Nghề làm hương đã gắn liền với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, văn hóa tâm linh của người Việt từ bao đời. Những ngày áp Tết, một số làng hương ở Thanh Chương nhôn nhịp với nghề. Đặc biệt, ngoài hương trầm kích cỡ trung bình như các làng nghề khác, nơi đây có nhiều hộ dân sản xuất hương trầm "khủng". Hương trầm cây to, dài từ 1,2 đến 2, 5 m, có đường kính từ 2 - 3,5 cm. Hương có lõi 3 chu, bột hương to hơn, còn tỷ lệ pha chế bột hương thì như nhau. Bàn xe hương loại to này cũng phải dài để rải giấy cho vừa. Việc xe hương "khủng" thường do những người đàn ông có bàn tay chắc, khỏe đảm nhận. Các công đoạn sản xuất hương loại lớn vẫn theo phương pháp thủ công. Riêng việc hoàn thiện mỗi cây hương thì gần giống như làm 1 búp hương (bít chân, bọc nilon, dán nhãn...).
Chân hương thường được bọc 1 lớp giấy đỏ để giữ hương không bị bung, vừa để tăng tính thẩm mỹ cho cây hương. Theo quan niệm của những người làm nghề, hương đại làm đúng chuẩn là khi bén lửa phải cháy đều, quăn đẹp (chu làm từ 3 thanh nứa sẽ cong như cánh hoa), mùi thơm ngọt, thanh dịu và phảng phất lâu.
.
Một góc nhà của hộ dân chuyên làm hương lớn ở xã Thanh Tường. Những bó hương "khủng" thành phẩm đủ các kích cỡ dựng đầy trong nhà, có loại cao ngang cửa lớn. Hương "khủng" ở làng Dinh Chu xã Thanh Tường là sản phẩm đặc biệt được bà con nơi đây làm rất kỳ công. Những cây hương lớn như những cây mía. Mỗi cây hương này sẽ cháy trong thời gian từ 8 đến 10 tiếng đồng hồ. Anh Nguyễn Thế Tùng ở xóm Tường Đình, làng Dinh Chu cho biết, mỗi vụ hương Tết, ngoài hàng vạn búp hương kích cỡ trung bình, gia đình anh còn sản xuất được hàng nghìn cây hương "khủng". Loại hương lớn này thường sử dụng để thắp những nơi đông người, như nhà thờ họ, đền, đình... vào đêm giao thừa. Giá hương loại lớn bán lẻ giao động từ 50 - 100 nghìn đồng/cây, tùy vào kích thước từng loại hương.. Những cây hương lớn được vận chuyển đi bán, giao cho khách hàng đặt làm trước tết. Mỗi dịp Xuân về, hương "khủng" được tung ra thị trường đem đến hương vị Tết cổ truyền.