Anh em nhà họ Nguyễn
Các cổ động viên SLNA thuộc thế hệ 8X trở về sau đều không biết đến tiền vệ trung tâm Nguyễn Văn Dũng, cầu thủ thường mang áo số 13 của SLNA trong giai đoạn cuối thập niên 80 – đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Được biết, cựu tiền vệ Nguyễn Văn Dũng là anh trai ruột của Nguyễn Văn Tiến, hay còn gọi là Tiến “Lục”, cầu thủ thi đấu ở vị trí tiền vệ cánh phải của SLNA với số áo 14 sau lưng.
Theo chia sẻ của cựu HLV Nguyễn Thành Vinh thì trước khi gia nhập SLNA, Nguyễn Văn Dũng là cầu thủ của Quân khu 4. Tiền vệ này cùng lứa với Vũ Quang Bảo, “thuyền trưởng” của Thanh Hóa và XSKT Cần Thơ ở mùa giải năm ngoái. Nhắc về cậu học trò cưng, ông Vinh “Nghệ” đánh giá: “Dũng là một trong những tiền vệ trung tâm xuất sắc nhất của SLNA từ trước tới nay”.
Còn với người em trai Nguyễn Văn Tiến lại thi đấu ở vị trí tiền vệ cánh phải, nổi tiếng với những quả ném biên và những cú sút phạt trực tiếp có lực rất mạnh. Hiện tại, Tiến “Lục” đang làm công tác đào tạo trẻ ở SLNA và gặt hái được rất nhiều danh hiệu cao quý (giành chức vô địch tại VCK U17 QG 2009 trong vai trò HLV trưởng U17 SLNA).
Gia đình họ Văn
So với anh em nhà họ Nguyễn (Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Văn Tiến), anh em nhà họ Văn còn nổi tiếng vượt xa khỏi phạm vi xứ Nghệ, với “bộ 3 huyền thoại” là Văn Sỹ Hùng - Văn Sỹ Sơn - Văn Sỹ Thủy. Sự đóng góp của 3 anh em nhà họ Văn vào thành tích chung của SLNA là vô cùng lớn (vô địch Giải vô địch Quốc gia 2000, vô địch V.League 2001, vô địch Cúp Quốc gia 2002…).
Đừng quên, 2 trong 3 cậu con trai của danh thủ Văn Sỹ Chi là Văn Sỹ Hùng và Văn Sỹ Thủy từng có vinh dự khoác áo Đội tuyển Việt Nam. Đặc biệt, tiền đạo mang biệt danh “Little Boy” – Văn Sỹ Hùng đã thi đấu rất thành công tại SEA Games 1997 và Tiger Cup 1998 (tiền thân của AFF Cup). Hẳn người hâm mộ bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể quên khoảnh khắc Văn Sỹ Hùng thực hiện pha “xe đạp chổng ngược” vào lưới Đội tuyển Indonesia và cú bấm bóng nhẹ nhàng, tinh tế vào lưới Đội tuyển Thái Lan ngày nào.
Đáng tiếc, sau những năm tháng cống hiến cho SLNA, các thành viên trong gia đình nhà họ Văn đều lần lượt chia tay xứ Nghệ để đến với những địa phương khác theo những cách khác nhau. Tiền đạo Văn Sỹ Hùng gia nhập HAGL (2002), tiền đạo Văn Sỹ Thủy giã từ sự nghiệp cầu thủ (2004), hậu vệ cánh trái Văn Sỹ Sơn thì giải nghệ trong màu áo SLNA (2007) rồi theo nghiệp huấn luyện tại Hà Nội. Riêng trường hợp cậu em út Văn Sỹ Linh lại bị thanh lý hợp đồng khi đang thuộc biên chế của đội trẻ.
Giờ đây, Văn Sỹ Hùng đang giữ vị trí Giám đốc đào tạo trẻ của CLB Hà Nội, Văn Sỹ Thủy và Văn Sỹ Linh đang giữ những cương vị khác nhau tại Trung tâm đào tạo bóng đá T&T – VSH tại thị xã Cửa Lò, còn Văn Sỹ Sơn thì đang nghỉ ngơi sau khi rời khỏi thành phần Ban Huấn luyện CLB Hà Nội ở đầu mùa giải năm nay. Chứng kiến việc anh em nhà họ Văn tiếp tục theo đuổi đam mê và gặt hái được những thành công trong sự nghiệp bóng đá, chắc chắn, người hâm mộ xứ Nghệ đều cảm thấy rất ấm lòng.
Anh em nhà họ Quế
Cũng giống như các bậc tiền bối nhà họ Nguyễn và gia đình họ Văn, trung vệ Quế Ngọc Hải và người anh trai Quế Ngọc Mạnh cũng không còn thuộc biên chế của SLNA. Trong khi Quế Ngọc Hải đã có mùa giải thứ 2 khoác áo Viettel, thì người con trai cả nhà họ Quế lại đang thi đấu cho đội bóng hạng Nhất Bà Rịa Vũng Tàu, theo hình thức cho mượn từ CLB TP.HCM.
Quế Ngọc Hải và Quế Ngọc Mạnh là sản phẩm của lò đào tạo SLNA và từng có những mùa giải cùng thi đấu cho đội bóng xứ Nghệ (2013 – 2014). So với người anh trai, sự nghiệp của Quế Ngọc Hải diễn ra có phần thuận lợi hơn. Trong quãng thời gian khoác áo đội bóng quê hương, Quế Ngọc Hải luôn chứng tỏ được tài năng và tầm quan trọng của mình với đội chủ sân Vinh. Chức vô địch Cúp Quốc gia 2017 của SLNA, có công không nhỏ của trung vệ 27 tuổi.
Không chỉ thi đấu ấn tượng trong màu áo SLNA, Quế Ngọc Hải còn khẳng định được đẳng cấp của một trung vệ hàng đầu trong màu áo các đội tuyển Quốc gia. Những màn trình diễn tại AFF Cup 2018 là minh chứng rõ ràng. Lúc này, cầu thủ sinh năm 1993 đang đảm nhiệm vai trò thủ quân của Đội tuyển Việt Nam, kể từ Asian Cup 2019. Một vinh dự lớn lao với gia đình họ Quế.
Thực ra, không phải SLNA là đội bóng duy nhất từng sở hữu những cầu thủ anh em ruột trong đội hình. Trong quá khứ cũng có khá nhiều đội bóng được sở hữu điều tương tự, điển hình như CLB Ajax Amsterdam (Hà Lan) với cặp song sinh Ronald de Boer - Frank de Boer hay CLB Manchester United (Anh) với anh em nhà Neville: Gary Neville và Phil Neville. Nhưng với số lượng nhiều như SLNA thì quả là rất hiếm./.