F-22 (Mỹ): Lockheed Martin F-22 Raptor (Chim ăn thịt) là máy bay tiêm kích thế hệ 5, 2 động cơ, một chỗ ngồi, sử dụng kỹ thuật "tàng hình". Ban đầu, F-22 được thiết kế cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, về sau được nâng cấp để tấn công mặt đất. Vì chi phí sản xuất quá cao (khoảng 350 triệu USD/chiếc) nên hiện chỉ có 187 chiếc F-22 được chế tạo cho Không lực Mỹ. Tiêm kích tiến công kết hợp (JSF) F-35 (Mỹ): Được thiết kế và lắp ráp bởi Lockheed Martin. Chương trình JSF dự định thay thế cho F-15 và F-16, trở thành trụ cột sức mạnh của quân đội Mỹ trong tương lai. Đây là chương trình phát triển chiến đấu cơ lớn nhất lịch sử hàng không. Chương trình JSF vấp phải nhiều chỉ trích vì chậm tiến độ, lỗi kỹ thuật và phát sinh chi phí. JSF được phát triển với 3 phiên bản, gồm F-35A dùng cho không quân, F-35C dành cho hải quân và F-35B của thủy quân lục chiến. Mig-31 (Nga): Đây là mẫu máy bay đánh chặn hạng nặng tầm xa được chế tạo dưới thời Liên Xô. MiG-31 là chiến đấu cơ nhanh nhất thế giới đang hoạt động. Nó có thể đạt tốc độ tối đa tới Mach 3.2 (khoảng 3.900 km/h). Gần đây, MiG-31 đã được nâng cấp để trang bị tên lửa siêu thanh Kinzhal. Su-35 (Nga): Đây là tiêm kích thế hệ 4++ hiện đại nhất của Không quân Nga. Su-35 được trang bị radar với tầm trinh sát tới 400 km. Nó còn được trang bị động cơ kiểm soát vector lực đẩy đem lại khả năng cơ động siêu việt trong không chiến cự ly gần. F/A-18 Hornet (Mỹ): Đây là máy bay phản lực đa nhiệm siêu thanh 2 động cơ, có khả năng hoạt động trên tàu sân bay trong mọi điều kiện thời tiết, thực hiện chiến đấu trên không và tấn công mặt đất. Hornet hiện là xương của Hải quân Mỹ. F/A-18 có bán kính chiến đấu hơn 900 km với tốc độ Mach 1.8 (620 m/s). Tuy có tầm hoạt động cũng như vận tốc thấp hơn so với đối thủ Su-33, nhưng F/A-18 lại có thể mang tới 8 tấn vũ khí trên 11 giá treo, trong khi máy bay của Nga chỉ có thể mang được 6 tấn vũ khí trên 12 giá treo. F-15 (Mỹ): Trong gần 30 năm, máy bay chiến đấu F-15 Eagle được xem là vũ khí làm chủ bầu trời của Không lực Hoa Kỳ. Trước khi "người kế nhiệm" F-22 xuất hiện, F-15 luôn là lựa chọn hàng đầu cho các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không của Không quân Mỹ. F-15 có thể đạt trần bay 19.800 m trong vòng 122 giây. Khi bay ngang, F-15 cho tốc độ Mach 2.5 (850 m/s). Đây cũng là mẫu chiến cơ đầu tiên vượt qua tốc độ âm thanh khi bay thẳng đứng. F-15 chính là máy bay mở màn cho chuỗi 104 chiến thắng không đối không liên tiếp của Mỹ trước các vũ khí do Nga sản xuất như MiG-21, MiG-25 và MiG-29. J-20 (Trung Quốc): J-20 là máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 do tổ hợp công nghiệp quốc phòng Thành Đô sản xuất theo đơn đặt hàng của Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. Được các nhà hoạch định quân sự nước này kỳ vọng trở thành vũ khí tiên phong rút ngắn lại khoảng cách công nghệ hàng không quân sự Trung Quốc với phương tiện chiến đấu thuộc biên chế không lực Mỹ. J-20 được thiết kế đặc biệt dành cho các nhiệm vụ đánh vào khả năng triển khai sức mạnh của không quân Mỹ ở tây Thái Bình Dương cũng như thực hiện hỗ trợ tiếp nhiên liệu, chỉ huy trên không, tình báo giám sát, thậm chí là mang theo tên lửa hành trình tầm xa để tấn công tàu sân bay Mỹ. Dassault Rafale (Pháp): Là cái tên duy nhất của Pháp góp mặt trong danh sách này, Dassault Rafale có thể thực hiện tất cả các nhiệm vụ của một chiến đấu cơ. Chuyển đổi linh hoạt từ yêu cầu này sang trang thái khác trong từng phi vụ, một Rafale có thể thay thế được hoạt động của 7 loại máy bay. Rafale được chế tạo để hoạt động trên mọi căn cứ mặt đất và cả tàu sân bay của Hải quân Pháp. Với kiểu cánh tam giác truyền thống của hãng Dassault, Rafale có khả năng cơ động cực kì tốt trên không. Đây cũng chính là loại máy bay không kích các mục tiêu ở Syria hôm 14/4 vừa qua. Eurofighter Typhoon (Châu Âu): Tương tự Airbus, Eurofighter Typhoon đánh dấu sự hợp tác mạnh mẽ của các quốc gia Châu Âu trong lĩnh vực hàng không. Đây là máy bay chiến đấu duy nhất được sản xuất trên 4 dây chuyền khác nhau bởi các quốc gia Anh, Pháp, Ý, Đức và Tây Ban Nha. Thiết kế Eurofighter Typhoon là đặc trưng của dòng máy bay tiêm kích đa năng cánh tam giác, thực hiện một loạt nhiệm vụ khác nhau từ tuần tra, đánh chặn, bảo vệ không phận, chiếm ưu thế trên không đến tấn công mục tiêu mặt đất. Với trần bay 19.000 m, tầm hoạt động 1.390 km và vận tốc leo cao 315 m/s, Eurofighter Typhoon được kỳ vọng sẽ trở thành đối thủ ngang tầm với các dòng chiến đấu cơ hiện đại của Nga, thậm chí cả Mỹ. Su-27 (Nga): Được đưa vào biên chế không quân Liên bang Xô viết từ năm 1985, Sukhoi Su-27 đến nay vẫn là một trong những chiến đấu cơ thành công nhất lịch sử. Dù có tuổi đời khá cao, song khả năng chiến đấu của Su-27 vẫn vô cùng đáng sợ. Nó có thể đạt vận tốc Mach 2.35 (800 m/s) và mang theo 8 tên lửa không đối không cùng một khối lượng bom khổng lồ. Đặc biệt, Su-27 nổi tiếng với khả năng cơ động trong phạm vi hẹp, thực hiện các kỹ thuật bay nhào lộn khó như động tác “hổ mang Pugachev”, hay thậm chí là tắt động cơ đột ngột khi đang bổ nhào. Không quân Việt Nam hiện sở hữu 12 chiếc Su-27, cùng với 36 chiếc Su-30MK2 là phiên bản nâng cấp của Su-27.