“PHÉP MÀU” TRÊN ĐOẠN ĐƯỜNG HỎNG
22h đêm, khi xe cộ bắt đầu thưa thớt, khi mọi người bắt đầu say giấc ngủ, trên đường Hồ Hán Thương (TP. Vinh), khoảng 30 chiếc xe máy lần lượt xuất hiện, hơn 50 thanh niên chia làm 2 nhóm tập trung trên đoạn đường lồi lõm, hư hỏng. Sự xuất hiện này khiến một số gia đình 2 bên đường hoang mang.
- Các cháu làm gì ở đây? - Một người lớn tuổi mở cổng thắc mắc.
- Chúng cháu lấp những ổ gà này để mọi người đi lại dễ dàng hơn ạ.
- Tại sao lại làm giờ này?
- Giờ này đường vắng, sẽ hạn chế ảnh hưởng đến mọi người ạ.
Câu trả lời khiến không ít người ngạc nhiên, nhất là khi những thanh niên này hoàn toàn xa lạ, không sống ở khu vực này. Phải đến khi chứng kiến những thanh thiếu niên dỡ dụng cụ, vật liệu và bắt tay vào làm, những thắc mắc này mới thực sự được giải tỏa.
Những người trẻ “vác tù và” này là thanh niên phật tử chùa Viên Quang và hoạt động đắp, vá đường ý nghĩa này được nhóm thực hiện vào thứ Năm hàng tuần, duy trì từ năm 2016 đến nay. Gọi chung là thanh niên nhưng trong nhóm có rất nhiều độ tuổi khác nhau, đa phần là sinh viên, người đã đi làm nhưng cũng có cả những ông bố bà mẹ lớn tuổi và cả những thiếu niên cấp 2. Họ ăn vận giản dị, nói chuyện lễ phép, gọi nhau là huynh, tỉ, đệ một cách nhỏ nhẹ.
“Để chuẩn bị cho buổi vá đường như thế này, các bạn thanh niên, sinh viên trong nhóm sẽ tranh thủ giờ nghỉ trưa để đi khảo sát các tuyến đường bị hư hỏng nặng. Sau khi chốt được tuyến đường sẽ triển khai, đội hậu cần sẽ chuẩn bị vật liệu, dụng cụ cho 70-80 người làm, bao gồm xi măng, đầm, búa, cuốc, xẻng, găng tay, áo phản quang, nước uống, đồ ăn nhẹ. Những công việc đó mất nguyên 1 buổi chiều. Kinh phí thực hiện hoạt động này được quyên góp từ các thành viên trong nhóm và hỗ trợ từ các nhà hảo tâm” - anh Bùi Khắc Lĩnh, phụ trách hoạt động từ thiện, có thâm niên 5 năm tham gia công việc này chia sẻ.
Dù không phải là những công nhân chuyên nghiệp nhưng những thanh thiếu niên này tổ chức thực hiện công việc làm đường một cách rất khoa học. Ngay sau khi xếp đồ gọn gàng vào vỉa hè, 2 thành viên được phân công cảnh báo người qua lại sẽ mặc áo phản quang, cầm đèn pin, đứng ở điểm đầu và cuối của đoạn đường cần sửa chữa. Các thành viên còn lại được trang bị găng tay, dụng cụ và chia làm 2-3 nhóm lớn, mỗi nhóm phụ trách lấp 1 đoạn.
Những đoạn đường được chọn đắp thường có “ổ voi” và “hố bom” đường kính lớn và độ trũng sâu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người đi đường. Ban đầu, những bạn nam sẽ dùng búa và cuốc để làm gọn, những bạn nữ sẽ dùng chổi, găng tay để làm sạch bề mặt hố. Rác bẩn được tập kết để đem đi vứt, cát và đá được gom lại, phân loại để tái sử dụng cùng xi măng. Sau đó, các bạn nam sẽ trộn vữa, lấp đầy vào những "hố bom", các bạn nữ hăng hái đảm nhận nhiệm vụ da trát, làm phẳng bề mặt bằng dụng cụ có tên gọi là "bai" một cách điệu nghệ. Suốt thời gian đó, mọi người thường hỏi nhau những câu như “Huynh mệt chưa, để đệ hỗ trợ?”, “Tỷ khát nước không, tỷ uống nước nhé?”, “Muội cần giúp gì không”…
Càng về khuya, sương xuống mỗi lúc một dày nhưng không khí làm việc vẫn vẹn nguyên sự hăng hái, vui vẻ. Sự chủ động, phối hợp nhịp nhàng, không chút nề hà nặng nhọc, lấm lem của các thành viên khiến 2 ổ gà lớn trên đường hoàn toàn lột xác, khoác lên mình một diện mạo mới chỉ sau 2 tiếng, như thể có phép màu. Và sáng mai, diện mạo tinh tươm đó khiến không ít người đi đường ngỡ ngàng, thích thú.
Suốt 6 năm qua, đội thanh niên tình nguyện đó đã vá không biết bao nhiêu nẻo đường, lắp bao nhiêu "hố bom" và mang đến bao nhiêu niềm vui, một cách âm thầm, lặng lẽ như vậy.
THANH XUÂN Ý NGHĨA
Không chỉ mang đến sự an toàn cho mọi người, bản thân những thanh, thiếu niên tham gia hoạt động ý nghĩa này cũng nhận được rất nhiều giá trị. “Hai niềm vui lớn mà em nhận được khi tham gia hoạt động này là được cống hiến, cảm thấy mình sống có ích và được kết nối với những bạn bè, anh em tốt. Kể từ ngày tham gia sinh hoạt cùng mọi người, em trở nên kiên nhẫn, bình tĩnh, vui vẻ hơn rất nhiều” - thành viên Lê Văn Tú (24 tuổi) trải lòng.
Bên cạnh niềm vui mà Tú chia sẻ, nhiều thành viên khác chia sẻ thêm, hoạt động này còn giúp mọi người có thêm nhiều kỹ năng, kinh nghiệm như sắp xếp công việc, xử lý tình huống, giao tiếp, làm việc nhóm… Mặc dù có nhiều kinh nghiệm và sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng không phải lúc nào hoạt động này cũng diễn ra thuận lợi. Phụ trách nhóm - anh Bùi Khắc Lĩnh thổ lộ: “Có những ngày trời đổ mưa bất ngờ khiến kế hoạch phải thay đổi. Giai đoạn bùng phát dịch từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay nhóm cũng phải hoãn hoạt động này lại để đảm bảo an toàn. Cũng có lần, vì số lượng thành viên tham gia quá đông khiến cơ quan chức năng ái ngại và yêu cầu giải tán. Tuy nhiên, không vì thế mà mọi người mất tinh thần, bất cứ khi nào có lịch hoạt động, các thành viên đều tham gia rất nhiệt tình và hào hứng”.
Chị Nguyễn Thu Trang - nhân viên Trường Xanh Tuệ Đức Nghệ An chia sẻ: “Ngoài hoạt động vá đường, đội tình nguyện Thanh niên Phật tử chùa Viên Quang Nghệ An còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa khác như cứu trợ đồng bào vùng lũ, nấu cháo miễn phí cho bệnh nhân Covid-19, nhặt rác… Dù tham gia chưa lâu nhưng bản thân tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được cùng mọi người góp sức mình cống hiến cho cộng đồng. Niềm hạnh phúc này là động lực để tôi tham gia cùng mọi người, dù phải đi xa, dù phải thức khuya dậy sớm”.
Là người lắp điện, kéo nước từ nhà mình để cùng nhóm thanh niên lấp "hố bom" trên đường Hải Thượng Lãn Ông (TP. Vinh), ông Sơn - một người dân sống gần đó, cảm kích: “Đoạn đường này hư hỏng đã nhiều năm nay nhưng chưa được sửa chữa, những ổ gà ngày càng lớn hơn khiến việc đi lại trở nên khó khăn. Vào mùa mưa, xe đạp, xe máy đi qua đây bị ngã rất nhiều. Việc làm của các bạn trẻ này thật sự rất ý nghĩa, truyền cảm hứng. Dù dụng cụ thô sơ nhưng các bạn trẻ đã thực hiện với tất cả tinh thần trách nhiệm, sự cẩn thận, tỉ mỉ”.