(Baonghean) - Không chỉ nêu gương trong phát triển kinh tế, nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín ở Tân Kỳ có những việc làm góp phần giữ gìn bản sắc, xây dựng nếp sống văn hóa, tình làng nghĩa xóm nhờ vậy thêm bền chặt. Họ xứng đáng là những “cây cao bóng cả” của bản làng.

Đến xóm Đồng Thờ, xã Nghĩa Dũng, người dân tận tình chỉ đường cho chúng tôi đến nhà  ông Hà Văn Thân và ai nấy đều “ca tụng”: “Ông ấy là người uy tín của làng đấy!”. Gặp ông Thân, chúng tôi nhận ra rằng, bà con yêu quý ông không chỉ vì cái cơ ngơi mà ông đã tạo dựng nên, hơn hết đó còn là tấm gương điển hình của đồng bào dân tộc Thổ đi đầu trong công tác xóa đói, giảm nghèo của xã.

Cũng như nhiều hộ dân ở huyện miền núi Tân Kỳ, gia đình ông Hà Văn Thân từ trước đến nay gắn bó với nghề nông, với cây ngô, cây lúa. Nhưng với sự năng động, nhạy bén của  mình ông Thân cho rằng chỉ dựa vào cây lương thực sẽ khó mà khấm khá được. Vậy là ông quyết định đẩy mạnh thêm hoạt động chăn nuôi. Trong chuồng có trâu, bò, lợn, gà, ngoài vườn có ao thả cả. Mô hình kinh tế VAC trên vùng bán sơn địa đã thực sự mang lại hiệu quả. Nhận thấy trên địa bàn các loại hình dịch vụ sản xuất nông nghiệp hạn chế, gia đình ông  đã đầu tư vốn mở cơ sở xay xát, nghiền thức ăn gia súc. Bên cạnh đó mua sắm máy cày đa chức năng, máy tuốt lúa phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng. Chính nhờ sự năng động, mỗi năm gia đình ông thu về từ 200 - 300 triệu đồng.

Cùng với việc phát triển kinh tế gia đình, đảng viên Hà Văn Thân cùng cấp ủy, Chi bộ xóm Đồng Thờ tận tình hướng dẫn người dân cách làm ăn, đồng thời tạo điều kiện cho các gia đình vay vốn không tính lãi để có nguồn vốn phát triển kinh tế. Tính đến nay ông Thân đã cho 9 hộ vay không tính lãi, với số tiền 15 triệu đồng/hộ, trong số đó có 6 hộ đã thoát nghèo. Khi Nhà nước có chủ trương xây dựng nông thôn mới, ông Thân đã đến từng nhà, gặp gỡ từng người động viên bà con cùng góp công, góp sức tham gia. Nhờ vậy, nhiều hộ đã tự nguyện hiến đất, đóng góp vật liệu, ngày công làm con đường bê tông khang trang sạch đẹp. Ông Thân chia sẻ: “Muốn người dân hiểu và làm theo thì bản thân mình phải luôn gương mẫu đi đầu, đó không chỉ là trong lời nói mà phải bằng hành động, việc làm cụ thể”.

Ông Trương Văn Chất (thứ hai, trái sang) tuyên truyền về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cho bà con.
Ông Trương Văn Chất (thứ hai, trái sang) tuyên truyền về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cho bà con.

Còn ông Trương Văn Chất ở  xóm Đồi Chè, xã Giai Xuân được mọi người tôn vinh là “cây cao bóng cả”. Ông Chất chính là người không quản ngại vất vả đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động họ tự nguyện hiến 4.500m2 đất, 100m tường rào và hàng trăm cây trồng lâu năm để làm đường. Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn xóm đã có 500m đường bê tông. Nhưng điều ông quan tâm nhất là phát triển các phong trào thi đua của xóm, vận động bà con cùng đóng góp mua được bộ cồng chiêng trị giá 6 triệu đồng. Hàng năm, vào ngày hội đại đoàn kết toàn dân, khi tiếng cồng chiêng vang lên, thì mọi người đều hội tụ về nhà văn hóa xóm tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao. Những trò chơi dân gian như: ném còn, đẩy gậy, kéo co, hát giao duyên đã được duy trì, bản sắc văn hóa dân tộc Thổ được giữ gìn, tinh thần đoàn kết, gắn bó của bà con cũng nhờ vậy được phát huy.

Bà Hoàng Thị Oanh, người dân của xóm Đồi Chè còn cho biết: Trước đây mỗi khi họp xóm, bà con phải mang theo ghế để ngồi, thì nay nhờ sự vận động của ông Chất, xóm đã có kinh phí hoàn thiện thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Xóm đã xây dựng được khuôn viên nhà văn hóa, sân bóng chuyền, người dân xóm chúng tôi tự nguyện đóng góp 50 triệu đồng. Với sự vận động của ông Chất, người dân xóm Đồi Chè đã xóa bỏ những hủ tục lạc hậu như: ăn uống linh đình trong các dịp ma chay, cưới hỏi; ông còn vận động được 140 cặp vợ chồng thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình. Kết quả 3 năm liền, xóm Đồi Chè không có người sinh con thứ 3.

Xuất hiện ở đâu là đem lại bình yên, vui vẻ ở đó. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Thông, dân tộc Thổ, ở bản Bàu Khe, xã Giai Xuân được nhân dân trong bản trìu mến gọi là “ông hòa giải”. Trong suốt quá trình đảm nhiệm vai trò người “vác tù và” từ năm 2002 đến nay, ông Thông không thể nhớ hết mình đã tham gia bao nhiêu vụ hòa giải. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay ông đã hòa giải thành công 3 trường hợp. Đơn cử như việc vợ chồng anh T.V.Đ và chị T.T.N lục đục và đứng trước nguy cơ tan vỡ hôn nhân bởi thói nghiện rượu của anh Đ. Ông Thông đã gặp riêng từng người sau đó cùng trao đổi với cả hai vợ chồng. Ông đã phân tích để anh Đ hiểu được việc bê tha rượu chè sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, hạnh phúc và đời sống gia đình, nhất là anh Đ là trụ cột gia đình có đến 5 miệng ăn.

Về phía người vợ, ông động viên cảm thông với những khó khăn mà chị N phải chịu đựng, đồng thời khuyên nhủ chị tạo cho anh một cơ hội. Chính những lời lẽ có tình, có lý đó, anh Đ đã hạ quyết tâm bỏ rượu, chị N cũng rộng lòng bỏ qua. Gặp chúng tôi, anh Đ ngần ngại cho biết: “Chuyện riêng gia đình mình nhưng mà nhờ có những người như bác Thông vun vén… nếu không thì gia đình tôi không biết sẽ như thế nào”. Hay như vụ việc thanh niên xóm Đồi Chè (xã Giai Xuân) xích mích với thanh niên xóm Bàu Khe. Hai nhóm đã tụ tập với dao rựa để “nói chuyện”, ông Thông đã nhanh chóng thông tin cho công an xã phối hợp ngăn chặn, đồng thời khuyên bảo hóa giải mối hiềm khích và còn tạo mối quan hệ gắn bó thân thiện giữa thanh niên 2 xã.

Những người như ông Hà Văn Thân, ông Trương Văn Chất, ông Nguyễn Văn Thông là những điển hình trong số 56 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tân Kỳ. Nhiều năm qua, họ đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm của mình, trở thành nòng cốt trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đặc biệt là tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Đánh giá về những đóng góp của các già làng, trưởng bản, bà Vũ Thị Lĩnh, Phó phòng Dân tộc huyện cho biết: Toàn huyện có 12/22 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số. Những năm gần đây phong trào già làng làm nhiều việc tốt có ý nghĩa thiết thực, vận động bà con xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, nhân dân toàn huyện hiến được 372.671m2 đất, trong đó riêng các hộ đồng bào dân tộc thiểu số hiến được 90.950m2, đóng góp  hơn 1 tỷ 350 triệu đồng và gần 20 nghìn ngày công để làm đường giao thông nông thôn và các công trình khác của địa phương. Trong phát triển kinh tế, đồng bào vùng dân tộc thiểu số đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tiến phương thức canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Điển hình như xã Tân Xuân, Giai Xuân chuyển đổi trồng lúa sang trồng mía đem lại năng suất cao đạt 80-100 tấn/ha; phát triển vườn rừng trồng cây nguyên liệu ở Phú Sơn, Tiên Kỳ, Đồng Văn, Tân Hợp, Hương Sơn; mô hình làm kinh tế VACR ở Giai Xuân, Nghĩa Bình, Nghĩa Dũng… 

Tận tâm với công việc, nói đi đôi với làm, nêu gương sáng trong mỗi hành động vì cuộc sống no ấm của bà con, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Tân Kỳ đã và đang tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. 

 Quảng An