2017 là năm bản lề trước khi xe nhập khẩu nội khối ASEAN về 0%, khiến nhà nước và bộ ngành tiếp tục tính toán đến các giải pháp bảo hộ ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước.

Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam năm 2017 được quan tâm đặc biệt do chuẩn bị bước vào hội nhập với khu vực từ 2018, thời điểm thuế nhập khẩu nội khối ASEAN về 0%. Chính phủ muốn đưa ngành sản xuất, lắp ráp ôtô thành ngành công nghiệp chủ lực như Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng từng phát biểu tại cuộc họp về tình hình phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.

Đứng trên góc độ vĩ mô, nếu muốn phát triển ngành công nghiệp ôtô, các cơ quan nhà nước phải có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp lắp ráp.

Đề xuất tăng thuế xe bán tải

Năm 2017 không chỉ có một, mà là hai đề xuất về việc tăng thuế đối với xe bán tải. Đề xuất thứ nhất đưa ra bởi Bộ Công Thương hồi tháng 6 và đề xuất thứ hai của Bộ Tài chính hồi tháng 8.

Xe bán tải tại Việt Nam hiện được hưởng ưu đãi về cả 3 loại thuế, phí, gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và phí trước bạ, lợi thế rõ ràng so với xe con dưới 9 chỗ cùng dung tích. Do đó, từ 2012 đến nay, phân khúc xe bán tải luôn tăng nhanh về doanh số.

Có đến 2 đề xuất tăng thuế đối với xe bán tải trong năm 2017.

 Chính vì vậy, trong cuộc họp hồi đầu năm về tình hình nhập khẩu ôtô, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu lại mức thuế suất áp dụng đối với ôtô bán tải để báo cáo Chính phủ và Quốc hội có hướng điều chỉnh.

Tháng 6, Bộ Công Thương đề xuất áp dụng thuế suất tiêu thụ đặc biệt, thuế suất nhập khẩu đối với xe bán tải có khối lượng chuyên chở dưới 1.500 kg và 5 chỗ trở xuống giống như ôtô con dưới 9 chỗ. Đồng thời, tăng lệ phí trước bạ từ 2% lên 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt từ mức 15-25% lên 40-110%.

2 tháng sau, Bộ Tài chính đưa ra đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối xe bán tải bằng 60% so với mức thuế TTĐB đang áp dụng với xe con dưới 9 chỗ ngồi có cùng dung tích. Hiện tại, xe bán tải chỉ chịu thuế TTĐB 15-25%, nếu áp dụng đề xuất của Bộ Tài chính, thuế sẽ tăng lên mức 30-54%.

Bộ Tài chính không đồng thuận với đề xuất của Bộ Công Thương vì cho rằng các nước trong khu vực thường áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xe bán tải thấp hơn xe con chở người dưới 9 chỗ.

Nếu một trong hai đề xuất trở thành hiện thực, xe bán tải tại Việt Nam sẽ tăng giá bán, mức tăng có thể lên tới hàng trăm triệu đồng, chưa kể đến việc tăng thuế phí sẽ tác động lên phí đăng ký trước bạ, từ đó có thể giảm lượng xe bán tải nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam. 

Đề xuất miễn thuế TTĐB cho phần giá trị tạo ra trong nước

Miễn thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với phần giá trị tạo ra trong nước là một trong gói giải pháp phát triển ngành công nghiệp ôtô do Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ hồi giữa tháng 6.

Nếu được thông qua, đề xuất này được xem là ưu đãi rất lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam. Cùng với đó là mục đích khuyến khích tăng tỷ lệ nội địa hóa ôtô. Bất cứ hãng nào sử dụng càng nhiều linh kiện sản xuất trong nước, chi phí sản xuất càng rẻ, tạo cơ sở đẩy giá thành ôtô đi xuống, tạo áp lực đối với xe nhập khẩu.

Miễn thuế TTĐB cho phần giá trị tạo ra trong nước không chỉ khiến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp hồ hởi, đề xuất còn ảnh hưởng tích cực đến người tiêu dùng, giấc mơ sở hữu ôtô sẽ gần hơn bao giờ hết ở phương diện xe lắp ráp. 

Nghị định 116

Khi cột mốc thuế nhập khẩu nội khối ASEAN về 0% chỉ còn hơn 2 tháng thì Nghị định 116 ra đời, quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô. Đây là Nghị định "hậu" Thông tư 20 đã hết hiệu lực vào tháng 7/2016. 

Nghị định viết một doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh nhập khẩu ôtô tại Việt Nam phải đủ 2 điều kiện. Một là, có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô. Hai là, phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp có quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất để thực hiện lệnh triệu hồi.

Bên cạnh trách nhiệm cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài và kiểm định theo từng lô đối với xe nhập khẩu chưa qua sử dụng. Doanh nghiệp chỉ được nhập khẩu xe khi đáp ứng các khoản trong Nghị định 116 kể từ 1/1/2018.

Doanh nghiệp nhập khẩu tư nhân coi như hết đường hoạt động, buộc phải chuyển hướng kinh doanh hoặc đóng cửa. Người Việt không còn được thoải mái chọn mua xe nhập khẩu chạy lướt ở bên ngoài, buộc phải tới các đại lý chính hãng.

Tuy nhiên, quy định cũng gây khó khăn cho cả các doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng. VAMA đã gửi kiến nghị tới các cơ quan chức năng, bày tỏ quan ngại về việc doanh nghiệp sẽ gặp khó, tốn kém chi phí và vướng mắc ở quy định giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại.

Thị trường ôtô nhập khẩu cuối năm lâm vào tình cảnh khan hàng ở một số mẫu xe đắt khách, từ đây nảy sinh tranh cãi. Phía các doanh nghiệp giải thích tình trạng trên là do ảnh hưởng của Nghị định 116, nhưng một lãnh đạo cấp cao của một doanh nghiệp kinh doanh ôtô tại Việt Nam lại cho rằng lý do thực sự mà các doanh nghiệp tạm ngưng nhập khẩu chờ 2018 là để hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu nội khối ASEAN.

Đối với sản xuất, lắp ráp, Nghị định 116 chỉ yêu cầu về đường thử và chế độ bảo hành tối thiểu. Thời gian để chuẩn bị là 18 tháng.

Nghị định 125

Khi xe nhập khẩu đang loay hoay, thì Nghị định 125 ban hành hồi giữa tháng 11 lại dành thêm ưu thế cho xe lắp ráp. Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô sẽ được hưởng ưu đãi nhập khẩu linh kiện bằng 0% nếu đáp ứng được các điều kiện mà Chính phủ đề ra.

Nghị định này sẽ làm tăng dung lượng thị trường ôtô trong nước, giảm chi phí đầu vào, giúp nâng cao sức cạnh tranh của ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, góp phần cân bằng cán cân thương mại trước làn sóng xe nhập khẩu từ các nước trong khu vực ASEAN.

Đối với xe nhập khẩu đã qua sử dụng, Nghị định 125 tạo nên hàng rào chi phí khi phải chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn. Sau khi áp dụng cách tính thuế mới, chiếc xe phải chịu thêm khoản thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT dựa trên giá xe tính theo biểu thuế mới. Cộng thêm chi phí bán hàng, quảng cáo và lợi nhuận doanh nghiệp, giá bán xe nhập khẩu đã qua sử dụng không còn dễ chịu như trước.

Theo zing

TIN LIÊN QUAN