(Baonghean) - Vào vụ Tết, không khí sản xuất, bán mua ở các làng cá, làng rau ở Quỳnh Lưu trở nên nhộn nhịp hẳn lên. Làng cá thì được giá, làng rau thì được mùa... Người dân vùng cá, vùng rau phấn chấn chuẩn bị một cái Tết mới có phần đủ đầy hơn.

Làng cá được giá

Dịp cuối năm nay, khi ảnh hưởng gián tiếp từ sự cố môi trường biển miền Trung phần nào được khắc phục, niềm tin người tiêu dùng trở lại, người dân các làng cá ở Quỳnh Lưu đã phần nào lạc quan hơn. Vui vì khai thác biển trúng mùa nên tôm, cá, mực đều đạt sản lượng khá cao. Vui vì đến gần ngày Tết cổ truyền, giá hải sản đã tăng lên.

Ngư dân Lê Xuân Hăng, thôn Phú Liên, xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) - thuyền viên tàu cá NA 97568 TS phấn khởi cho biết: 3 tuần trước Tết, cá thu câu mới chỉ hơn 200.000 đồng/kg, đến 2 tuần trước Tết cá thu trên 280.000 đồng/kg cũng không có bán... Những tháng cuối năm, gió mùa nhiều nên mỗi tàu chỉ ra khơi được một chuyến. Tuy nhiên, chuyến ra khơi này mỗi tàu cũng đánh bắt được 20 tấn cá, số tiền thu về gần 500 triệu đồng, trừ chi phí, mỗi thuyền viên có thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng.

Nghề chế biến hải sản cũng phấn khởi không kém. Làng nghề nước mắm Tân An, xã An Hòa có 80 hộ sản xuất nước mắm chuyên nghiệp và khoảng gần 30 hộ sản xuất nhỏ lẻ. Ông Dương Hà Nam - chủ cơ sở sản xuất nước mắm Nam Nghĩa, xã An Hòa cho hay: Để đáp ứng được nhu cầu của khách, hiện nay, cơ sở của gia đình đang huy động toàn bộ nhân công và người nhà làm suốt ngày đêm, khẩn trương đóng chai 200 nghìn lít nước mắm loại một để cho khách hàng từ Vinh, Hà Nội, Thái Nguyên đến lấy bán dịp Tết. 

images1808023_1__2_.jpgCảng cá Lạch Quèn vào mùa thu hoạch

Sản phẩm nước mắm Quỳnh Lưu ngon nổi tiếng và hàng đông lạnh, hàng khô cũng vậy. Vào vụ Tết, các cơ sở đông lạnh, hàng khô ở Quỳnh Lưu tất bật chuẩn bị hàng chục tấn hàng. Những mặt hàng nổi tiếng như cá thu nướng, cá thu một nắng, mực câu khô, mực câu một nắng, cá chỉ vàng, cá chỉ hồng, tôm nõn, cá cơm khô, moi khô… đều là những mặt hàng có sản lượng tiêu thụ dịp Tết rất cao.

So với ngày thường, hiện nay giá mực khô tăng khoảng 50.000 - 100.000 đồng/kg, mực một nắng có giá giao động 500.000 - 650.000/kg, tôm nõn sấy khô từ 650.000 - 700.000 đồng/kg, cá chỉ vàng loại 1 giá 150.000 đồng/kg, ruốc khô 80.000 đồng/kg... Chị Nguyễn Thị Sâm - chủ đại lý cấp đông hải sản An Sâm, xã Quỳnh Nghĩa cho biết: “Bình thường một ngày chúng tôi bán được 50 - 60kg các loại, nhưng dịp Tết này thì đắt hàng bán được nhiều hơn, nhất là các loại mực, cá, tôm. Năm ngoái ra Giêng giá cả mới tăng, nhưng năm nay giá đã tăng từ tháng 11 âm rồi…”.

Năm 2016, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã sản xuất được khoảng gần 7.000 tấn hải sản các loại, gồm hải sản khô, cá nướng, cá đông lạnh và 4,7 triệu lít nước mắm, hàng chục tấn ruốc và một sản lượng lớn hải sản được xuất khẩu tươi sống sang thị trường Lào và Trung Quốc. Để đảm bảo nguồn thực phẩm luôn được an toàn, huyện Quỳnh Lưu và các xã đã tích cực vào cuộc. 

Ông Hoàng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải khẳng định: Hiện các mặt hàng thủy, hải sản phục vụ cho nhân dân trong dịp Tết rất phong phú và đa đạng, được bà con chủ động nguồn hàng từ những tháng trước. Về phía chính quyền địa phương đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các hộ chế biến, kinh doanh; góp phần đảm bảo hàng Tết của người dân trên địa bàn luôn đảm bảo chất lượng, mang hương vị đặc trưng của vùng biển Quỳnh.

Không khí sản xuất tại Làng nghề nước măm Tân An trở nên nhộn nhịp hẳn lên vào dịp Tết

Làng rau được mùa

Tết về, các làng rau xã bãi ngang Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh cũng vào vụ thu hoạch. Vụ đông xuân, toàn huyện Quỳnh Lưu cơ cấu sản xuất 1.800 ha rau màu, trong đó gần 1.000 ha rau màu phục vụ thị trường Tết... Về các cánh đồng rau Quỳnh Lưu những ngày này, không khí thu hoạch thật nhộn nhịp.

Bà Nguyễn Thị Ân, ở xã Quỳnh Minh nhanh tay thu hoạch gần 3 sào súp lơ, chia sẻ: Thời tiết thuận lợi nên rau phát triển tốt. Vừa rồi, gia đình trồng 3 sào súp lơ với 6.000 gốc, nay đã thu hoạch được trên 2.000 gốc. Số còn lại sẽ bán vào những ngày giáp Tết và sau Tết. Với giá thu mua tại ruộng 4.000 đồng/bông như hiện nay thì ước tính gia đình thu nhập được trên 20 triệu đồng.

Dịp cuối năm, thời tiết mát mẻ lại ít mưa nên nông dân Quỳnh Lưu đã trồng nhiều giống rau được người tiêu dùng ưa thích trong dịp Tết. Ông Hồ Cảnh Bằng, ở xã Quỳnh Lương trồng 3 sào rau màu các loại như hành lá, xà lách, cà chua, cải bắp. Đến nay gia đình ông đã thu hoạch lứa rau thứ 2 trong vụ Tết. Ông ước tính sẽ thu được 1,5 tấn rau xà lách, 1 tấn rau cải cúc và gần 3.000 bông súp lơ. Nếu bán cho đến sát Tết, gia đình sẽ thu lãi gần 50 triệu đồng.

Giáp Tết, giá rau xà lách bán tại ruộng là 3.000 đồng/kg; cải bắp 2.000 - 3.000 đồng/kg; cải cúc 3.000 đồng/kg; bắp cải 5.000 - 7.000 đồng/kg... So với giá rau vụ Tết năm 2015 - 2016, rau năm nay thấp gần một nửa giá. Nguyên nhân do thời tiết thuận lợi nên hầu như các vùng trồng rau đều được mùa, rau dồi dào nên một số tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... trước vốn nhập rau của bà con vùng bãi ngang nay đã hạn chế thu mua.

Bây giờ thị trường tiêu thụ rau màu chủ yếu là các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và phía Nam. Mặc dù giá cả thấp nhưng thu hoạch đến đâu, thương lái đến tận ruộng thu mua cho bà con đến đó; bình quân mỗi ngày vùng rau bãi ngang cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn rau màu các loại, với hàng chục chiếc xe tải vận chuyển đi khắp Bắc - Nam.

Làng rau Quỳnh Lương được mùa, thương lái mua rau ngay tại ruộng.

Ông Nguyễn Văn Tuệ - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương cho biết: Toàn xã có 250 ha diện tích chuyên canh rau màu. Nhằm đáp ứng lượng rau sạch cho thị trường trong những ngày giáp Tết, bà con mở rộng thêm 50 ha để trồng rau. Năm 2016, sản lượng rau màu của xã đạt trên 20 nghìn tấn, doanh thu trên 100 tỷ đồng...

Cùng với một số loại rau màu cung ứng thị trường Tết, thời điểm này, bà con cũng đang thu hoạch hành hoa trong niềm vui được mùa, được giá, với giá thu mua tại ruộng 9.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay. Bình quân, người nông dân trồng 1 sào hành hoa sẽ đạt gần 2 tấn, thu lãi 15 triệu đồng/sào. Địa phương hy vọng vào áp Tết, rau sẽ được thu mua với giá cao hơn, để người trồng rau có một cái tết sung túc và đầm ấm. 

T. Sơn - T. Toàn

TIN LIÊN QUAN