Bút Tháp (trong đó khu vực bảo vệ I có diện tích là 0,9 ha và khu vực bảo vệ II có diện tích là 1,2 ha) và phần đất mở rộng về phía Đông, phía Tây và phía Nam của di tích thuộc địa phận thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh với tổng diện tích là 6,1ha.
Một trong các nội dung, nhiệm vụ Quy hoạch chủ yếu là nghiên cứu, khảo sát, đánh giá. Cụ thể, khảo sát, điều tra, sưu tầm tài liệu, tổng hợp dữ liệu, số liệu lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội; đo, vẽ các hạng mục kiến trúc, cảnh quan di tích chùa Bút Tháp; khảo sát đo đạc địa hình tỷ lệ 1/500 khuôn viên di tích và phần đất dự kiến mở rộng di tích; hiện trạng kỹ thuật, quản lý, sử dụng và phát huy giá trị di tích; khảo sát, xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích, đánh giá đặc điểm, giá trị và vai trò của di tích trong mối quan hệ vùng.
Thái Bình
(Tổng hợp)