(Baonghean.vn) - Nằm ở độ cao 2.711 mét so với mực nước biển, Pùxailaileng là đỉnh cao nhất của dãy Trường Sơn Bắc chạy từ sông Cả vào đến Quảng Nam. Nơi đây, đại ngàn, núi cao miên man như vô tận. Nơi đây, ngày đêm đang có những người âm thầm vạch núi, xuyên mây, băng rừng để định hình đất nước bằng những cột mốc chủ quyền bất diệt sừng sững. Họ là thành viên của các Đội cắm mốc 1 và 2 (Nghệ An).

784114_small_84458.jpg

  Từ đồn BP 527, xuồng ngược Nậm Nơn lêm mốc 397, qua 3 con thác hung dữ.





Mỗi bao cát, xi măng vào đến mốc đều phải qua rất nhiều chặng đường. Bao xi măng phải chia đôi, chia ba theo vai người cắm mốc lên điểm tập kết.

 

Trong những ngày đi cùng Đội, ngẩng mặt là núi dựng, đạp chân là thác ghềnh, chia nhau từng miếng lương khô hiếm hoi, rơi nước mắt khi lạc đồng đội, vắt xanh cắn bên vai nhòe máu, có người 3 ngày không thốt được một lời... mới thấu hiểu phần nào nỗi vất vả trên thượng nguồn của người đi cắm mốc hình đất nước. Quãng đường 4 năm dằng dặc đi xuyên rừng không thể đo đếm được bao bước chân. Mỗi mốc quốc giới thiêng liêng được dựng lên kèm theo biết bao câu chuyện cảm động không kể hết.

 

Từ đồn biên phòng 527 (xã Mỹ Lý, Kỳ Sơn), chiếc xuồng máy mỏng mảnh ngược dòng Nậm Nơn, đi về phía nước bạn Lào, nơi ấy là cột mốc 3 tăng dày 397. Để lên được mốc, chúng tôi phải vượt qua 3 con thác có tiếng: Cành Trạp, Cành Mai và Cành Xơ. Nghe kể, qua 3 thác này, chuyện lật thuyền, mất đồ xẩy ra như cơm bữa. Mốc 397 nằm ở ngã 3 đầu nguồn Nậm Nơn giáp Mường Dương (huyện Mường Quăn, Hủa Phăn, Lào). 


 

Để dựng mốc, không biết bao nhiêu công sức của anh em cán bộ Đội cắm mốc 1 (ĐCM1) đã đổ xuống, nhiều như nước Nậm Nơn. Thượng tá Phan Văn Hồng - Đội trưởng ĐCM1 cho hay rằng, mỗi cột mốc bằng đá granit nguyên khối được đặt từ Bình Định về không hề nhẹ chút nào. Mốc đại như ở Nậm Cắn nặng 1 tấn, mốc trung (để tôn tạo) đến 4,5 tạ, còn mốc tiểu cũng tròm trèm 2,6 tạ. Từ lòng chiếc xuồng đang nặng trịch tiếng máy, ngước nhìn đại ngàn xanh thẫm trên đầu, chúng tôi khó có thể mường tượng được, bằng cách nào mà cột mốc nguyên khối đấy vượt cả ngàn cây số, qua biết bao chặng đường lại có thể vào đến nơi sơn cùng, thủy tận này, để rồi kiêu hãnh đứng trường tồn như một biểu tượng bất diệt của bờ cõi cha ông. Có lẽ, chỉ có lòng quả cảm, niềm tự hào ngàn năm ăn sâu nơi mỗi người đi cắm mốc mới có thể làm nên. 


 

Ngày mai, tháng sau, họ vẫn nối bước lên đường về phía rừng già, núi thẳm mênh mông. Khi cột mốc đường biên 2 nước Việt Nam - Lào hoàn thành, Chính phủ, người dân 2 nước qua lại làm ăn, thăm hỏi nhau trong tình hữu nghị, hẳn sẽ không ai quên công sức những người đi cắm mốc hôm nay. Bởi, biên giới để phân định, chứ không phải để ngăn cách !

 

Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên Báo Nghệ An ghi lại được trong một chuyến ngược rừng cùng Đội cắm mốc số 1:




                Móng cột mốc 397 (2) phía Việt Nam đang được hình thành.



Lán trại dã chiến của đội bên bờ thượng nguồn Nậm Nơn, nơi giáp giới nước bạn Lào.



Bếp ăn bên bờ suối, gợi nhớ những bếp ăn năm xưa trong binh trạm giữa rừng trên đường vào tiền tuyến.



Cột mốc nặng trĩu chủ quyền Tổ quốc được đưa lên theo vách sông dựng đứng.



              Tranh thủ quăng chài, kiếm ít cá Nậm Nơn để cải thiện bữa chiều.



                     Làm thêm giá đỡ, mắc võng cho những đồng đội mới lên.



                           Bữa tối được dọn ra ngay trên nền sạp ngủ.



      Cột mốc 397 (3) phía bên kia bờ Nậm Nơn vẫn còn đang chờ đội xây dựng.



Cột mốc 397 (1) phía nước bạn Lào đã được chúng ta dựng lên giúp bạn sắp hoàn thành.



               Phóng viên báo Nghệ An trong những ngàyđi cùng đội cắm mốc.


Trần Hải