(Baonghean) - Thực hiện sản xuất theo cơ chế thị trường, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi tạo sản phẩm hàng hóa. Những mô hình sau chưa thể đại diện hết cho những đổi mới trong phát triển kinh tế của nông dân các địa phương nhưng là những điển hình đáng để nhân rộng.
Làm giàu từ vườn đồi
Ông Đào Xuân Bảy ở xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương nổi tiếng trong vùng với nghề trồng cây ăn quả. Mảnh đất xóm Xuân Thịnh, nơi ông lập nghiệp vốn là vùng “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, thế nhưng mọi người thật sự bất ngờ khi gây dựng nên vườn bưởi có một không hai.
Trên vùng đồi gần 3 ha, ông Bảy trồng 680 cây bưởi, nhưng mới có gần 390 cây cho thu hoạch. Ba năm gần đây gia đình trúng lớn. Năm 2015 thu được gần 600 triệu đồng. Năm 2016, dự kiến thu được khoảng 800 triệu đồng. Tính ra, mỗi cây bưởi bước vào thời kỳ kinh doanh, mỗi năm cho thu hoạch xấp xỉ 2 triệu đồng, tương đương mức thu một sào ruộng.
Ông Bảy cho hay, vườn trước đây cũng đã từng trồng cam, vải thiều và hồng xiêm nhưng rồi phải phá bỏ, vì các cây đó không hiệu quả, đầu tư lớn mà thu hoạch chẳng đáng là bao. Năm 2006, gia đình chuyển sang trồng thí điểm bưởi Diễn. Rất mừng sau hơn 2 năm thì cho quả và chất lượng vượt trội, lại chín trái vụ vào dịp Tết nên bán được giá, rất dễ tiêu thụ.
Không những thế bưởi Diễn rất dễ trồng, kỹ thuật không phức tạp, ít sâu bệnh. Để thuận lợi cho việc thâm canh đầu tư, tạo sự phát triển bền vững của vườn bưởi, ông Bảy kết hợp đào 3 ao thả cá dưới chân đồi, nuôi vịt, gắn với lấy nước tưới chống hạn cho bưởi. Đồng thời gia đình còn nuôi trâu, bò sinh sản vừa cho thu nhập, vừa tạo nguồn phân hữu cơ bón cho bưởi. Hiện gia đình có trên 100 con vịt đẻ siêu trứng, đàn trâu bò 6 con…
Trồng bưởi kết hợp chăn nuôi, giúp ông Đào Xuân Bảy trở thành tỷ phú vùng đồi, với mức thu nhập năm 2016 trên 1 tỷ đồng. Mô hình sản xuất của ông được huyện Đô Lương khuyến khích nhân rộng.
Nuôi bò sữa, thu tiền tỷ
Sau nhiều năm mày mò với các loại cây trồng, vật nuôi, ông Trần Văn Hữu ở xóm Đông Hòa, xã Nghĩa Hòa, thị xã Thái Hòa đã chọn con bò sữa để làm giàu. Nghề này phát triển bền vững khi có doanh nghiệp, hội trang trại, UBND thị xã, ngân hàng cùng đồng hành và mang lại siêu lợi nhuận.
Tháng 9/2015, ông bước vào nghề, cũng là lúc thị xã Thái Hòa chủ trương khuyến khích phát triển đàn bò sữa theo chuỗi liên kết. Ông Hữu bỏ ra 500 triệu đồng để mua 5 con bò giống, xây chuồng trại, sắm máy vắt sữa. Giống bò sữa Hà Lan được đưa về nuôi, sinh sản tốt, năng suất rất cao, mỗi ngày cho sản lượng bình quân 25-35 kg sữa/con nên sớm giúp gia đình thu hồi vốn.
Hiện gia đình ông có 8 con bò sữa, trong đó 5 con đang vắt sữa cho sản lượng 150 kg/ngày, trừ chi phí mỗi ngày có lãi ròng 1 triệu đồng. Không chỉ đem lại nguồn thu từ sữa, mà gia đình còn có khoản thu từ bê con. Do chất lượng đàn bò khá tốt cộng với tuân thủ quy trình chăm sóc, phối giống kịp thời, đàn bò sữa của gia đình sinh sản đều, bê cái ông giữ lại phát triển đàn, còn bê đực nuôi bán thịt.
Như vậy ngoài cho sản phẩm sữa, đàn bò sữa còn cho nguồn bê giống tăng đàn trị giá trên 200 triệu đồng. Năm 2016, gia đình thu lãi từ nghề nuôi bò sữa gần 600 triệu đồng, đưa đàn bò sữa của gia đình tăng trưởng gần gấp đôi.
Cùng với ông Hữu, trên địa bàn thị xã Thái Hòa còn có trang trại ông Hồ Sỹ Điều, xóm 4, xã Nghĩa Tiến nuôi 40 con bò sữa, trong đó có 26 con cho vắt sữa, mỗi năm cho doanh thu trên 2,2 tỷ đồng; Hay như trang trại của chị Nguyễn Thị Lộc xóm Đông Thành, xã Đông Hiếu; trang trại anh Trần Duy Đức, xóm Đông Hưng, xã Nghĩa Mỹ có đàn bò sữa 20 - 26 con/hộ, doanh thu mỗi năm xấp xỉ 2 tỷ đồng/hộ.
Hiện thị xã Thái Hòa có 20 trang trại nuôi bò sữa với tổng đàn 256 con. Năm 2016, sản lượng đạt 1.800 tấn, giá bán 13.000 - 14.000 đồng/kg, doanh thu từ sữa đạt gần 25 tỷ đồng. Đây là mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi với sự liên kết, giúp nông dân vươn lên làm giàu bền vững.
“Hái tiền” từ trồng hoa
Ở thị xã Thái Hòa còn có nghề trồng hoa cũng đang giúp nhiều hộ “hái ra tiền”. Toàn thị xã có 30 hộ trồng hoa với diện tích 5 ha. Tùy từng loài hoa, mức thu nhập bình quân 1 ha xấp xỉ 700 triệu đồng.
Ngày giáp Tết Đinh Dậu, chúng tôi có dịp tới thăm cơ sở trồng hoa của anh Nguyễn Văn Đức, xóm Đông Hòa, xã Nghĩa Hòa. Với 15 năm trong nghề, trên diện tích 1 ha, anh Đức trồng hoa, trung bình mỗi năm doanh thu gần 700 triệu đồng, trong đó phần lãi ròng trên 50%. Anh Đức cho biết, do được tập huấn nắm bắt kỹ thuật và đặc tính sinh học của từng loài hoa nên phòng trừ được sâu bệnh, điều tiết hoa nở đúng dịp lễ Tết...
Anh còn nghiên cứu thị trường người tiêu dùng ưa chuộng để đưa vào sản xuất kinh doanh những loài hoa phù hợp, quay vòng vốn nhanh, lãi cao. Khu vực trồng hoa được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và phun sương để chống hạn cho hoa trong mùa nắng nóng và thực hiện công nghệ thâm canh cao, điều chỉnh hoa nở đúng thời điểm. Vì thế chất lượng hoa khá tốt, sản xuất đến đâu bán ngay đến đó. Trung bình mỗi năm cung cấp cho thị trường gần 20 vạn cây hoa các loại.
Chuẩn bị phục vụ Tết Đinh Dậu 2017, từ đầu tháng 11/2016 anh đã ra giống trồng 1 vạn cây hoa ly (Hà Lan), 6 vạn cây cúc vàng, 2.000 cây hoa hướng dương và hàng trăm gốc đào. Dự tính, doanh thu riêng trong dịp Tết trên 400 triệu đồng, trừ chi phí còn lời khoảng 200 triệu đồng. Cả năm, mô hình của anh Đức cho lãi ròng trên 500 triệu đồng. Nghề trồng hoa, bên cạnh “làm đẹp cho đời” còn đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.
Văn Đoàn