Những 'bức tranh' độc đáo trên vải thổ cẩm của người Thái ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Tranh thủ lúc nông nhàn, phụ nữ vùng cao Tương Dương dành thời gian chăm chút cho các công đoạn thêu, dệt thổ cẩm. Từ bàn tay khéo léo, người phụ nữ Thái đã tạo ra những "bức tranh" vô cùng bắt mắt.
16/08/2019 - 10:04
Sau mỗi vụ cấy, vụ gặt, về các bản, làng người Thái dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ ngồi tỉ mẩn thêu váy, thắt lưng, khăn quấn đầu. Trong ảnh là chị em bản Cây Me, xã Thạch Giám (Tương Dương) tranh thủ thêu váy. Bà Vang Thị Trọng ở bản Cây Me, xã Thạch Giám được biết đến là một người thêu váy đẹp. Bà cho biết: “Trong bản có nhiều người biết thêu và thêu rất đẹp, nên được các địa phương khác đến đặt thêu". “Thêu không khó, nhưng đòi hỏi người thêu ngoài tính cần cù, chịu khó còn phải có đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng tốt” - bà Lô Thị Lan ở bản Mác, xã Thạch Giám nói. Một phụ nữ đang miệt mài với đường kim, mũi chỉ để tạo nên tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Có thể xem họ là những họa sĩ sáng tác ra hoa văn, hình thù độc đáo. Để hoàn thành một chân váy mất khoảng thời gian từ 3 ngày đến 1 tuần phụ thuộc vào độ phức tạp. Ngoài đôi tay khéo léo, người thêu cũng phải có trí tưởng tượng phong phú thì mới tạo ra được một "bức tranh" thổ cẩm đẹp. Phụ nữ Thái thường cách điệu những hình tượng gắn liền với cuộc sống hàng ngày như mặt trăng, mặt trời, cỏ cây, hoa lá, muông thú, hình khối... để thêu lên chân váy, thắt lưng, khăn quấn đầu. Tuy vậy, mỗi người có trí tưởng tượng riêng nên sản phẩm rất đa dạng cách thể hiện. Từ màu sắc cho tới hoa văn toát lên sự tỉ mỉ, khéo léo của người thêu. Mỗi sản phẩm đều có một giá trị riêng, không chỉ dùng để làm trang phục hay trao đổi, buôn bán đơn thuần mà sâu hơn nữa chính là giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây xứ Nghệ. Để có những bộ trang phục truyền thống bắt mắt như vậy, người phụ nữ Thái đã phải bỏ rất nhiều thời gian, tâm huyết. Mỗi sản phẩm thổ cẩm được xem như một tác phẩm nghệ thuật hết sức độc đáo.