(Baonghean)- Bản mới Cà Moong, xã Lượng Minh ( Tương Dương) có 100% đồng bào Khơ Mu tái định cư để nhường đất thực hiện Dự án nhà máy Thủy Điện Bản Vẽ. Tuy nhiên hiện nay tại đây vẫn còn nhiều bất cập do thiếu đất sản xuất, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con...
Nguy cơ sạt lở
Từ thị trấn Hòa Bình vào Cà Moong phải đi ô tô hoặc xe máy khoảng 20 km đến bến Thượng Lưu của hồ thủy điện Bản Vẽ; sau đó, xuống thuyền đi khoảng 1 giờ đồng hồ vào bến Cà Moong; tiếp đến là 3 km đường dốc núi. Khi chúng tôi đề cập vấn đề sạt lở, Trưởng bản ông Hấp Văn Phúc cho hay: Trong 2 năm 2013 và 2014, ở đây đều xảy ra sạt lở đất do mưa lũ. Nhất là năm 2014, mưa lũ to đã tống đất đá từ trên cao xuống bản.
Bản Cà Moong ở trên cao, nhưng tuyến đường huyện mở từ trung tâm xã về còn ở trên mấy tầng cao. Đường đang thi công, đất đá từ đó chạy thành dòng đổ xuống làm hư hại đến 12 nhà. Đất đá tràn khắp bản, nhưng may mà dân chạy được…
Sau vụ việc xảy ra, chính quyền huyện Tương Dương đã lập tổ công tác về khắc phục hậu quả, sau đó xử lý kè đập, tạo kênh dẫn nước từ trên cao xuống để ngăn sạt lở. “Vừa làm sạch bùn đá, kè đập, khơi dòng chảy còn hỗ trợ 12 hộ bị sập và di dời 10 hộ có nguy cơ vì nằm bên dòng chảy” - ông Phúc nói - “Vẫn lo lắm. Còn 3 hộ chưa chịu di dời khỏi khu vực nguy hiểm. Đường vào bản thì có 2 đoạn sắp đứt đến nơi rồi…”.
Chúng tôi vượt lên đình cao vùng núi Khe Pông, nơi tuyến đường từ trung tâm xã Lượng Minh về Cà Moong đang được xây dựng để tận thấy hệ thống kè đập ngăn sạt lở. Ở đó trông xuống, bản Cà Moong nằm gọn trong một thung lũng, bao quanh là núi rừng. Với địa thế như vậy, dù kè đập đã được làm thì nỗi lo sạt lở mùa mưa vẫn hiện hữu.
Thiếu đất sản xuất, thiếu điện, thiếu nước
Bản Cà Moong xưa thuộc xã Kim Đa, cách bản mới chừng 8 km đường thủy. Thời kỳ thực hiện dự án Thủy Điện Bản Vẽ, chủ trương đưa nhân dân về các khu tái định cư ở Thanh Chương. Nặng lòng với vùng đất tổ tiên ông bà, nhân dân lắm nỗi băn khoăn nên đã xin nhà nước cho được về thung lũng Khe Pông để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên khi về đây, bốn bề là rừng núi đều do Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý không được xâm phạm. Thế nên, hộ nào cũng vậy, con cái để lại cho người già, còn người có sức khỏe thì xuống thuyền về bản cũ. Cứ như vậy biền biệt làm nương rẫy, chăn thả gia súc cả năm trời để có lương thực, thực phẩm đưa về nuôi sống gia đình. Những khi có vấn đề gì liên quan đến cộng đồng cần phải họp dân, trưởng bản nương theo “sóng rớt” gọi vào bản cũ cho đội trưởng sản xuất, để vài ngày sau, ông này truyền tin để dân bản trở về.
Thăm toàn bản Cà Moong, chúng tôi thấy rõ vấn đề thiếu đất sản xuất. Và cũng thật ngạc nhiên, khi đây là khu tái định cư của một công trình trọng điểm, nhưng càng đi, càng thấy những bất cập trong đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở. Một nguyên tắc của đầu tư xây dựng khu tái định cư là phải đảm bảo về điện, đường, trường trạm, hệ thống nước sinh hoạt. Ở Cà Moong, trường và trạm đã có, nhưng điện không; đường nội bản như chưa hề có sự đầu tư xây dựng; hệ thống nước tự chảy có nhưng thiếu nước… Tình trạng này, báo chí đã lên tiếng nhiều; tỉnh và huyện cũng đã quan tâm vào cuộc nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Và, nguyên nhân được cho do chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Thủy điện 2 thiếu trách nhiệm.
Theo các văn bản mà huyện Tương Dương lưu giữ thì vào tháng 7/2010, Ban Quản lý dự án Thủy điện 2 ủy quyền cho UBND huyện Tương Dương thực hiện đầu tư xây dựng khu tái định cư của bản Cà Moong trong thời gian thực hiện là 8 tháng. Thời điểm đó, hồ thủy điện bắt đầu chuẩn bị tích nước. Và khu tái định cư Cà Moong ở khu vực Khe Pông, xã Lượng Minh ra đời. Nhưng khi thực hiện đầu tư xây dựng lại khó khăn: Tất cả các hạng mục công trình ở đây đều được đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế theo quy chuẩn, có thuyết minh đầy đủ, nhưng bị chủ đầu tư cắt bỏ; muốn xây dựng hạng mục công trình đều phải được Ban Quản lý dự án Thủy điện Bản Vẽ chấp thuận, phê duyệt thì mới được triển khai. “Họ là chủ đầu tư, huyện chỉ được “ủy quyền” thực hiện. Thế nên, họ chấp thuận hạng mục nào thì huyện làm cái đó. Ngay cả con đường dẫn vào bản, ban đầu họ chỉ chấp thuận đào đắp nền đường rộng có 3,5m, huyện phải mất đến 3 năm trời tranh luận họ mới cho mở rộng 6m…” – một lãnh đạo huyện nói.
Đưa ra các câu hỏi: sau vụ sạt lở năm 2014, kinh phí khắc phục hậu quả lấy nguồn từ đâu? Từ khi người dân Cà Moong về nơi ở mới, Ban quản lý dự án Thủy điện 2 có trách nhiệm gì thêm với dân? Được biết, sau khi sạt lở, huyện Tương Dương xin tỉnh, bên cạnh đó, trích ngân sách địa phương khoảng 1,2 tỷ đồng để vừa dọn vệ sinh, khơi thông dòng chảy, kè đập, và hỗ trợ cho các hộ bị sập nhà, di dời các nhà bị ảnh hưởng. Còn về Ban quản lý Thủy điện 2 thì chẳng thấy đâu. “Hồ thủy điện tích nước là họ phủi tay” - lãnh đạo huyện Tương Dương khẳng định. Lại hỏi rằng: Chẳng lẽ Tương Dương không có ý kiến để chủ đầu tư phải thể hiện trách nhiệm với những người dân đã nhường đất ông bà tổ tiên cho họ thực hiện dự án? Câu trả lời là: Sự việc Cà Moong đã qua nhiều diễn đàn nhưng chẳng thay đổi được gì!.
Xem lại “Quy định tạm thời về bồi thường, di dân và tái định cư”, thì Tổng Công ty điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thành viên áp dụng thực hiện cho các dự án. Ngoài các vấn đề bồi thường đất đai, tài sản, các quy định việc thực hiện cơ sở hạ tầng các khu tái định cư hết sức rành mạch, chi tiết với đầy đủ những hạng mục công trình với bộ quy chuẩn đủ để đảm bảo cuộc sống nhân dân khi về nơi ở mới... So sánh quy định với những gì thấy ở Cà Moong, thì cách “một trời một vực”.
Nhật Lân- Phạm Bằng