(Baonghean) - Đối mặt với vi khuẩn và cả những định kiến sai lầm về bệnh, song những y, bác sỹ ở Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Nghệ An mà chúng tôi gặp vẫn lặng thầm, tận tụy cống hiến cho sự nghiệp phòng, chống Lao, thương yêu, chăm lo cho bệnh nhân bằng tấm lòng “từ mẫu”. Chúng tôi gọi họ là những “chiến sỹ” áo trắng trên trận tuyến phòng, chống lao…

Đã 25 năm sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội cũng là chừng ấy thời gian bác sỹ Nguyễn Thị Hà (quê Thanh Hóa) công tác tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Nghệ An. Công việc buộc chị phải “làm bạn” với kính hiển vi, ống nghiệm và bệnh phẩm. Ngày mới về được biết bộ phận xét nghiệm còn thiếu nhân sự, chẳng ngại ngần, bác sỹ Hà đã xung phong nhận công tác này. Bởi theo chị: Động lực của người làm nghề y là sức khỏe cho người bệnh chứ không phải lý do nào khác. Muốn chẩn đoán chính xác bệnh lao, công tác xét nghiệm cực kỳ quan trọng.
 
 
images1144126_56.jpgBác sỹ Nguyễn Xuân Thức chăm sóc cho bệnh nhân lao phổi. Ảnh: Xuân Tiến
 
Bình dị, nhẹ nhàng, từ tốn và rất kiệm lời – đó là những ấn tượng của chúng tôi khi tiếp xúc với bác sỹ Hà. Chị cười hiền: “Làm bạn với vi khuẩn” nên yêu cầu các xét nghiệm viên phải hết sức cẩn thận. Trước hết để bảo vệ cho mình, sau đó là bảo vệ cho cộng đồng. Quy trình làm mẫu phải được tuân thủ nghiêm ngặt, chỉ cần bỏ qua một bước nhỏ trong quy trình xét nghiệm, một động tác mạnh tay gây đổ vỡ, một phút sơ ý lơ là sẽ làm sai lệch kết quả xét nghiệm, tác động trực tiếp đến sức khỏe của bệnh nhân, đôi khi là cả mạng người… Công việc lặp đi lặp lại mỗi ngày, ở bệnh viện thì hết vi trùng lao, vi trùng HIV, làm các xét nghiệm thường quy, công thức máu, sinh hóa, tế bào, giải phẫu bệnh, ghi kết quả dấu (+), dấu (-); đi cơ sở thì giám sát 29 điểm kính, song với bác sỹ Hà “công việc không hề nhàm chán bởi định kiến xã hội về lao ít nhiều đã được cải thiện; bởi một việc nhỏ mình làm hôm nay đang góp sức cho lợi ích chung của cả cộng đồng”.
 
Bác sỹ Nguyễn Xuân Thức, Trưởng khoa Nội 3 có tới 26 năm tham gia “cuộc chiến” phòng, chống lao. Bác sỹ Thức tâm tình: Buồn và đáng lo là nhận thức của người dân và người nhà còn hạn chế, nhiều khi để bệnh nặng mới đến cứu chữa, tỷ lệ tổn thương rất rộng, rất khó trả lại sức lao động cho bệnh nhân; đại đa số bệnh nhân là người nghèo không có điều kiện bồi bổ sức khỏe lại thêm tâm lý mặc cảm trong cộng đồng khiến người bệnh không tuân thủ quy trình điều trị khiến bệnh kháng thuốc; ngày càng nhiều người trẻ tuổi mắc bệnh lao...
 
Công tác phòng, chống lao vất vả nhưng làm nghề cứu người thì phải lấy cái tâm, y đức làm thước đo. Bệnh nhân nghèo khó thì đáng thương nên người thầy thuốc càng phải nỗ lực gấp 2 gấp 3.  Vậy nên những người thầy thuốc ở Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Nghệ An đều coi sự đau đớn của bệnh nhân như nỗi đau của chính mình, niềm vui lớn nhất của họ chính là bệnh nhân khỏi bệnh, nguy cơ từ bệnh lao được đẩy lùi; định kiến về bệnh lao không còn…
 
“Đã là bác sỹ, điều cần nhất là sự đam mê. Bởi chỉ có đam mê người ta mới có nghị lực để vượt qua khó khăn, có đam mê mới chịu khó tìm tòi, học hỏi để ngày càng tiến bộ. Bên cạnh đó phải có tình thương, trách nhiệm, phải coi bệnh nhân như chính người thân mình để động viên họ điều trị dứt điểm. Bởi nếu bệnh nhân lao không điều trị theo phác đồ mà các bác sỹ đưa ra sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ virus lao kháng đa thuốc, siêu kháng thuốc, mà đã kháng thuốc thì việc điều trị thành công gần như không thể…”. Đó là tâm sự của Bác sỹ chuyên khoa I Thái Đình Lâm, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Đông y phục hồi chức năng Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Nghệ An.
 
Sinh năm 1970 trong một gia đình nghèo ở xã Hòa Sơn (Đô Lương), từ nhỏ Thái Đình Lâm đã có ước mơ khoác trên mình chiếc áo blue trắng và chiếc tai nghe quàng cổ. Học xong phổ thông, anh thi vào Trường Đại học Y Thái Bình. Suốt những năm ngồi trên ghế giảng đường, cậu sinh viên y khoa Thái Đình Lâm luôn nỗ lực học thật tốt để sau này thuận lợi trong xin việc làm và phục vụ bệnh nhân. Mặc dù tốt nghiệp với tấm bằng loại khá nhưng hơn 1 năm không xin được việc và trải qua nhiều nghề tự do anh quyết định xin vào làm việc tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Nghệ An. Anh kể: “Hồi đó gia đình mình kịch liệt phản đối, nhất là mẹ.
 
Bởi bao năm nuôi con ăn học thành nghề, dù biết bác sỹ thì nhiệm vụ chữa bệnh cứu người là quan trọng nhất, nhưng mẹ vẫn thật sự “sốc” khi con mình lại chọn làm việc ở bệnh viện đặc thù này. Lúc đó mình cũng phân vân dữ lắm”. Nhưng lương tâm của người thầy thuốc đã không cho phép bác sỹ trẻ Nguyễn Đình Lâm chùn bước. Anh thuyết phục mẹ rằng, nếu muốn chọn lựa một công việc an nhàn, thuận lợi thì con đã không chọn nghề y, mà nghề y là chữa bệnh cứu người. Bệnh nào cũng vậy, đều phải cần tới bác sỹ, nếu không ai muốn đến làm việc ở bệnh viện lao thì hàng ngàn, hàng vạn người mắc căn bệnh này ai chữa trị cho họ? Có nhiều bác sỹ, y tá, điều dưỡng, hộ lý đã gắn bó hàng chục năm trời, họ có làm sao đâu? Động viên mẹ là vậy, nhưng anh cũng hết sức lo lắng…
 
Thời gian đầu mới tiếp cận công việc, nhiều đêm liền anh phải thức trắng để nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi về bệnh lao để vừa đáp ứng chuyên môn, vừa mong sao khi bệnh nhân đã tin tưởng vào đến đây thì khi xuất viện họ phải là người đã khỏi bệnh. Gần 20 năm trong nghề, anh đã chữa khỏi cho hàng nghìn bệnh nhân. Thế nhưng khi hỏi về thành tích của mình, anh chỉ cười hiền và khiêm tốn rằng, với mình chữa khỏi bệnh và được bệnh nhân tin quý mới là thành tích lớn nhất đối với mỗi người bác sỹ.  
 
Không chỉ nỗ lực trau dồi chuyên môn của mình, trong cuộc sống anh cũng được đồng nghiệp và bệnh nhân hết sức cảm phục. Khi nói về đồng nghiệp của mình, Bác sỹ nội soi Nguyễn Thị Hằng cho biết: “Là một bác sỹ trẻ mới về công tác chưa lâu, những ngày đầu tôi không khỏi bỡ ngỡ và những áp lực tâm lý nhất định. Tuy nhiên khi được các anh, chị đồng nghiệp, đặc biệt là anh Lâm động viên trong cuộc sống, dạy bảo trong chuyên môn nên tôi đã vượt qua tất cả những khó khăn ban đầu”. 
 
Bệnh nhân Phạm Trung Hiếu (Hà Nội) cho biết: “Khi biết mình mắc bệnh lao trong một lần đi khám sức khỏe, em thực sự rất “sốc”, em tự nhốt mình trong nhà, không tiếp xúc, nói chuyện với ai kể cả bố mẹ. Sợ em bị trầm cảm, mẹ em gọi điện về cho chú Lâm nhờ tư vấn. Được sự động viên của chú, em từ Hà Nội về thăm khám và tư vấn, đến nay em đã điều trị được hơn 1 tháng, bệnh đã thuyên giảm và em cũng đã tự tin trở lại. Nghe lời chú, em sẽ thực hiện nghiêm ngặt phác đồ điều trị để chữa dứt điểm căn bệnh mà em mắc phải”. 
 
Mỗi khi có thời gian rảnh, bác sỹ Thái Đình Lâm thường về quê khám bệnh miễn phí tại phòng khám Việt An, nay là Bệnh viện Việt An ở Đô Lương. Hay việc dù kinh tế gia đình chưa phải là dư giả, song trước mỗi hoàn cảnh khó khăn anh đều sẵn lòng giúp đỡ bằng trách nhiệm và sự đồng cảm… mới thấy được cái “tình” của anh với người bệnh.
 
Công tác phòng, chống lao ở tỉnh ta những năm gần đây đã đạt được những thành tích đáng kể. Để có được kết quả trên, là nỗ lực của cả ngành Y tế tỉnh nhà, trong đó có các “chiến sỹ” áo trắng  ở Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Nghệ An.
 
Cảnh Nam - Thành Chung