Giới chuyên môn thường xuyên sử dụng khái niệm "pocket of space" (tạm dịch là "không gian hẹp"). Đấy là không gian giữa các cầu thủ trên sân. Trên thế giới, có những cầu thủ đặc biệt xuất sắc trong việc khai thác những khoảng không gian này, ví dụ David Silva của Man City, người được HLV Pep Guardiola gọi là "bậc thầy về di chuyển giữa các không gian hẹp". Điểm chung giữa những chuyên gia về không gian hẹp là khiêm tốn về vóc dáng, nhưng thông minh, và có kỹ năng xử lý bóng xuất sắc. Họ còn được gọi là "cầu thủ cây kim" (needle player).
Ở một mức độ thấp hơn, Việt Nam cũng có những cầu thủ như thế. Quang Hải, Công Phượng, Văn Đức hay Hồng Duy đều có thể nhận bóng và xử lý tốt trong những không gian chật hẹp. Về điểm này, Việt Nam không thua, thậm chí nhỉnh hơn những đối thủ đến từ Tây Á nằm ngoài nhóm các đại gia của châu lục, ví dụ Iraq. Thế nên, không có gì lạ khi trong trận đấu với nhà vô địch năm 2007 ở loạt trận đầu tiên, HLV Park Hang-seo đã sử dụng một loạt "cầu thủ cây kim", và xây dựng những pha lên bóng xung quanh họ.
Điển hình là Công Phượng. Cầu thủ của HAGL gần như bị "bỏ quên" ở AFF Cup 2018, nhưng bất ngờ được đá chính trong trận đấu có thể xem là quan trọng nhất của Việt Nam ở vòng bảng Asian Cup 2019. Lý do vì anh là người phù hợp nhất với ý đồ chiến thuật của HLV Park Hang-seo ở trận này. Khác với Anh Đức hay Đức Chinh (ở AFF Cup 2018), nhiệm vụ của Công Phượng không phải là đè mặt trung vệ hay kéo sâu hàng thủ đối phương. Anh chơi như một "số 9 ảo", hoạt động lửng lơ ở khu vực các hậu vệ và tiền vệ của đối phương, lôi kéo, mở ra các khoảng trống và khai thác chính các khoảng trống đó.
Hình ảnh trên cho thấy một trong những pha lên bóng điển hình của Việt Nam ở trận đấu với Iraq. Các tiền vệ khi có bóng đã chuyền lên rất nhanh cho Văn Đức. Cầu thủ người Nghệ An xoay xở khéo léo để có thể dẫn bóng hướng về phía khung thành của Iraq lúc tiền vệ trung tâm của họ chưa kịp ập vào, buộc một trung vệ của họ phải dâng lên. Khi dâng lên, trung vệ này đương nhiên để lại một khoảng trống lớn sau lưng mình. Và đó chính là nơi Công Phượng chủ động di chuyển vào để nhận đường chuyền từ Văn Đức.
Pha bóng ấy không dẫn tới bàn thắng, nhưng nó là một cuộc "tập dượt" giá trị. Ở tình huống tương tự diễn ra không lâu sau đó, Việt Nam đã có bàn mở tỷ số:
Như ở tình huống đầu tiên, Văn Đức lại giật xuống khoảng trống trước mặt các trung vệ của Iraq để nhận đường chuyền loại bỏ các tiền vệ trung tâm của đối phương từ Hùng Dũng. Cách di chuyển của Văn Đức đặt trung vệ gần nhất của đối phương trước hai lựa chọn. Hoặc là giữ vị trí, chấp nhận để cho Văn Đức nhận bóng và xoay người lại. Hoặc là dâng lên gây sức ép, đồng nghĩa với việc bỏ lại một khoảng trống phía sau. Lựa chọn nào cũng có mặt rủi ro. Và anh ta đã quyết định chọn cách thứ hai.
Đó là lúc những kỹ năng của một "cầu thủ cây kim" trong Văn Đức phát huy giá trị. Dù bị cầu thủ đối phương gây sức ép rất mạnh, Văn Đức vẫn có thể thực hiện một pha kéo bóng mềm mại, trước khi gẩy sang cho Quang Hải băng xuống. Nhờ di chuyển sớm, Quang Hải hoàn toàn chủ động hơn so với người theo kèm. Cầu thủ của Việt Nam đã chuyền bóng vào vị trí lẽ ra thuộc về trung vệ đã băng ra của Iraq cho Công Phượng di chuyển xuống. Dưới sức ép của Công Phượng, trung vệ đối phương sau đó lóng ngóng phản lưới.
Những pha di chuyển và phối hợp trong các không gian hẹp cũng giúp Việt Nam có được những pha lên bóng rất có nét. Các cầu thủ Iraq to hơn, mạnh hơn, có lợi thế hơn trong những pha tranh chấp trực diện hay những tình huống đua sức trên đường dài. Nếu cố gắng chơi bóng một cách trực diện với họ, Việt Nam chắc chắn thất bại. Nên lựa chọn của ông Park Hang-seo là tạo ra một thế trận linh hoạt, các cầu thủ - nhất là ba cầu thủ tấn công - không ngừng di chuyển sang những khu vực lẽ ra thuộc quyền quản lý của cầu thủ khác, khiến đối phương bối rối. Chính trong giây phút bối rối đó, chúng ta sẽ đánh bại họ.
Trong tình huống trên, Quang Hải bất ngờ lùi xuống vị trí lẽ ra thuộc về Hùng Dũng. Sự có mặt của anh khiến tiền vệ trung tâm của Iraq bất ngờ và có một thoáng chần chừ. Chỉ một thoáng thôi nhưng thế là đủ để Quang Hải xử lý được đường chuyền (kiểu lườm rau gắp thịt) từ Trọng Hoàng, và đủ để Hùng Dũng di chuyển tới một vị trí tốt để nhận bóng.
Trong tình huống tiếp theo, Hùng Dũng đã có thể nhận bóng ở vị trí và tư thế thuận lợi. Phía trước anh có nhiều lựa chọn chuyền bóng tốt. Hàng thủ Iraq đã rối loạn vì các cầu thủ buộc phải rời vị trí để áp sát cả cầu thủ có bóng (Hùng Dũng) lẫn cầu thủ chuẩn bị nhận bóng (Văn Đức). Nếu trong tình huống này Hùng Dũng chuyền theo hướng mũi tên xanh, Xuân Trường đã có cơ hội thực hiện đường chuyền một chạm cho Công Phượng đang di chuyển vào khoảng trống. Chuyền theo hướng mũi tên trắng cũng là một lựa chọn không tồi, nhưng so với Xuân Trường, Văn Đức không có được vị trí và tư thế thích hợp để thực hiện pha chuyền bóng một chạm cho Công Phượng.
Xu hướng tự nhiên của các cầu thủ là bị hút về phía trái bóng.Thế nên, khi một cầu thủ nhận bóng trong không gian hẹp, anh ta có thể thu hút về mình ba thậm chí bốn cầu thủ. Những pha phối hợp nhanh trong các không gian hẹp vì thế có hiệu quả rất lớn trong việc hút đội hình của đối phương về một hướng. Những cầu thủ ở hướng còn lại sẽ có nhiều không gian hơn để hoạt động. Phối hợp một cánh và dứt điểm ở cánh còn lại chính là một trong những "khẩu quyết" của HLV Pep Guardiola.
Trong pha bóng dẫn tới bàn thắng thứ hai, một loạt những pha phối hợp nhanh ở trung lộ của Việt Nam đã khiến đội hình của Iraq bị hút hết về phía cánh phải của họ. Bên cánh trái, Trọng Hoàng tự do di chuyển mà không bị ai để ý. Quang Hải đã xoay xở tốt để có thể chuyền bóng cho đàn anh. Trong tình huống tiếp theo, Trọng Hoàng đã dẫn bóng xộc thẳng vào vòng cấm, trước khi cú sút của anh tạo điều kiện cho Công Phượng nâng tỉ số lên 2-1.
Tuy nhiên trong hiệp 2, Việt Nam đã không thể duy trì được cách chơi này.Vì nhiều lý do. Khi Xuân Trường rời sân, chúng ta mất đi một cầu thủ có thể thực hiện những đường chuyền xuyên tuyến tốt. Sau khi Công Phượng rời sân, chúng ta cũng mất đi một cầu thủ có thể nhận bóng và xoay người một cách gọn gàng. Người vào thay là Đức Chinh thường xử lý bước một không hợp lý, khiến các pha lên bóng bị chậm lại. Ngoài ra, cũng không thể không nói tới việc Iraq sau khi chuyển đội hình từ 3-4-3 sang 4-3-3 đã kiểm soát trung lộ tốt hơn, gây được nhiều sức ép về phía khung thành của Việt Nam hơn, cũng đồng nghĩa với việc đẩy đội hình của chúng ta lùi sâu hơn.
Tuy không thành công về mặt kết quả, rõ ràng là Việt Nam đã có một lựa chọn chơi bóng hợp lý. Với những đội bóng có thể hình thể lực vượt trội như Iraq, chúng ta không thể đua sức hay đua tốc độ với họ trên những quãng đường dài. Mà phải tận dụng sự linh hoạt có được nhờ trọng tâm thấp để đánh bại họ trong những không gian hẹp và cự ly ngắn. Đấy cũng là chiến thuật mà HLV Park Hang-seo có thể áp dụng lại trong trận đấu với Iran, một đội bóng Tây Á khác. Khác một chút là so với Iraq, Iran ở một trình độ cao hơn nên các cầu thủ Việt Nam cũng phải nhanh hơn, chính xác hơn và dứt khoát hơn nữa trong từng pha xử lý.