(Baonghean) - Toàn xã Môn Sơn (Con Cuông) có 13 thôn bản thì đã 8 bản có bí thư chi bộ, 3 trưởng bản là nữ. Có 2 bản cả bí thư chi bộ và trưởng bản đều là phái đẹp. Đó là điều hiếm thấy ở các địa bàn vùng cao, nơi mà vai trò của phụ nữ chưa thực sự được chú trọng.
Bà mế 20 năm “vác tù và"
Từ 10 năm nay, bà Hà Thị Thìn được bầu làm Bí thư chi bộ bản Làng Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông) Trước đó là hai khóa liền bà làm chi hội trưởng phụ nữ bản, mỗi khóa kéo dài 5 năm. Vậy là đã 20 năm liền bà Thìn làm cán bộ bản, một điều không nhiều bà mế người Thái ở các bản làng vùng cao làm được.
Mới đây Làng Xiềng trở thành thôn bản được công nhận làng nghề đầu tiên trong huyện, Làng nghề Dệt thổ cẩm Bản Làng Xiềng. Từ gần chục năm về trước bà đã cùng các thành viên ban quản lý vận động chị em phụ nữ trong bản gây dựng lại nghề dệt thổ cẩm đang trên đà mai một.
Lúc đầu chỉ có vài người ủng hộ, sau đó một cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hình thành. Nay tthì cơ sở sản xuất đã được công nhận là làng nghề. Đây là một niềm vui lớn đối với một người trong vai trò dẫn dắt phong trào trong những ngày đầu như bà Thìn.
Đây chỉ là một trong những sự kiện vui suốt 20 năm “vác tù và” của người phụ nữ sống trong một gia đình “tứ đại đồng đường”. Giờ đã lên chức bà nội nhưng mỗi ngày bà Thìn vẫn dậy từ 2 giờ sáng. Công việc đầu tiên của bà là dệt vải để góp sẩn phẩm cho làng nghề. Tiếng thoi đưa lách tách là âm thanh quen thuộc ở bản nhỏ người Thái ven dòng sông Giăng thơ mộng. Quãng 5 giờ sang, người phụ nữ 53 tuổi lại nổi lửa lo cơm nước bữa sang cho cả nhà.
Khi mặt trời vừa ló rạng và bữa sáng đã xong xuôi, bà Thìn ra sông cho cá ăn. Từ hơn 1 năm nay, gia đình tham gia mô hình nuôi cá lồng trên sông Giăng. Gia đình bà còn nhận trông coi một khu rừng rộng 10ha, 6000m2 ruộng nước mỗi năm cấy 2 vụ.
Ban quản lý có nữ chiếm đa số
Cách Làng Xiềng gần chục cây số là bản Bắc Sơn. Ở bản người Thái này, các chức danh như bí thư chi bộ, trưởng bản, chi hội trưởng Người Cao tuổi, Hội Nông Dân, thống kê đều do phụ nữ đảm trách. Trên thửa đất rộng chừng 3000m2ở ven bản, bí thư chi bộ Nguyễn Thị Nhuần đang cùng chồng đang chăng lưới rào khoảnh vườn để ngăn đàn gà vào phá vườn ngô vừa trỉa xong. Người phụ nữ có vẻ ngoài khắc khổ hơn cái tuổi 32 này đang dẫn dắt chi bộ gồm 12 đảng viên ở bản Tân Sơn. Từ một chi hội trưởng phụ nữ, tháng 9/2016, chị Nhuần được bầu làm bí thư chi bộ.
Chị Nhuần cho biết: Dù là cán bộ bản nhưng bản thân gia đình vẫn đang là hộ cận nghèo. Ở cái bản nhỏ vùng biên giới này, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao nên vai trò của người đứng đầu cộng đồng càng quan trọng.
Trong gần nửa năm giữ cương vị bí thư chi bộ, chị Nhuần đã triển khai được một mô hình cho người dân trồng ngô. Mô hình do Nhà máy sữa TH đầu tư từ nguồn giống, phân bón cho đến việc bao tiêu sản phẩm. Khi cây ngô trổ cờ cho đến giai đoạn bắp non, nhà máy sẽ thu mua cho dân. Nhờ chủ trương này,nhiều diện tích lúa chỉ cấy một vụ do thiếu nước đã có hướng đi mới nhằm tăng thu nhập cho dân bản.
Cách nhà chị Nhuần một quãng ngắn là căn nhà nhỏ của trưởng bản Vi Thị Đại. Chị được cộng đồng đánh giá là người xông xáo, nhiệt tình, luôn xốc vác công việc của bản mường. Cũng bởi tính nết ngay thẳng, nói thường đi đôi với làm nên bà mế đã có 3 cậu con rể này được tín nhiệm bầu giữ vai trò đứng đầu các đoàn thể trong bản từ hơn 3 năm nay.
Cũng như chị Nhuần và hầu hết các bí thư trưởng bản là nữ trong xã, chị Vi Thị Đại cũng từng là chi hội trưởng phụ nữ suốt 14 năm liền đã quen với công việc làm cán bộ bản. Thế nhưng với chị, khi được giao nhiệm vụ mới, ban đầu cũng cảm thấy áp lực bởi công việc chung của thôn bản chiếm nhiều thời gian hơn việc gia đình. Nhờ sự cảm thông cỉa chngf con, chị đã vượt lên và hoàn thành tốt vai trò người đừng đầu thôn bản.
Với chị Nhuần và chị Đại, nhiệm vụ đưa thôn bản phát triển đi lên hãy còn nhiều gian nan. Nhiều tuyến đường ở bản Bắc Sơn vẫn chưa được bê tông hóa. Việc đi lại vẫn gặp vô vàn khó khan. Phần lớn diện tích đất sản xuất của bà con bản Tân Sơn đều ở phía bên kia sông Giăng. Đi ruộng, đi rẫy đều phải qua sông bằng thuyền máy, thuyền chèo. Bà con nơi đây đang cố gắng phấn đầu để vượt qua khó khan. Là người đứng đầu thôn bản, 2 bà mế thấu hiểu hơn ai hết vai trò của mình để giúp bà con vượt qua khó khăn.
Xin thoát nghèo để làm gương cho người bản
Trên đường trở về, chúng tôi ghé thăm bản Khe Ló. Đây cũng là thôn bản mả cả bí thư chi bộ và trưởng bản đều là nữ. Là một đảng viên còn nhiều khó khăn nhưng từ cuối năm 2016, chị Lương Thị Tâm được chi bộ thôn bản bầu làm bí thư. Bà “mế” trẻ sinh năm 1984 đã bàn với chồng làm đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo.
Trong buổi trưa nắng nhạt, một tay cầm cuốc vun chuối, chị Tâm kể về gia cảnh của mình. Năm 2004 chị lập gia đình. Kinh tế vốn không khấm khả nhưng vợ chồng cũng biết bảo ban nhau chí thú làm ăn. Nhà ít ruộng nên cũng chỉ đủ gạo ăn. Xác định gắn bó với thôn bản chứ không đi làm ăn xa như những người cùng trang lứa, đến năm 2009 chị Tâm nhận lời làm chi hội trưởng phụ nữ bản.
Cũng nhờ đó mà chị được tiếp xúc nhiều hơn với chủ trương chính sách phát triển kinh tế của nhà nước đối với vùng đặc biệt khó khăn, được tham gia những lớp tập huấn về nông nghiệp. Nhờ biết áp dụng kỹ thuât sản xuất, kinh tế gia đình có được cải thiện nhưng xét trên các tiêu chí thì gia đình vẫn chưa thoát nghèo. “Dù vậy thì mình cũng nhất định không ở trong danh sách hộ nghèo nữa.” Chị Tâm thộ lộ vẻ đầy quả quyết.
Nói về câu chuyện xin thoát nghèo của gia đình chị Tâm, chị Vi Thị Viết, trưởng bản Khe Lo chia sẻ: “Dù chưa hết khó khăn, nhưng xét thấy cả vợ lẫn chồng đều đang độ tuổi lao động sung sức nên chị Tâm làm đơn thoát nghèo để làm gương cho nhiều người khác nói theo. Bởi trong cộng đồng vẫn không ít người còn muốn ỷ lại vào chính sách hộ nghèo của nhà nước.”
Chia tay những nữ cán bộ bản ở xã biên giới Môn Sơn, chúng tôi chợt thấy vui lạ. Với họ thì việc hoàn thành những cương vị lãnh đạo cấp thôn bản chẳng hệ dễ dàng gì. Nhưng ai nấy đều chung một ý thức là cố gắng vì cộng đồng, nhằm góp phần đưa xã đặc biệt khó khăn này vươn lên về mọi mặt.
Hữu Vi