Thị trấn Tân Lạc của huyện miền núi Quỳ Châu những ngày đầu tháng 5 nắng như đổ lửa. Sau hơn 2 tháng nghỉ học để phòng tránh dịch Covid-19, học sinh nơi đây bắt đầu trở lại trường vào đầu tháng 5. Thời tiết khắc nghiệt, vậy mà cậu bé Đinh Hữu Nghĩa, học lớp 3A Trường Tiểu học thị trấn Tân Lạc vẫn đội đầu trần, với nụ cười tươi rói, vận bộ đồ cộc tay đạp xe chạy phăng phăng mặc cho mặt mũi đỏ gay vì nắng nóng. “Từ khi được các chú bộ đội ở Ban CHQS huyện Quỳ Châu tặng cho chiếc xe đạp này, cháu nó vui lắm, thích đi học hơn và ít buồn hơn khi nghĩ về mẹ”, ông Đinh Văn Du, ông nội của Nghĩa cho biết.
Năm nay đã 70 tuổi, ông Đinh Văn Du và vợ là bà Trần Thị Bình, 68 tuổi, sức đã yếu, mắt đã mờ nhưng gần chục năm qua vẫn thay con trai chăm sóc, dạy dỗ hai cháu nội là Đinh Hữu Nghĩa và cô em gái của Nghĩa năm nay lên lớp mẫu giáo lớn. Bố của Nghĩa từ khi vợ bỏ đi khi thì giao con lại cho ông bà chăm sóc từ khi cậu bé mới hơn 1 tuổi để bươn chải đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Vuốt mái tóc cháy nắng của cháu, bà Trần Thị Bình kể lại những ngày thay con chăm cháu mà nước mắt chực tuôn rơi.
Từ nhỏ hai anh em Nghĩa đã thiếu đi sự yêu thương, chăm sóc của người mẹ, và ít khi được ở gần bố. Bởi vậy, nhắc đến bố mẹ, ánh mắt Nghĩa đượm buồn, và chỉ biết lắc đầu trước những câu hỏi. Từ những ngày đầu chập chững đến lớp, từ Mầm non đến Tiểu học Nghĩa được ông nội đưa đến trường, khi thì đi bộ, khi thì bằng chiếc xe đạp điện đã không còn xạc điện được. Nhà cách trường tầm 3km, con đường khá ngoằn ngoèo nên những lúc mưa gió, những hôm ông nội của Nghĩa đau ốm, em đành phải đi bộ. Nhiều hôm em phải nhịn đói đến trường vì nhà hết gạo để ăn. Mọi chi phí sinh hoạt đều trông chờ vào số tiền bố Nghĩa làm thuê gửi về. Bởi vậy, “được các chú bộ đội tặng xe cháu vui sướng lắm. Cháu tự mình đạp xe đi học, thấy thích đến trường hơn”, Nghĩa cười tít mắt thỏ thẻ bày tỏ, tay vẫn cầm chặt ghi đông mân mê, bàn chân trần vẫn gác trên pê đan, rồi Nghĩa nói "Cháu cảm ơn các chú bộ đội nhiều lắm".
Cũng bằng ánh mắt lấp lánh niềm vui, em Lương Tuấn Hiệp ở khối Hoa Hải, thị trấn Tân Lạc cho hay, năm lớp 3 em được các chú bộ đội tặng cho chiếc xe đạp màu xanh. “Từ lâu em luôn mơ ước có xe đạp để đi học, để đỡ phải đi bộ, để bà ngoại đỡ khổ hơn”, Lương Tuấn Hiệp lí nhí bày tỏ. Năm nay Hiệp đã là học sinh lớp 4, cũng là hơn 1 năm Hiệp tự mình đạp xe đến trường. Quãng đường 3km dường như đã ngắn hơn đối với cậu bé nghèo thiếu vắng tình thương của người cha, và phải chịu hoàn cảnh khó khăn khi mẹ và ông bà ngoại đều bệnh tật, đau ốm liên miên.“May còn có cô con gái út đang đi làm thuê trong Đồng Nai thỉnh thoảng cũng gửi tiền về hỗ trợ nuôi bố mẹ và cháu, chứ không thì chúng tôi chắc cũng chết đói lâu rồi”, bà Mạc Thị Hải, bà ngoại Hiệp buồn bã nói. Rồi bà Hải cho biết thêm, mấy năm trước Hiệp thường xuyên phải đi bộ tới trường, bữa no bữa đói thương lắm, nhưng ông bà không biết làm gì hơn. Được các chú bộ đội ở Ban CHQS huyện tặng xe đạp, cháu Hiệp vui mừng lắm, thích đến trường hơn nên kết quả học tập ngày càng tiến bộ. Năm vừa rồi còn được tặng giấy khen, và lúc nào cũng nói với bà rằng sau này “lớn lên cháu cũng muốn trở thành bộ đội như các chú”.
Đỡ đầu học sinh khó khăn vươn lên học tập tốt
Thiếu tá Nguyễn Toàn Thắng - Trưởng Ban tuyên huấn Bộ CHQS tỉnh cho biết, ngoài Ban CHQS huyện Quỳ Châu thì ở nhiều đơn vị khác cũng thực hiện tặng xe đạp cho học sinh nghèo trên địa bàn đóng quân. Ví như Ban CHQS huyện Đô Lương tặng 4 chiếc xe đạp cho 4 học sinh nghèo vượt khó ở 2 trường Tiểu học Trù Sơn và Đại Sơn; Ban CHQS huyện Tân Kỳ tặng 3 xe đạp cho 3 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã Nghĩa Hoàn và Đồng Văn…
Ở Ban CHQS huyện Quỳ Châu, ngoài trao tặng 20 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo theo chương trình “Xe đạp cho em”, hàng năm đơn vị còn nhận đỡ đầu 5 học sinh với khoản hỗ trợ 200 ngàn đồng/em/năm, góp phần giúp các em vơi bớt khó khăn và thêm động lực vươn lên học tập tốt.
Cô giáo Trần Thị Bình là cô giáo chủ nhiệm lớp 2B Trường Tiểu học Châu Hạnh cho hay, em Mạc Đình Nam là một trong những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn so với các bạn cùng lớp. Nam mồ côi bố từ khi mới lọt lòng, mẹ bị bệnh hiểm nghèo nên sức khỏe yếu không có khả năng chăm sóc. Em sống dựa vào sự cưu mang của ông bà nội cũng đã già yếu, ông nội em Nam lại bị nhiễm chất độc da cam từ khi còn tham gia chiến đấu trong quân đội nên cũng không có khả năng lao động nặng. Mọi chi tiêu gia đình chủ yếu dựa vào 2,1 triệu tiền trợ cấp của ông nội. Nghèo khó, nên thể trạng Nam nhỏ hơn nhiều so với bạn cùng trang lứa. Ngày ngày ông nội vẫn đều đặn đưa đón em đi học, những hôm trái gió trở trời thì nhờ hàng xóm láng giềng hoặc cô giáo chở giúp. “May thay có sự quan tâm của các chú bộ đội ở Ban CHQS huyện nhận đỡ đầu, hỗ trợ một khoản tiền nên ông bà yên tâm hơn, cháu Nam cũng được chăm sóc tốt hơn để vươn lên học hành”, ông Mạc Văn Diên, ông nội Nam cho biết.
Không chỉ ở miền núi, mà ngay cả miền xuôi, rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng đã được các đơn vị thuộc Ban CHQS tỉnh quan tâm, giúp đỡ kịp thời. “Nhiều đơn vị bộ đội đã thực hiện kết nghĩa với các nhà trường tại địa bàn đóng quân, tạo cầu nối để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ các nhà trường đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, kết nghĩa phục vụ tốt hơn công tác dạy và học“, Thiếu tá Nguyễn Quốc Chiến - Ban tuyên huấn Bộ CHQS tỉnh cho biết. Ví như ở xã Nghi Đức, Trung đoàn 764 thực hiện kết nghĩa với Trường Tiểu học Nghi Đức, xã Nghi Đức, TP. Vinh, mỗi năm nhận đỡ đầu 2 học sinh với khoản hỗ trợ 300 ngàn đồng/tháng. Ngoài ra, Trung đoàn 764 còn tặng 6 xe đạp cho 6 học sinh nghèo trị giá hơn 7 triệu đồng. Trong 3 năm từ 2016 - 2019, ngoài giúp đỡ học sinh khó khăn, Trung đoàn 764 còn tặng sách vở, các suất quà trị giá hơn 17 triệu đồng; giúp hơn 600 ngày công tu sửa trường lớp, xây dựng cảnh quan và tặng hơn 900kg gạo, 1.200 kg rau xanh cho bếp ăn bán trú của trường.
Ngoài triển khai mô hình “Nâng bước em đến trường”, để tạo sức lan tỏa trong việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng ủy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo cơ quan Thường trực triển khai, hướng dẫn các Đảng bộ, chi bộ cơ sở đăng ký thực hiện các mô hình nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với 4 nội dung Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội cụ Hồ” để các cơ quan, đơn vị tham khảo, lựa chọn, đăng ký triển khai. Tiêu biểu có các mô hình: “Tự soi, tự sửa”; “Một tập trung, hai đột phá”; “Thực hiện 3 chuyên cần, 5 mẫu mực; “Tiết kiệm bản thân, để phần người khó”; “Vườn tăng gia kiểu mẫu”; “Nâng bước em đến trường”; “Bộ đội của dân”; “Việc tử tế”; “Một địa chỉ, một tấm lòng”; “Ngày thứ 7, Chủ nhật vì dân”; “Gắn kết yêu thương giữa lương và giáo”; “Tôi yêu Tổ quốc tôi”; “Tuổi trẻ sáng tạo”,… Trong đó, một số mô hình hoạt động có chất lượng, hiệu quả như:“Nâng bước em đến trường” của Trung đoàn 764, Phòng Kỹ thuật, Ban CHQS huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Nam Đàn; mô hình “Vườn tăng gia kiểu mẫu” của Ban CHQS huyện Nghĩa Đàn; mô hình “Ngày thứ 7, Chủ nhật vì dân” của Ban CHQS huyện Nghi Lộc, Kỳ Sơn, Tân Kỳ; mô hình “Một địa chỉ một tấm lòng” của Ban CHQS TP. Vinh...