(Baonghean) - Với một số vốn ít ỏi và một chứng minh thư giả, Nguyễn Hữu Tài (xóm 14, xã Thanh Giang, Thanh Chương) đã giả danh người khác lập một công ty "ma" và lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để buôn bán hóa đơn đỏ gây thiệt hại cho nhà nước gần 5 tỷ đồng...


Từ một công ty "ma"...


Khoảng giữa tháng 5/2010, một thanh niên còn khá trẻ tự xưng là "Cấn Anh Tuấn" (quê quán tại Thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đến nhà ông Chinh ở khối 13, Thị trấn Hưng Nguyên để thuê văn phòng cho Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Anh Tuấn làm trụ sở. Công ty với ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh vật liệu xây dựng, thầu xây dựng, nhưng trong gần một năm thuê văn phòng công ty hầu như không có giao dịch. Ngay cả "Cấn Anh Tuấn" dù mang danh là giám đốc nhưng thỉnh thoảng cũng mới có mặt tại văn phòng. Việc bất thường của công ty này chỉ bị phát hiện vào tháng 7/2011, khi Chi cục Thuế Hưng Nguyên phát hiện công ty không có hồi âm sau nhiều lần đơn vị có giấy báo yêu cầu công ty đến để kê khai thuế. Sự việc sau đó được báo cho công an huyện Hưng Nguyên. Ngay sau đó, qua điều tra xác minh, cơ quan điều tra đã phát hiện 9 doanh nghiệp mà Công ty Anh Tuấn kê khai thuế đầu vào trong suốt hơn một năm đều không có hóa đơn và đó đều là kê khai khống. Tổng số tiền kê khai lên đến 4.969.057.000 đồng.


Từ sự việc này, mở rộng điều tra tại Thị trấn Hồ ở tỉnh Bắc Ninh, Công an huyện Hưng Nguyên còn phát hiện cái tên Cấn Anh Tuấn thực chất chỉ là tên giả. Kẻ chủ mưu đã thay ảnh của mình trong chứng minh thư rồi phô tô, công chứng gửi lên Sở Kế hoạch - Đầu tư để xin đăng ký thành lập doanh nghiệp. Sau nhiều biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an đã xác minh người mang tên Cấn Anh Tuấn thực chất là Nguyễn Hữu Tài (1982), quê quán ở xóm 14, xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương, trú tại địa chỉ xóm 4, Xuân Viên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Đồng thời với đó, lệnh bắt khẩn cấp đã được thực hiện. Cùng với Tài, người đồng phạm và là kế toán của công ty tên là Trần Thị Hiền (1986), trú tại nhà số 8, ngõ 2, đường Cao Lỗ, phường Lê Mao, cũng có lệnh bắt giữ. Qua hai đầu mối này, những bằng chứng đầu tiên về một đường dây buôn bán hóa đơn đỏ đã được phát hiện.


 776146_small_74928.jpg

                   Những hóa đơn đỏ do doanh nghiệp Anh Tuấn bán "chui"

Theo lời khai của Nguyễn Hữu Tài: Khoảng đầu năm 2010, Tài gặp lại người bạn cũ tên là Trần Minh Đương (quê ở Bạc Liêu) - Giám đốc Công ty TNHH TMDV Tân Lộc Thành (khối Tân Lâm, phường Hưng Dũng). Qua nói chuyện, Đương bày cho Tài "mẹo" làm ăn bằng cách buôn bán hóa đơn đỏ. Để thực hiện, Đương giúp Tài làm một chứng minh thư giả, sau đó lên đăng ký thành lập doanh nghiệp ở Sở Kế hoạch - Đầu tư. Với trụ sở đăng ký ở huyện Hưng Nguyên, Tài được mua 5 cuốn hóa đơn đỏ. Nhằm hợp thức hóa việc kinh doanh, ban đầu bọn chúng bày nhau đến các công ty lớn mua một ít hàng với giá trị nhỏ rồi theo số seri hóa đơn đó mà kê khai thêm làm thuế đầu vào. "Đối tượng" đầu tiên mà bọn chúng lợi dụng là Công ty Thanh Lam Nguyễn (ở Thị xã Thái Hòa). Sau đó, lần lượt 8 công ty khác là Công ty CP VLXD miền Trung, Công ty TNHH Dũng Tâm, Công ty CPTM DV Hằng Huyền Sự... đã vô tình trở thành "đối tác" làm ăn với chúng. Sau khi kê khai đủ số lượng thuế đầu vào, chúng bắt đầu tiến hành bán hóa đơn đỏ.

Để chắc chắn, thường những vụ thỏa thuận, mua bán không tiến hành ở trụ sở công ty mà thường được diễn ra ở các quán cà phê. Ban đầu Cấn Anh Tuấn (tức Tài), trực tiếp đứng ra giao dịch. Sau đó, khi Hiền đã học được chứ ký của Tài thì việc giao dịch được Tài giao lại toàn bộ. Bọn chúng cũng có thỏa thuận ngầm, nếu khách mua hóa đơn do Tài giới thiệu thì Tài sẽ được hưởng 6% tiền trước thuế. Nếu khách của Hiền thì thu tiền trước thuế 5%. Bằng thủ thuật này, bọn chúng đã bán được hóa đơn cho 120 công ty. Do hóa đơn không đủ, Tài và Hiền còn đến công ty của Đương mượn máy in để in thêm 10 quyển hóa đơn khác. Tại cơ quan điều tra, Hiền đã khai toàn bộ sự việc trên và nói rõ thêm các lần bọn chúng mua bán hóa đơn như: Tháng 1/2011, tôi gặp chị Nga (Công ty TNHH Hoàng Hải) và bán cho người này 3 hóa đơn với giá 1 tỷ 33 triệu đồng; tháng 11/2010, bán 8 tờ cho Công ty TNHH XDTM Hoàng Linh với tổng giá trị khoảng 130 triệu đồng, Công ty TNHH Hoàng Nguyên: 2 hóa đơn với tổng giá trị 440 triệu đồng... Tổng số tiền viết hóa đơn có giá trị khoảng 2 tỷ 685 triệu đồng...


Lỏng lẻo trong quản lý


Theo Trung tá Phan Duy Quỳ - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự - Quản lý kinh tế, chức vụ, ma túy - Công an huyện Hưng Nguyên: Tình trạng buôn bán hóa đơn đỏ vốn là một vấn đề nhức nhối đã được cảnh báo nhiều năm nay. Tuy nhiên, buôn bán dưới hình thức trá hình của một doanh nghiệp là một chiêu thức mới và có xu hướng nở rộ trong phạm vi toàn quốc. Không loại trừ trường hợp có nhóm chuyên đứng ra tổ chức hoặc thuê người thành lập doanh nghiệp ảo, nhóm khác đảm nhận việc tìm kiếm địa bàn, đầu mối để tiêu thụ hóa đơn, cung cấp cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Như ở vụ án này, qua quá trình điều tra hóa đơn của 120 doanh nghiệp có "giao dịch" với Tài và Hiền, có rất nhiều hóa đơn là của các tỉnh khác như Thạch Hà, Can Lộc, Thị xã Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Thanh Chương (Nghệ An), Tĩnh Gia (Thanh Hóa), quận Tây Hồ (Hà Nội).


Có nhiều nguyên nhân để các doanh nghiệp cần hóa đơn đỏ. Tại Nghệ An, qua kiểm tra một số doanh nghiệp đã mua hóa đơn đỏ ở Công ty Anh Tuấn, nhiều đơn vị lấy lý do mua hóa đơn đỏ để thanh toán cho việc mua bán nguyên vật liệu cát sỏi để xây dựng vì mặt hàng này thường không có hóa đơn. Với 7 hóa đơn đỏ mua của Công ty Anh Tuấn, đại diện Công ty CP ĐT &XD Ngư Hải (xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc) nêu lý do: Trong quá trình xây dựng đường giao thông nông thôn ở xã Nghi Phong (huyện Nghi Lộc) công ty có giao dịch với một lái xe để chuyên chở cát sỏi và người lái xe (không biết rõ địa chỉ này) đã đưa hóa đơn đỏ cho công ty. Tương tự, Công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Anh Quân (số 18, đường Bình Trọng, Thành phố Vinh) cũng lấy lý do mua cát xây dựng để giải thích cho hành động mua hóa đơn đỏ. Ngoài lý do trên, không loại trừ khả năng nhiều doanh nghiệp mua trái phép hóa đơn đỏ để lập hồ sơ khống, hợp thức hóa hàng nhập lậu, hàng trôi nổi.


Làm sao để chấm dứt tình trạng mua bán hóa đơn đỏ đang là câu hỏi khó. Bởi theo như Trung tá Phan Duy Quỳ: Trong các quy định của Nhà nước còn có quá nhiều kẽ hở để kẻ xấu có thể lợi dụng. Ngay như trong ngành Thuế, mặc dù có nhiều trường hợp nghi ngờ nhưng theo quy định những công ty mới thành lập phải sau 1 đến 2 năm mới được kiểm tra về việc thu chi. Bên cạnh đó, về phía đơn vị cấp giấy phép hoạt động cho doanh nghiệp còn sơ sài, chưa thẩm định được chứng minh thư giả hay thật dẫn đến nhiều trường hợp cấp phép không đúng đối tượng. Để chấn chỉnh tình trạng trên cần sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và cần có chế tài xử lý riêng không những đối với những đối tượng bán mà còn với những đơn vị mua hóa đơn đỏ, chui lủi. Riêng về vụ án này, mặc dù đã tiến hành khởi tố các đối tượng liên quan, nhưng vụ án vẫn chưa được khép lại và sẽ còn tiếp tục điều tra mở rộng địa bàn, mở rộng đối tượng có liên quan.


Phương - Hà