Thời tiết giao mùa từ thu sang đông mưa nắng thất thường và hanh khô khiến trẻ em dễ bị các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút tấn công.
 
Tiết trời chuyển từ thu sang đông khiến nhiệt độ thay đổi thất thường, tương đối cao vào ban ngày nhưng ban đêm trời lại se lạnh. Những thay đổi này tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh sinh sôi nảy nở. 
 
Trẻ em có hệ miễn dịch yếu, cơ thể chưa kịp thích nghi với những thay đổi của môi trường trong thời điểm giao mùa khiến khả năng đề kháng suy giảm, vì vậy đây chính là giai đoạn bộc phát các bệnh ở trẻ.
 
Dưới đây là những bệnh trẻ em thường gặp khi tiết trời chuyển từ thu sang đông.
 
 
images1395336_3.jpgNhững bệnh trẻ em thường gặp khi thời tiết chuyển mùa sẽ trở nên nguy hiểm nếu không chữa trị kịp thời
 
Đau họng, viêm họng
 
Bệnh do vi khuẩn gây ra, các triệu chứng thường xảy ra bất ngờ như sưng họng, ớn lạnh, sốt, đau đầu, buồn nôn và thậm chí thỉnh thoảng bị nôn. Họng tấy đỏ và amidan sưng, đôi khi có hạch. Các mẹ cần đưa trẻ đến bác sỹ để kiểm tra họng, chẩn đoán loại bệnh. Bác sỹ cho uống kháng sinh trong 10 ngày. Trẻ có thể đi học sau 1 ngày uống thuốc.
 
Tiêu chảy cấp
 
Đại đa số trường hợp tiêu chảy cấp là do ăn phải thức ăn bị nhiễm bẩn. Tác nhân gây tiêu chảy có thể là vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn (lỵ, thương hàn,tả…) hoặc virus, nấm, kí sinh trùng đường ruột. Tiêu chảy cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 80% xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi.
 
Tác nhân gây tiêu chảy thường gây bệnh bằng đường phân - miệng: Phân người bị tiêu chảy làm nhiễm bẩn thức ăn, nước uống này hoặc tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây. Hãy cho trẻ uống nhiều nước như oresol, nước hoa quả. Nếu trẻ bị tiêu chảy nhiều, hãy sớm đưa trẻ đến các trung tâm y tế để xử lí bệnh sớm và đúng cách.
 
Cảm, cúm
 
Cảm do vi rút gây ra và lây lan qua không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Người bị cảm thường bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu, ho, sưng họng hoặc mệt mỏi.
 
Cúm là bệnh về đường hô hấp do vi rút. Bệnh lây lan qua nước bọt, nước mũi/đờm của người mang bệnh. Bệnh cúm thường có triệu chứng sốt, đau các cơ, ho khan, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau đầu và mệt mỏi.
 
 
Cảm cúm là bệnh trẻ em hay mắc khi thời tiết chuyển từ thu sang đông
 
Không có thuốc nào chữa 2 loại bệnh trên nhưng hãy cho trẻ nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Nên cho trẻ nghỉ học vài ngày. Hiện đã có vắc xin phòng cúm nhưng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đưa trẻ đi tiêm.
 
Sốt không rõ nguyên nhân
 
Rất nhiêu trẻ đang chơi bình thường tự nhiên lên cơn sốt, cha mẹ cần chú ý tới việc bù nước và hạ sốt cho trẻ. Nếu không bù nước tốt, trẻ sẽ bị mất nước điện giải, cộng với thân nhiệt cao sẽ dẫn tới các biến chứng như co giật, hôn mê đe dọa đến tính mạng của trẻ. Khi trẻ bị sốt nên để trẻ nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng, chườm mát, tắm nước ấm và nếu trẻ bị co giật để nằm nghiêng nơi thoáng và làm sạch miệng rồi gọi cấp cứu.
 
Bệnh xương khớp
 
Bệnh xương khớp đặc biệt là bệnh thấp khớp thường gặp ở trẻ 5 - 15 tuổi, bệnh phát triển mạnh khi trời lạnh, hoặc mỗi khi thay đổi thời tiết. Triệu chứng ban đầu của bệnh thể hiện qua viêm họng đỏ cấp tính, sốt và đau họng. 
 
Sau 7 - 10 ngày bệnh nhân có thể sốt cao, mệt mỏi, xanh xao, sưng, nóng đỏ và đau các khớp lớn như khớp vai, háng... kéo dài chừng 5 - 7 ngày rồi khỏi, không để lại di chứng gì. Bệnh thấp khớp cần điều trị kịp thời để ngăn chặn sự tái phát và tránh tổn thương tim mạch.
 
Một số cách phòng ngừa bệnh trẻ em hay gặp khi giao mùa
 
Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh, nhất là khi đưa trẻ đi chơi ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm, ở các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp. Cho trẻ uống nước ấm, tránh ăn những thức ăn lấy trực tiếp từ tủ lạnh, kem, đá.
 
Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cho trẻ. Đây là những dưỡng chất quan trọng vừa giúp trẻ phát triển hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần cũng như hệ miễn dịch cho trẻ. Nâng cao sức đề kháng cơ thể cho bản thân và cho người thân trong gia đình là yếu tố then chốt ngăn ngừa bệnh.
 
Theo sức khỏe và đời sống