(Baonghean.vn) - Thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2010-2015, đến nay xã Giang Sơn Đông (Đô Lương) cơ bản xã đã chuyển đổi thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.

Giang Sơn Đông là xã miền núi, địa hình không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp khi "chưa nắng đã hạn - chưa mưa đã lụt". Trong khi đó, hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ tưới tiêu của người dân. Trước  thực trạng đó, xã từng bước thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế của vùng đồi núi nhằm đem lại hiệu quả thu nhập cho bà con nông dân.

images1628581_img_5795.jpgCây mía hàng hóa được khẳng định thế mạnh trên các vùng đất hoang hóa, đồi vệ ở Giang Sơn Đông.

Bước đầu, xã chọn các loại cây trồng chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao và áp dụng vào sản xuất. Từ đó, một số hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu trên vùng đất cao cưỡng;  

Các vùng sâu trũng chuyển đổi sang nuôi thủy sản; chuyển đổi một số diện tích trước đây chuyên trồng ngô đơn thuần sang xây dựng các mô hình cánh đồng thu nhập cao như trồng mía hàng hóa trái vụ, bí xanh, bầu hồ lô, cỏ ngọt, ớt cay...

Nhờ đó, bước đầu xã Giang Sơn Đông đã tạo ra những sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đạt hiệu quả cao, đặc biệt là cây mía hàng hóa cho thu nhập mỗi năm gần 9 tỷ đồng; có nhiều hộ dân đạt thu nhập 200 triệu đồng/ ha mía mỗi năm.

Riêng năm 2015, sau thực hiện chủ trương "Dồn điền, đổi thửa", xã đã chuyển được 120 ha đất màu và đất 2 lúa bấp bênh sang trồng mía, trồng ngô các loại và các cây rau màu phù hợp.

Mô hình của anh Trần Văn Thiện - xóm Yên Tân có 1,5 ha chuyên trồng rau, bí xanh, bí đỏ các loại cho thu nhập bình quân 100 triệu đồng. Ảnh Lương Mai

Để đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thực sự đem lại hiệu quả cao, Đảng uỷ xã Giang Sơn Đông đã yêu cầu các cấp uỷ chi bộ đánh giá đúng tình hình thực trạng của từng vùng, từng xứ đồng để xây dựng nghị quyết và kế hoạch thực hiện, quy hoạch từng vùng sản xuất dựa theo đặc điểm, thế mạnh từng vùng.

Bên cạnh đó, đảng ủy nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ chi bộ, làm tốt công tác động viên, biểu dương tuyên truyền, có biện pháp chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra;  chỉ đạo các cụm trưởng, điểm trưởng về trực tiếp tận từng chi bộ để họp bàn, hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Từ nay đến năm 2020, xã Giang Sơn Đông phấn đấu chuyển đổi theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm dần diện tích trồng lúa, tăng diện tích trồng ngô và các loại rau màu khác nhưng đảm bảo an ninh lương thực.

Chú trọng phát triển chăn nuôi tăng dần số lượng đàn bò hàng hóa, phát triển kinh tế trang trại và ổn định vườn rừng. Dự kiến đến năm 2020, bình quân lương thực đầu người đạt 325 kg/ /năm, trồng rừng nguyên liệu hàng năm đạt 70 ha và phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2019.

Hộ ông Đào Danh Bảy xóm Xuân Thịnh hiện trồng gần 800 gốc bưởi Diễn, lãi khoảng 300 triệu đồng. Ảnh Lương Mai

Trong năm 2016, xã chỉ đạo phối hợp với trạm khuyến nông huyện xây dựng mô hình trồng cây ăn quả (cụ thể  là cây bưởi) với quy mô 0,5 ha tại xóm Thịnh Đồng. Từ đó đẩy mạnh hiệu quả kinh tế và công tác tuyên truyền  để nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn xã.

Tận dụng lợi thế, tranh thủ các nguồn hỗ trợ, xã Giang Sơn Đông đã và đang từng bước thay đổi một diện mạo mới. Có thể khẳng định, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những cách làm hiệu quả trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay và là hướng đi đúng cho những xã miền núi có diện tích trồng lúa bấp bênh như Giang Sơn Đông, từ đó, để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho bà con nông dân một cách bền vững.

Đồng chí Nguyễn Quang Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Giang Sơn Đông: “Việc bảo đảm an ninh lương thực là điều kiện quan trọng nhất. Vì vậy, cần phải sử dụng hợp lý quỹ đất theo hướng thâm canh tăng vụ, đưa những giống cho năng suất cao vào sản xuất. Những vùng có cây chủ lực phải được lựa chọn và tập trung sản xuất lớn ngay từ đầu, nếu khả năng phát triển hàng hóa còn lớn và có điều kiện thì cần có dự án và chính sách khuyến khích mở rộng. Bên cạnh đó, khoa học công nghệ là một yếu tố quan trọng trong nâng cao chất lượng tăng trưởng. Do vậy, cần đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ cho sản xuất. Coi đây là khâu đột phá quan trọng nhất để thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng”.

 Thuý Hằng

Đài Đô Lương

TIN LIÊN QUAN